Tuesday, October 31, 2023

Từ vận động tố cáo tham nhũng đến ‘mua tin” tham nhũng

 RFA-2023.10.31

Từ vận động tố cáo tham nhũng đến ‘mua tin” tham nhũngẢnh minh họa.

AFP PHOTO

Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) hôm 30/10/2023 vừa ban hành quy định về việc ‘mua tin’ phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cụ thể, tổng số tiền người cung cấp thông tin được nhận không vượt quá mức quy định là 10 triệu đồng/ một vụ việc.

Một người dân sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đình Đệ, hôm 31/10 cho RFA biết ý kiến:

“Tham nhũng ở Việt Nam nói chung mang tính hệ thống, không còn là phe nhóm nữa. Mà theo hệ thống như vậy thì anh tố cáo chẳng khác nào đem búa tự đập vào chân mình, tự trút họa vào bản thân… Chứ không có cơ sở nào để nói là bảo vệ người tố cáo, bao nhiêu người đã tố cáo bị trù dập… Bằng chứng là cậu công an giao thông tố cáo mấy năm nay rồi bị trù dập bắt đi tù. Thật lòng mà nói ở Việt Nam chống tham nhũng không biết như thế nào, chứ để thật sự khuyến khích người dân tham gia tố cáo thì thứ nhất phải kiểm soát được quyền lực…”

Nếu không kiểm soát được quyền lực thì theo ông Nguyễn Đình Đệ, tham nhũng sẽ tràn lan, còn người dân tố cáo thì bị trù dập, thậm chí còn bị tù, bị cho là thù địch chống nhà nước… Ông Đệ cho rằng, với những quy định pháp luật mơ hồ thì người dân sẽ không dám tố cáo tham nhũng, vì không có lợi cho người dân…

Tham nhũng ở Việt Nam nói chung mang tính hệ thống, không còn là phe nhóm nữa. Mà theo hệ thống như vậy thì anh tố cáo chẳng khác nào đem búa tự đập vào chân mình, tự trút họa vào bản thân…
-Ông Nguyễn Đình Đệ

Vị đại úy công an tố cáo tham nhũng bị trù dập mà ông Đệ vừa nói là Cựu đại úy Công an Lê Chí Thành vì tố cáo tham nhũng ở trại giam và trực tiếp hoạt động của cảnh sát giao thông lên mạng xã hội... đã bị kết án hai năm tù giam với cáo buộc ‘Chống người thi hành công vụ’. Ngoài ra ông còn bị truy tố tội ‘Lợi dụng các quyền tự do- dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Ông Nguyễn Hồ Hải – Phó Bí thư Thành ủy TPHCM khi trả lời báo nhà nước hôm 30/10 cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu bảo đảm bí mật, an toàn cho người cung cấp thông tin theo quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực…

Nhà báo Võ Văn Tạo khi trả lời RFA từ Nha Trang liên quan vấn đề này, nói:

“Việc yêu cầu bảo vệ người tố cáo tham nhũng cũng đã có từ lâu chứ không phải như mới gần đây. Chủ trương là có từ lâu, nhưng không thực hiện được, cho nên mới có hiện tượng người đấu tranh chống tiêu cực bị trù dập, thậm chí có khi còn bị ở tù...”

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, tình trạng tham nhũng tại Việt Nam đến độ chính một vị lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng còn lo sợ, có thể chính cán bộ chống tham nhũng bị phát hiện tham nhũng:

“Tôi nhớ cách đây mấy năm có ông Đạt, lãnh đạo chống tham nhũng từng nói công khai với báo chí, cấp dưới của ổng đi làm chuyên môn của mình là chống tham nhũng thì có khi lại chết trước. Điều này chứng tỏ tham nhũng vẫn chưa giảm, và việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng vẫn chưa đảm bảo được. Chính vì vậy lại nhắc nhở, nhưng mà cũng như nhiều lần trước, tôi cho là không hiệu quả gì, chắc lần này cũng thế thôi.”

23d19fdd-1bef-4ef1-b1c2-1f2ef4c78b05.jpeg
Ông Lê Chí Thành lúc mới bị bắt (ảnh trái) và ông này lúc ra tòa sơ thẩm (ảnh phải). Facebook Lê Chí Thành/ RFA edit.

Ở Việt Nam, giới chức lãnh đạo thường hay hô hào khẩu hiệu ‘do dân, nghe dân, vì dân’... nhưng thực tế hoàn toàn khác. Thường chính quyền ở Việt Nam ít lắng nghe sự đóng góp của người dân. Người dân cũng ít cơ hội hay phương tiện để biểu đạt như ở các nước dân chủ. Thậm chí nếu ai nói gì trái ý người có chức quyền có thể bị trả thù, trù dập hoặc thậm chí bị bị chụp mũ là phản động...

Đơn cử như trường hợp ông Lê Anh Hùng, một người từng có 70 đơn tố cáo các trường hợp tham nhũng tại Việt Nam, đã bị bắt đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội Hà Nội, nơi giam giữ những bệnh nhân tâm thần thể nhẹ.

Hay trường hợp ông Lương Xuân Bình, người tố cáo sai phạm ở dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội lại bị phân công làm viên chức văn phòng, không đúng chuyên môn của ông. Ngay cả đến khi Thanh tra Chính phủ yêu cầu phục chức cho ông thì lãnh đạo cơ quan chủ quản vẫn làm ngơ.

Luật cũng quy định người tố cáo được bảo vệ, nhưng vấn đề là cơ chế để bảo vệ như thế nào thì chưa được cụ thể lắm.
-Luật sư Trần Quốc Thuận

Pháp luật Việt Nam quy định việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực như thế nào? Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam giải thích với RFA:

“Luật tố cáo và phòng chống tham nhũng có quy định về tố cáo hành vi vi phạm pháp luật và tố cáo cán bộ tham nhũng. Trong Luật tố cáo mà Quốc hội vừa sửa đổi bổ sung thì khi tố cáo thì người tố cáo sẽ được pháp luật bảo vệ và thông tin nhân thân về người này sẽ được bảo vệ bí mật. Trước đây là Luật Khiếu nại Tố cáo, bây giờ tách riêng là Luật Tố cáo, là cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm, đặc biệt là trong phòng chống tham nhũng.”

Tuy nhiên, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do trước đây liên quan vấn đề này cho biết, cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng ở Việt Nam chưa rõ ràng:

“Ở Việt Nam chuyện gì cũng có luật cả. Chuyện khuyến khích nhân dân tố cáo tiêu cực, tham nhũng không chỉ có văn bản quy định mà ngay cả những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng hô hào. Luật cũng quy định người tố cáo được bảo vệ, nhưng vấn đề là cơ chế để bảo vệ như thế nào thì chưa được cụ thể lắm.”

Luật tố cáo 2018, Chỉ thị 27 của Ban Bí thư và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị khuyến khích người dân tố cáo và không loại bỏ người tố cáo dù là ở cương vị xã hội nào vẫn được bảo vệ... được dư luận cho là một biểu hiện tích cực và mong muốn việc này sẽ được diễn ra trong thực tế chứ không phải chỉ trong văn bản.


No comments:

Post a Comment