Friday, November 17, 2023

Kêu gọi ‘ủng hộ bảo hiểm y tế học sinh’ đã giúp rõ hơn về ‘nguồn lực Việt Nam’

 Hoài Nguyễn



 (VNTB) – “Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế phù hợp với độ tuổi, nhóm đối tượng và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ.” 

Chuẩn bị chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Trường THCS Nguyễn Văn Luông (quận 6, TP.HCM) vừa có thư ngỏ xin không nhận hoa ngày 20-11, mà thay bằng thẻ bảo hiểm y tế học sinh. 

Ông Đinh Phú Cường, hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6, TP.HCM, cho biết: “Hằng năm cứ đến 20-11 là trường chúng tôi nhận khá nhiều hoa và bánh kem. Thật ra, một năm có một ngày lễ của nghề, hoa thì rất đẹp, ai cũng thích. Nhưng hoa đẹp chỉ dùng một ngày thì rất phí phạm, trong khi năm nay tình hình đã khác.

 Sau đại dịch Covid-19, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Khoản phí bảo hiểm y tế học sinh Nhà nước thu 680.400 đồng/học sinh nhưng đến thời điểm này trường chúng tôi vẫn còn 89 em chưa đóng được. Một số phụ huynh đã xin nhà trường cho nợ hoặc trả góp khoản này. Do đó, trường chúng tôi đã gởi thư ngỏ đến phụ huynh, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Nhà trường xin không nhận hoa, bánh kem ngày 20-11, mà xin thay thế bằng thẻ bảo hiểm y tế để chúng tôi phát cho học sinh khó khăn”. 

Và, thật bất ngờ: Sau hai ngày gởi thư ngỏ, đến nay trường THCS Nguyễn Văn Luông đã nhận được số tiền tương đương với 200 thẻ bảo hiểm y tế học sinh. 

Cái kết đầy tốt đẹp này đã mở ra vấn đề lớn hơn với Đảng ở tư cách ‘lãnh đạo toàn diện Nhà nước và xã hội’ theo Hiến định tại điều 4.1 về việc thực thi Luật trẻ em. Theo đó, các ‘nội dung cáo buộc’ về trách nhiệm Hiến định được căn cứ theo Luật trẻ em, tại “Điều 5. Nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em: 

1. Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình. 

2. Không phân biệt đối xử với trẻ em. 

3. Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em. 

4. Tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. 

5. Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, ngành và địa phương”. 

Pháp luật cũng đã quy định về nội dung được gọi là “nguồn lực để bảo đảm”, tại Điều 7. Nguồn lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, Luật trẻ em, như sau: “

1. . Nhà nước bảo đảm nguồn lực thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, ngành và địa phương; ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo vệ trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. 

2. Nguồn tài chính thực hiện quyền trẻ em bao gồm ngân sách nhà nước; ủng hộ của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong nước, nước ngoài; nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ; viện trợ quốc tế và các nguồn thu hợp pháp khác. 

3. Nhà nước có giải pháp về nhân lực và bảo đảm Điều kiện cho việc thực hiện quyền trẻ em; phát triển mạng lưới người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, ưu tiên bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và vận động nguồn lực để phát triển mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khóm”. 

Luật trẻ em cũng nhấn mạnh rằng “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển” – Điều 12 “Quyền sống”; “Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh” – Điều 14 “Quyền được chăm sóc sức khỏe”. 

Tuy nhiên ở Luật trẻ em có một điều khoản mà qua đó các tổ chức phi chính phủ lẫn xã hội dân sự có thể vận dụng để đánh giá mức độ “an dân” của Đảng và nhà nước Việt Nam qua cụ thể ở từng giai đoạn: “Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế phù hợp với độ tuổi, nhóm đối tượng và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ” – trích khoản 5, Điều 43 “Bảo đảm về chăm sóc sức khỏe trẻ em”. 

Mặc dù như rất nhiều lần tuyên bố đầy phấn khích của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở suốt nhiệm kỳ vừa qua và hiện tại: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, song ở Việt Nam cho đến tận hôm nay, chuyện miễn phí bảo hiểm y tế chỉ áp dụng với trẻ em đến 72 tháng tuổi (tức từ lúc sinh ra tới 6 tuổi).


Copyright (C) https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-keu-goi-ung-ho-bao-hiem-y-te-hoc-sinh-da-giup-ro-hon-ve-nguon-luc-viet-nam/ .

No comments:

Post a Comment