Wednesday, December 27, 2017

Nhiệt điện Vân Phong, thêm một nỗi sợ

TTTVN 
Theo RFA-2017-12-26  
Hình minh họa. Nhiệt định Vĩnh Tân
 Hình minh họa. Nhiệt định Vĩnh Tân  TTVN
Nhiệt điện Vân Phong, thuộc xã Ninh Phước thị xã Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa do tập đoàn kinh tế Sumitomo Nhật Bản đề nghị đầu tư từ năm 2006, dự tính sẽ tiến hành vào đầu năm 2018 sau nhiều năm hoãn kế hoạch vì nhiều lý do khác nhau. Điều này tạo ra nhiều phản ứng trái chiều, trong đó, sự mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và ô nhiễm môi trường cũng như tái thiết đời sống người dân nơi công trình mọc ra vẫn là vấn đề gây bức xúc nhiều nhất.

Môi trường bị đe dọa

Một cư dân tỉnh Khánh Hòa, không muốn nêu tên, chia sẻ: “À nói chung là sẽ có tác hại về bên nguồn nước, vì nó là nguồn nước độc chứ có phải nước trong đâu mà không ô nhiễm, nó ô nhiễm nhiều chứ, nó đủ loại hết, nói ra nó nhiều vấn đề lắm!”
Theo vị này, vấn đề môi trường tại Việt Nam nói riêng và môi trường của địa cầu đang ngày càng xấu đi là chuyện đã đến lúc con người phải biết dừng lại tất cả mọi hành vi xúc phạm đến môi sinh để đảm bảo tương lai không quá xấu.
Hiện tượng cháy rừng, bão lụt, thiên tai dường như có mặt mọi nơi trên thế giới, ngay cả những nơi được xem là thành trì an toàn để tránh thiên tai, dịch họa vẫn bị dính thiên tai trong thời gian gần đây.
Điều này cho thấy trái đất đang nóng dần lên, bầu khí quyển đang ngày càng xám xịt, sức khỏe con người đang ngày càng trở nên tệ hơn và mọi thứ chung quanh con người ngày càng độc hại. Thêm một nhà máy thủy điện mọc ra là thêm một mảng thiên nhiên bị cạo trọc để gắn bom nước, thêm một nhà máy nhiệt điện là thêm một lần lá phổi thiên nhiên phải hưởng khói độc.
Nói chung là sẽ có tác hại về bên nguồn nước, vì nó là nguồn nước độc chứ có phải nước trong đâu mà không ô nhiễm. - Người dân
Hiện tại, các nhà máy thủy điện, nhiệt điện đã có mặt khắp ba miền Việt Nam nhưng giá điện vẫn không ngừng tăng. Trong khi đó, quĩ đất sử dụng cho nhiệt điện là cả một vấn đề khác đáng bàn. Tại Vân Phong, để xây dựng nhà máy nhiệt điện, phải tốn diện tích hơn 514,79 hecta bao gồm 178,4 hecta khu vực nhà máy, 68 hecta bãi xỉ, nhà ở chuyên gia rộng 3,4 hecta và diện tích mặt nước 265 hecta. Giai đoạn 1, dự án sẽ đầu tư 2 tổ máy với công suất 1.320MW, tổng vốn hơn 2 tỷ Mỹ kim.
Chuyện lời lỗ chưa biết, nhưng mức độ tốn kém diện tích đất và nguy cơ về môi trường là thấy rõ trước mắt. Vấn đề bụi than, xỉ than, nguồn nước sinh hoạt của người dân chung quanh nhà máy sẽ ô nhiễm là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Đó là chưa nói đến nguồn nước sản xuất nông nghiệp sẽ bị nhiễm bẩn về lâu về dài. Trong khi đó, sự khủng hoảng về một nền nông nghiệp sạch của Việt Nam hiện nay là hết sức trầm trọng.
Vị này đặt câu hỏi tại sao trên thế giới, các nước tiến bộ đã bỏ gần hết nhà máy thủy điện, nhiệt điện mà tại Việt Nam, một nước phát triển sau, thừa kế được kinh nghiệm phát triển của thế giới lại chọn những thứ người ta bỏ đi?

Lộn xộn chuyện đất đai

Một cư dân Ninh Hòa, Khánh Hòa không muốn nêu tên, chia sẻ: “Bên nhà nước đưa ra thì người dân phải chấp nhận chứ không chối cãi được vì chúng tôi là dân mà, nhưng người dân yêu cầu nhà nước, chính phủ phải làm sao để khỏi bị ô nhiễm để người dân chúng tôi ở. Vì chúng tôi là người dân gốc từ lúc khai hoang, vậy làm sao chúng tôi di dời được. Vậy nên dân chúng tôi yêu cầu sao đừng ô nhiễm, đừng để tác hại đến chúng tôi, chứ nhà nước ở trên, làm sao dân chúng tôi cãi được.”
Ông Hoàng Trung, chủ một đại lý kinh doanh hành tỏi ở Khánh Hòa, chia sẻ: “Trồng ở dưới đó (Ninh Yển) là nhiều nhưng giờ người ta làm nhiệt điện nên giải tỏa khu đó hết rồi. Người dân phải đi mua đất chỗ khác để trồng. Người ta giải tỏa, để họ trồng nhưng họ lấy lại giờ nào không biết, giờ họ lấy hết rồi.”
Ông Hoàng Trung chia sẻ thêm về vấn đề đất đai, qui hoạch. Theo ông, hầu hết người Khánh Hòa đều không mong muốn có thêm một nhà máy nhiệt điện hay thủy điện nào trên tỉnh này. Bởi hậu quả của thủy điện, nhiệt điện ở các tỉnh trong thời gian qua cũng quá đủ để người dân lo sợ khi nó xuất hiện.
Bên nhà nước đưa ra thì người dân phải chấp nhận chứ không chối cãi được vì chúng tôi là dân mà. - Người dân
Bên cạnh đó, quĩ đất canh tác nông nghiệp đang càng ngày càng bị thu nhỏ. Dân số ngày thêm đông đúc, chỉ riêng đất ở không thôi cũng đã là chuyện đau đầu, giờ thêm chuyện đất nông nghiệp thu hẹp và chuyên gia, công nhân ngoại quốc vào Việt Nam ngày càng đông, họ không đơn thuần vào Việt Nam để làm công ăn lương mà họ còn lấy vợ Việt Nam, đẻ con tại Việt Nam và mua đất, làm nhà theo hộ khẩu vợ Việt Nam đang ngày thêm nhiều. Về lâu về dài, đây là câu chuyện không đơn giản.
Theo ông Trung, việc thị xã Ninh Hòa vừa tổ chức cưỡng chế các gia chưa di dời để thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 tại thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa. Ngay sau đó, các gia đình còn lại đã tự nguyện di dời để kịp tiến độ khởi công dự án vào đầu năm 2018. Trong số 340 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án, có 97 trường hợp phải tái định cư.
Các gia đình thuộc diện tái định cư được bố trí về khu tái định cư Ninh Thủy. Tuy nhiên, do khu tái định cư triển khai chậm tiến độ nên đến nay mới chỉ có khoảng 10 gia đình về đây ở. Các gia đình còn lại tự mua đất ở xã Vạn Hưng huyện Vạn Ninh, hoặc xã miền núi Ninh Sơn để tiếp tục làm nghề trồng tỏi… Điều này cho thấy không phải người dân nào cũng chấp nhận hoặc đồng thuận với việc di dời và tái định cư.
Nghề trồng hành, trồng tỏi được xem là nghề mũi nhọn của người dân xã Ninh Phước, khi bị di dời về khu tái định cư chật chội, không còn đất để trồng hành, trồng tỏi, liệu số tiền đền bù có đủ để các gia đình đã nhận đền bù sống, thay đổi công việc và ổn định kinh tế? Hay là các gia đình này lại rơi vào tình trạng bi đát của rất nhiều gia đình tái định cư tại Việt Nam là công việc không ổn định, đi tứ xứ làm thuê và kinh tế bấp bênh, tương lai mù mịt?
Dù người dân đồng thuận hay phản đối thì nhiệt điện Vân Phong cũng sẽ tiến hành xây dựng vào năm 2018, điều này giống như thức ăn đã lên mâm lên dĩa, khó mà trả nó về trạng thái nguyên liệu được nữa. Và thêm một lần nữa, lá phổi thiên nhiên và đời sống con người bị đảo lộn do nhiệt điện gây nên.

No comments:

Post a Comment