Monday, April 29, 2024

Bao giờ mới có đội ngũ trí thức đúng nghĩa trong cơ chế này?

 RFA

Bao giờ mới có đội ngũ trí thức đúng nghĩa trong cơ chế này?Ảnh minh họa: Sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Việt Nam ngày 2 tháng 3 năm 2020.-REUTERS

Cần sớm ban hành Chiến lược quốc gia về đội ngũ trí thức, khơi thông điểm nghẽn và hoàn thiện cơ chế chính sách, thúc đẩy phát triển đội ngũ trí thức trẻ.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu như vừa nêu tại buổi làm việc tại Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - VUSTA vào cuối tháng 4 tại Hà Nội.

Chiến lược quốc gia về đội ngũ trí thức được đề cập từ Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06-8-2008. Sau đó hàng năm được các lãnh đạo nhắc đi nhắc lại.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW với chiến lược phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã nhìn nhận một số nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết còn chưa được triển khai triệt để, còn một số hạn chế, bất cập. Và đến nhiều năm gần đây Ban Tuyên giáo Trung ương lại đề ra Chiến lược quốc gia về đội ngũ trí thức đến năm 2030.

PGS. TS. Hoàng Dũng từ Sài Gòn hôm 29/4/2024 nhận định với RFA:

“Họ làm được nhưng thật ra cái được nhỏ nhoi và chỉ giới hạn ở loại trí thức mà tôi gọi là ‘trí thức thi công’, tức là những tri thức chuyên biệt của một ngành chuyên môn nào đó. Chẳng hạn anh làm toán thì lo làm toán, anh làm nông nghiệp thì lo làm nông nghiệp, anh làm cơ khí thì lo cơ khí. Còn lại trí thức chiến lược mà tôi gọi là ‘trí thức thiết kế’ là không được làm, người nào mon men thì họ sẽ trừng phạt. Chẳng hạn ông Võ Văn Thưởng khi còn là Trưởng Ban Tuyên giáo, tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội nói rằng một trong nhiệm vụ của Viện này là chứng minh đường lối đúng đắn của Đảng… Nếu như vậy coi như là thủ tiêu nền khoa học.”

Họ làm được nhưng thật ra cái được nhỏ nhoi và chỉ giới hạn ở loại trí thức mà tôi gọi là ‘trí thức thi công’, tức là những tri thức chuyên biệt của một ngành chuyên môn nào đó.
-PGS. TS. Hoàng Dũng

Theo PGS. TS. Hoàng Dũng, nói như ông Thưởng có nghĩa là Viện Hàn lâm khoa học xã hội làm khoa học chỉ chứng minh một điều ‘cái gì là chân lý’. Có thể lúc đó nếu chính sách của Đảng đúng thì không sao. Nhưng chính sách của Đảng mà sai, thì cấp thiết phải nói đảng sai để sửa, chứ không phải minh họa và nói chính sách của Đảng là đúng đắn. Nhưng theo ông Dũng, những người nào mà nói Đảng sai thì sẽ phải chịu hậu quả. Ông Dũng cho rằng, cho đến nay không có cơ sở gì để bảo đảm cho một người trí thức có thể nói được điều đó và có thể tác động đến chính sách của Đảng theo hướng đó. PGS. TS. Hoàng Dũng giải thích thêm về việc ‘trí thức thiết kế’ không được nhà nước tạo điều kiện:

“Ví dụ ở Nga thời xưa, Sakharov là một nhà vật lý lừng lẫy, ông là Viện sĩ Viện hàn lâm, được mọi ưu đãi của nhà nước thời đó. Nhưng một hôm đẹp trời ông không nói chuyện về vật lý nữa mà có ý kiến về cách tổ chức xã hội Liên Xô thời đó, lập tức ông bị quản thúc, vì cách tổ chức xã hội là đặc quyền của nhà nước. Ở Việt Nam tương tự như vậy, những người trí thức như kiểu ông Nguyễn Mạnh Tường, ông có ý kiến về cách quản lý xã hội phải thượng tôn pháp luật và ông đã bị trừng trị. Ông Trần Đức Thảo có ý kiến và bị trừng trị thế nào chúng ta đã biết… Trong khi đó những người có ý kiến làm sao để ‘ba sôi, hai lạnh’; ‘nước, phân, cần, giống’ để làm cho nông nghiệp phát triển thì được nhà nước khuyến khích.”

Tuy sự khuyến khích của nhà nước không đủ, nhưng theo ông Dũng  rõ ràng không ai bị trừng trị về chuyện đó cả, nếu họ chấp nhận địa vị của một ‘trí thức thi công’, tức là trí thức làm trong cái ranh giới mà nhà nước đặt ra và phát huy kiến thức của họ trong ranh giới đó mà thôi.

83917a7b-ad5d-4747-aacc-3af452b8bdd6.jpeg
Ông Hoàng Ngọc Giao. Courtesy giaoduc.net.vn

Không chỉ trường hợp trước kia như ông Nguyễn Mạnh Tường và ông Trần Đức Thảo mà PGS. TS. Hoàng Dũng vừa nhắc. Vào năm 2022, ông Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cũng đã bị khởi tố về tội trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên tin trên báo Nhà nước không nêu cụ thể về hành vi trốn thuế của ông Giao.

Trong khi đó, theo nguồn tin của RFA, ngày 16/12/2022, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã bắt giữ ông Hoàng Ngọc Giao, với cáo buộc “Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điểm C, khoản 1 của Điều 110 “Tội gián điệp” trong Bộ luật Hình sự.

Trên website của mình, Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển giới thiệu hoạt động của tổ chức này “nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước thông qua các hoạt động nghiên cứu–tư vấn, nghiên cứu-đánh giá, nghiên cứu-phản biện và tăng cường năng lực về các vấn đề Chính sách, Pháp luật trên các lĩnh vực phát triển kinh tế–xã hội.”

Tổ chức này cũng “hợp tác cùng với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, các chuyên gia và nhà nghiên cứu” với mục tiêu “tập trung nỗ lực nhằm thúc đẩy việc thực hiện một nền quản trị quốc gia tốt, một nhà nước pháp quyền vững mạnh, hướng tới một xã hội Việt nam dân chủ, văn minh.”

Song song với Chiến lược quốc gia về đội ngũ trí thức, Việt Nam cũng thường xuyên quảng bá về ‘Đề Án Quốc Gia Thu Hút Trọng Dụng Nhân Tài’. Trong đó có đề xuất việc ban hành chính sách, giải pháp cụ thể để hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về chính sách nhân tài, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để thu hút và trọng dụng nhân tài tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.

Họ ban phát những cái bằng tại chức cho những người đã có chức quyền rồi mới đi học, mà nhiều khi cũng không có giờ tới lớp và gần như không học hành gì cả nhưng vẫn có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.
-Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, từ Sài Gòn khi trao đổi với RFA về việc này cho rằng, tại Việt Nam tồn tại nhiều yếu tố quan trọng cản trở những người tài giỏi, đặc biệt là giới trẻ:

“Họ ban phát những cái bằng tại chức cho những người đã có chức quyền rồi mới đi học, mà nhiều khi cũng không có giờ tới lớp và gần như không học hành gì cả nhưng vẫn có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Nhất là cách đây không lâu, họ đã ban hành đạo luật chính thức công nhận bằng tại chức ngang tầm với bằng chính quy. Có nghĩa là họ để cho những người vô học có bằng ngang tầm với những người học hành nghiêm túc mới có thể có được tấm bằng.”

Như vậy theo ông Hưng, một cách đương nhiên Chính phủ khuyến khích bằng dỏm, họ khuyến khích những cách giáo dục không rõ ràng. Và do đó, những vị trí có quyền lực, những vị trí có thể giúp được nhiều cho xã hội đã bị những người học bằng chuyên tu, học bằng tại chức lấy hết, chiếm hết thì làm sao tuổi trẻ có động lực để phát huy việc học thuật của mình sau này đóng góp cho xã hội, cho quốc gia? Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng cho biết tiếp:

“Những cơ sở Nhà nước liên quan các khâu nghiên cứu khoa học là những nơi cơ cấu nhân sự khép kín. Và cuối cùng thì những nơi đó rất đông đảo những người phải nói là bất tài, thiếu tầm, thiếu tâm hiện hữu chiếm chỗ, chiếm việc và họ là các lực cản đối với sự tham gia của những người trẻ có tài năng.”

Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được Việt Nam đề ra từ rất lâu và đã được thể hiện qua văn kiện của Đảng CSVN trước đây như: Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18/6/1997 của Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa VIII. Nhiều năm sau đó, Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ VN nhiều nhiệm kỳ cũng thường xuyên nhắc lại, đốc thúc thực hiện chính sách này...

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nguyên Chủ nhiệm Khoa, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, một đảng viên đã từ bỏ Đảng, khi trả lời RFA trước đây cho rằng, thể chế độc đảng của ĐCSVN không thể có chỗ đứng bền vững cho người tài chân chính. Theo ông, thể chế tốt phải có tự do mà quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội. Thể chế của Việt nam hiện nay hạn chế những tự do đó.

No comments:

Post a Comment