Saturday, January 2, 2021

Bộ Y Tế CSVN ‘nổi hứng’ biến rau, củ gia vị thành dược liệu để ‘siết’

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Y Tế CSVN “nổi hứng” đưa hàng trăm loại thực phẩm rất phổ biến được dùng trong đời sống hằng ngày vào “nhóm dược liệu” để quản lý như kinh doanh thuốc trị bệnh, khiến hàng ngàn doanh nghiệp khốn đốn.

Điều gây bất ngờ với các doanh nghiệp là trong danh mục mới của Bộ Y Tế có đến hàng trăm loại thực phẩm bình thường như các loại đậu ván, đậu đen, đậu khấu, đậu nành, đậu xanh, đậu trắng, hạt bí ngô, óc chó, bạch quả…; các loại rau củ gia vị như bạc hà, húng chanh, húng quế, ngải cứu, kinh giới, lá lốt, diếp cá, đinh lăng, riềng, gừng, nghệ, sả, tỏi… đến các loại bông Atisô, rau má, râu bắp, hoa cúc, cam thảo, sắn dây,… hay táo tàu, kỷ tử, táo mèo, hạt sen, long nhãn, thảo quả… và cả rễ cỏ tranh, lá khế, lá xoài, bồ kết…Tất cả đều trở thành “dược liệu” phải chịu sự quản lý theo quy định về sản xuất và kinh doanh của bộ này.

Những thực phẩm thông dụng giờ bị Bộ Y Tế CSVN biến thành “dược liệu” để quản lý. (Hình: Nguyễn Công Thành/Tuổi Trẻ)

Kể với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Minh, giám đốc một công ty xuất nhập cảng và logistics tại quận 7, Sài Gòn, cho biết hơn một tháng qua ông phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức “chạy ngược chạy xuôi” liên hệ với nhiều nơi để tìm cách lấy các đơn hàng thực phẩm kinh doanh của công ty như óc chó, bạch quả, đậu đen, đậu khấu, đậu nành, đậu xanh, táo tàu, kỷ tử, táo mèo, ý dĩ, hạt sen, long nhãn, nấm linh chi, thảo quả… đã về đến cảng nhưng bị hải quan giữ lại từ cuối Tháng Mười đến nay do vướng quy định mới của Bộ Y Tế.

Ông Minh cho biết trước đây, công ty vẫn nhập các mặt hàng trên bình thường. Khi hàng về cảng, cán bộ của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn kiểm tra rồi đưa về kho. Nhưng gần đây, Bộ Nông Nghiệp không kiểm tra nữa vì theo quy định mới, các mặt hàng nói trên thuộc quyền kiểm tra của Bộ Y Tế.

“Thực sự tôi không hiểu tại sao các loại thực phẩm thông thường như trên đã nhập cảng bao nhiêu năm, lại bị đưa vào quản lý như dược liệu. Mà nếu quản lý như dược liệu, thì các công ty xuất nhập cảng thực phẩm sẽ nghỉ hết do không nơi nào đủ điều kiện. Chúng tôi làm thực phẩm thì xây dựng nhà máy, kho hàng theo chuẩn an toàn thực phẩm của Bộ Nông Nghiệp, nay sản phẩm bị chuyển sang Bộ Y Tế quản lý thì các nhà máy, kho hàng mọi thứ lại phải thay đổi theo điều kiện của nhà thuốc. Như thế là quá lãng phí,” ông Minh bất bình nói.

Đại diện một doanh nghiệp ở Bình Định cũng bất an vì nhập cảng một số loại nguyên liệu như trái bồ hòn khô, vỏ quế khô, rễ hương bài khô, hương nhu tía… từ Ấn Độ, Nepal về để chế biến nước giặt tẩy, làm hương xuất cảng… cũng bị xếp vào nhóm dược liệu nên công việc bị đình trệ. Trong đó trái bồ hòn, hương nhu tía dùng để làm chất giặt tẩy tự nhiên không hóa chất đang được người tiêu thụ khá ưa chuộng.

“Ngay khi nhận được thông tin từ đơn vị lo xuất nhập cảng về quy định mới của Bộ Y Tế, chúng tôi đã phải chuyển sang mua nguyên liệu tại Việt Nam với giá cao hơn rất nhiều. Một số nguyên liệu trong nước không có hoặc không đủ, nên chúng tôi đã phải hủy một số đơn hàng xuất cảng dịp cuối năm,” đại diện công ty này cho biết.

Báo Tuổi Trẻ cho biết có hàng trăm doanh nghiệp nhập cảng thực phẩm và nguyên liệu đang bị vướng bởi quy định tại Thông Tư 48/2018 của Bộ Y Tế. Thông tư này ban hành danh mục dược liệu, các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, dược liệu xuất cảng, nhập cảng…

Bên cạnh thông tư trên, Thông Tư 03/2016 của Bộ Y Tế còn quy định “cơ sở xuất nhập cảng dược liệu phải có đủ các điều kiện ‘đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu,’ đạt các nguyên tắc ‘thực hành tốt bảo quản thuốc’ đối với dược liệu theo quy định do Bộ Y Tế kiểm tra…”

Theo Tiến Sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, chủ tịch Hiệp Hội Thực Phẩm Minh Bạch (AFT) thì “với quy định mới của Bộ Y Tế, các loại thực phẩm kể trên là dược liệu và phải được quản lý theo quy định về sản xuất và kinh doanh dược liệu. Điều này sẽ đẩy tất cả các doanh nghiệp xuất nhập cảng và kinh doanh có liên quan đến các mặt hàng nói trên vào thế không thể kinh doanh.”

Cục Bảo Vệ Thực Vật thuộc Bộ Nông Nghiệp thừa nhận thời gian qua, đơn vị này đã nhận được rất nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp nhập cảng thực phẩm cho hay đang khốn đốn do vướng các thông tư kể trên của Bộ Y Tế.

Theo quy định mới của Bộ Y Tế thì người bán rau ngoài chợ sắp tới phải dẹp sạp. (Hình: Phụ Nữ TP.HCM)

Chưa hết, nếu Bộ Y Tế đưa các loại thực phẩm hằng ngày vào “danh sách dược liệu,” thì việc một người bán lẻ các loại hành, tỏi, gừng, quế, hồi, táo tàu, kỷ tử, hương nhu… ngoài chợ cũng phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu, hoặc phải bỏ nghề vì không thể đáp ứng tiêu chuẩn.

Theo Cục Bảo Vệ Thực Vật “nguyên nhân cốt lõi vẫn là việc cơ quan soạn thảo là Bộ Y Tế ‘không phân định rõ’ sản phẩm nào thuộc quản lý của Bộ Y Tế, sản phẩm nào thuộc quản lý của Bộ Nông Nghiệp.” Do đó, muốn giải quyết dứt điểm khó khăn cho doanh nghiệp thì phải đợi Bộ Y Tế sửa đổi. (Tr.N) [qd]

No comments:

Post a Comment