Tuesday, November 21, 2017

Miền trung lại chìm trong lũ, nhiều vùng bị chia cắt


Mưa lũ kéo dài khiến nhiều tuyến đường TP Huế ngập sâu trong nước.
NDĐT - Sau hơn 10 ngày vật lộn với những trận lũ liên tiếp do ảnh hưởng của cơn bão số 12, nay người dân Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị lại tiếp tục bì bõm trong nước lũ bởi không khí lạnh và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 14 gây nên.
Mưa lũ diễn biến phức tạp, nhiều vùng chia cắt
Đến 10 giờ sáng nay, 21-11, toàn tỉnh đã có một người chết, một người mất tích và một người bị thương; 7.689 hộ bị ngập chìm trong lũ lụt; học sinh tiếp tục phải nghỉ học.
Thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, sáng 21-11, cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 14 nên tại Thừa Thiên - Huế xảy ra mưa to trên diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 150 - 400mm, có nơi cao hơn như tại trạm A Lưới, 228mm, trạm Tà Lương (huyện A Lưới), 403mm, trạm Truồi tại hồ Truồi, 369mm, trạm Huế, 370 mm, trạm Bạch Mã, 418mm, xuất hiện một đợt lũ lớn trên các sông, khiến nhiều địa phương thuộc vùng thấp trũng ở Thừa Thiên - Huế lại bị ngập trong biển nước. Dự báo, đợt mưa này có khả năng kéo dài khoảng 5 - 7 ngày.
Đáng chú ý, mực nước trong hồ thủy điện Hương Điền hiện đã lên gần 58m, cao hơn mực nước cao nhất trước lũ được quy định là 2m. Hồ thủy điện Bình Điền mực nước là 83,2m, cao hơn mực nước cao nhất trước lũ được quy định của quy trình vận hành hồ chứa lưu vực sông Hương là 2,6m. 100% công trình hồ chứa nước thủy lợi đều bảo đảm an toàn; các hồ chứa nước đã mở toàn bộ cửa van, nếu mưa đến sẽ qua tràn tự do. Hiện, các hồ đang vận hành điều tiết theo lệnh vận hành của Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.
Tại đập Thảo Long, mực nước thượng lưu +1,28m; mực nước hạ lưu +1,20m; mở 15/15 cửa. Đập Cửa Lác hiện đã mở toàn bộ 70/70 cửa. Tất cả các cống trên đê đã được mở, sẵn sàng thoát lũ.
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, sáng và trưa nay, 21-11, lũ trên sông Hương, sông Bồ tiếp tục dao động xấp xỉ ở mức báo động 3, sông Hương và sông Ô Lâu tiếp tục lên nhanh, gây ngập nặng tại các khu vực thấp trũng và nhiều vùng bị chia cắt. Ban chỉ huy PCTT-TCKN tỉnh yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của mực nước trên sông Hương và sông Bồ để chủ động ứng phó.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế cảnh báo, tình trạng ngập lụt diện rộng kéo dài ở các vùng thấp trũng của huyện Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và TP Huế. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới.
Tính đến 10 giờ sáng nay, 21-11, toàn tỉnh đã có một người chết, một người mất tích và một người bị thương. Nạn nhân là ông Nguyễn Giỏi (SN 1965), thường trú tại tổ dân phố 3, thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc). Vào lúc 6 giờ 30 phút, ngày 20-11, ông Giỏi dùng thuyền đi kiểm tra khu vực nuôi trồng thủy sản của mình, trên đường về nhà, thuyền bị lật khiến ông bị đuối nước.
Sau đó, khoảng 22 giờ, tối 20-11, chị Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1981), trú tại thôn 1, xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc), trong khi đi làm về, gặp nước lũ lên nhanh, chảy xiết khiến chị bị ngã, mất tích tại thôn 1 (xã Vinh Mỹ), huyện Phú Lộc. Người dân phát hiện xe của chị Trang đang nằm trên đường. Hiện, địa phương đang huy động các lực lượng tích cực tìm kiếm.
Một trường hợp bị thương là bà Nguyễn Thị Út (SN 1973), trú tại thôn Giáp Trung, xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà); ngày 20-11, trong lúc dọn nhà để chống lũ bị ngã dập lá lách, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược Huế.
Toàn tỉnh hiện có 7.689 ngôi nhà bị ngập lụt từ 0,2 - 0,6m; trong đó, thị xã Hương Trà có 1.710 nhà, huyện Quảng Điền có 2.129 nhà, thị xã Hương Thủy 843 nhà, huyện Phú Lộc 747 nhà, huyện Phú Vang 924 nhà và huyện Phong Điền có 1.336 nhà bị ngập sâu từ 0,2- 0,5m.
Tại huyện Phong Điền, đã tiến hành sơ tán tại chỗ 42 khẩu (người già và trẻ em), trong đó: xã Phong Sơn 05 khẩu, xã Phong Thu 7 khẩu, thị trấn Phong Điền 30 khẩu.
Nhiều tuyến đường ngập sâu, đường sắt bắc - nam sạt lở nghiêm trọng
Mưa lớn kèm theo lượng nước do các hồ thủy điện xả điều tiết lũ đã khiến nhiều địa bàn thấp trũng thuộc các huyện, thị xã như Hương Thủy, Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền... bị ngập sâu trên diện rộng.
Tại thị xã Hương Trà, 80% các tuyến đường tại các xã Hương Xuân, Hương Văn, Hương Toàn, Hương Vinh ngập sâu từ 0,2 - 0,6m; các tuyến đường xã Hương Phong ngập từ 0,2 - 0,5m.
Tại huyện Phong Điền, nhiều tuyến đường tại thị trấn Phong Điền, xã Phong Chương, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Hòa, Phong Bình bị ngập sâu từ 0,2 - 0,7m; điểm sâu nhất ngập 1,0m.
Các tuyến đường tại các xã Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền) bị ngập sâu từ 0,2 - 0,8m.
Các tuyến TL10A, TL10C, TL2, TL3 (huyện Phú Vang) ngập 0,4 - 0,8m, cục bộ tại tuyến đường nối TL2 đến cầu Thảo Long ngập sâu 1,0m. Các đường giao thông nông thôn thuộc các xã Phú Hồ, Phú Lương, Phú Thượng, Phú Mỹ, Phú Xuân, Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Thượng, Phú Dương ngập sâu từ 0,3 - 0,8m.
Tại TP Huế, nước đã tràn qua Đập Đá cao gần 0,8m, nhiều tuyến đường bị ngập chìm do mưa lớn gây ra như đường: Hùng Vương, Bà Triệu, Trần Quang Khải, Đống Đa, Trường Chinh, Lê Văn An... và khu vực nội thành đều ngập sâu từ 0,5m trở lên. Các dự án liên quan đến đô thị, thoát nước cũng được đơn vị thi công gấp rút chằng chống, gắn bảng cảnh báo người lưu thông trên đường.
Trên tuyến đường sắt bắc - nam bị sạt lở nghiêm trọng, nhất là từ Km757 đến Km759+440 đoạn qua đèo Hải Vân thuộc địa phận huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) do Cung đường Quảng Nam - Đà Nẵng quản lý. Tại đây, xuất hiện ít nhất là bảy điểm sạt lở với hơn 350m3 đất đá và cây cối đổ xuống tràn ngập cả đường ray khiến nhiều đoàn tàu phải mắt kẹt tại các ga Lăng Cô (huyện Phú Lộc) và ga Kim Liên (TP Đà Nẵng). Các hoạt động của đường sắt đi qua đoạn đường đèo Hải Vân đều bị phong tỏa, tuyến đường sắt bắc - nam tê liệt hoàn toàn.
Hiện công tác khắc phục đang được triển khai một cách tích cực 24/24h, do địa hình cách trở và phức tạp nên không thể huy động các phương tiện máy móc cơ giới hiện đại vào xử lý được. Ngành đường sắt đã huy động hơn 100 công nhân đến trực tiếp tại hiện trường và chia ra nhiều kíp làm việc, nhằm giải tỏa sớm nhất các khối lượng đất đá đổ tràn trên tuyến đường ray giúp việc thông tuyến trong thời gian sớm nhất có thể.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP Huế khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ, thông báo đến người dân tình hình lũ phức tạp trên các sông, đặc biệt là sông Hương và sông Bồ để chủ động đối phó.
Các địa phương cũng chủ động triển khai sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở núi, vùng gò đồi, ven sông suối, ven biển, đầm phá. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán dân, cứu hộ cứu nạn; canh gác, hướng dẫn giao thông tại các vùng ngập sâu. Chủ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm lệnh vận hành xả lũ nhằm bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân trong khi lũ lụt đang dâng cao, chảy xiết, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã lưu ý phương châm “tự quản tại chỗ” và chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện nhằm bảo vệ an toàn tính mạng của người dân. Yêu cầu đặt ra là chính quyền địa phương, trưởng thôn, tổ dân phố... phải quản lý, bảo vệ nhân dân; cha mẹ quản lý, bảo vệ con cái; trường học, thầy cô bảo vệ học sinh; các cơ quan bảo vệ cán bộ, công nhân viên…
Chính quyền địa phương, các ban, ngành phải tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về sự nguy hiểm tính mạng trong mùa bão, lũ. Các lực lượng chức năng về tận khu dân cư, từng hộ gia đình, các vùng xung yếu, điểm nóng để túc trực, tuần tra, ngăn chặn người dân chủ quan đi lại, đánh bắt thủy sản, vớt củi... khi nước lũ dâng cao, chảy xiết nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người trong mùa bão, lũ, thiên tai.
Sáu xã ở Hải Lăng, Quảng Trị ngập trong lũ
Chiều 21-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh kết hợp với đới gió đông trên cao, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa to trên diện rộng. Lượng mưa ở thị xã Quảng Trị và huyện Hải Lăng phổ biến từ 400 đến 500 mm khiến nhiều địa phương bị ngập nặng.
Tại vùng trũng huyện Hải Lăng, có sáu xã bị ngập trong nước lũ, trong đó hơn 250 nhà dân bị ngập từ 0,5-1m; hơn 50 hồ nuôi tôm ở xã Hải An bị ảnh hưởng, nhiều hồ bị vỡ không thể khắc phục được. Mưa lớn đã làm ngập, cô lập và chia cắt nhiều tuyến đường có ngầm, tràn ở miền núi huyện Đác Rông và vùng thấp trũng ở đồng bằng thuộc các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Một số địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học.
Nước lũ làm ngập nhiều tuyến đường và nhà dân ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị).
Tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình mưa lũ, ngập lụt, thiệt hại, triển khai ứng cứu kịp thời các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Bên cạnh đó, tập trung công tác cứu trợ không để người dân thiếu đói, không có nước uống hợp vệ sinh; khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống người dân.
Một số hình ảnh về mưa lũ tại Thừa Thiên - Huế:
Mực nước trên sông Hương dân cao gần báo động 3, nước tràn qua Đập Đá gần 0,8m.
Nước lũ dâng cao, tràn vào nhà dân, cuộc sống bị đảo lộn.
Nhiều tuyến đường về huyện Quảng Điền nước ngập sâu, nhân dân phải di chuyển bằng ghe thuyền.
Đường về Vân Thê, xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) nhiều đoạn nước ngập sâu 0,5m.
Nước lũ trên sông Hương hiện đang dâng cao gần báo động ba.
Nhiều tuyến đường từ TP Huế về các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Hương Thủy… ngập sâu, gây chia cắt.
Nhiều trường học trong TP Huế bị nước lũ tràn vào, học sinh phải nghỉ học.
Sạt lở nghiêm trọng tại đèo Hải Vân và đường dẫn vào hầm đường bộ Hải Vân (huyện Phú Lộc).
Ngành Đường sắt đã huy động hơn 100 công nhân đến trực tiếp tại hiện trường đến xử lý sự cố, sớm thông tuyến trở lại.
CÔNG HẬU, NGUYỄN VĂN HAI - HIẾU MINH

No comments:

Post a Comment