Saturday, January 2, 2021

Quảng Bình làm dự án điện mặt trời gần $14 triệu để… bỏ

 QUẢNG BÌNH, Việt Nam (NV) – Vay vốn ODA (cho vay lãi suất thấp) hàng chục triệu đô la của chính phủ Nam Hàn để làm “Dự án điện năng lượng mặt trời cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới ở tỉnh Quảng Bình,” cho người dân “được hưởng lợi,” nhưng dân chưa xài đã trở thành “phế liệu.”

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, đây được xem là “dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam” tại thời điểm 2012. Khu vực triển khai dự án trải rộng trên tám xã của bốn huyện gồm Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa, với gần 1,300 gia đình và 78 cơ quan, dịch vụ công “được hưởng lợi.”

Cụm điện mặt trời ở nhà văn hóa Ho Rum, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, đã bảy năm chưa một lần sử dụng do không thể phát điện. (Hình: Hoàng Nam/Tiền Phong)

Với quy mô và tầm quan trọng của dự án, năm 2012, tỉnh Quảng Bình thành lập Ban Quản Lý Dự Án Cấp Điện Bằng Năng Lượng Mặt Trời (QBSC) trực thuộc Ủy Ban Nhân Dân tỉnh. Dự án được liên danh do nhà thầu Dohwa đứng đầu, và nhà thầu KT Corpotation của Nam Hàn trúng thầu xây lắp, tư vấn.


Theo phê duyệt của tỉnh Quảng Bình, dự án sẽ hoàn thành vào Tháng Ba, 2015, song đến cuối năm 2019 mới được bàn giao và đưa vào sử dụng do “thông thầu phải đấu thầu lại, quản lý yếu kém” và tỉnh Quảng Bình muốn thay thế bằng dự án dùng điện lưới…

Theo phản ảnh của lãnh đạo và người dân “vùng hưởng lợi,” hệ thống điện mặt trời triệu đô này hỏng hóc chỉ sau hai tháng đưa vào sử dụng.

Ông Hồ Duy Vàng, bí thư chi bộ bản Ho Rum, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, cho biết: “Bản chúng tôi có 65 bộ chuyển đổi năng lượng mặt trời dùng cho 91 gia đình, điện chỉ có được hai tháng là mất hẳn cho đến nay. Nhà văn hóa thôn có một cụm điện pin mặt trời riêng, chưa sử dụng được lần nào cũng đã mất điện. Số tiền đầu tư điện mặt trời rất lớn, mỗi gia đình tính ra là 250 triệu đồng ($10,787), cụm pin mặt trời ở nhà văn hóa bản là hơn 1 tỷ đồng ($43,150), nhưng không có điện nên dân bản bất bình.”

Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự ở các xã Ngân Thủy, Lâm Thủy của huyện Lệ Thủy; Trường Sơn, Trường Xuân của huyện Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Văn Muôn, trưởng bản Sắt, xã Trường Sơn, nói: “Họ đầu tư điện mặt trời dân bản mừng, nhưng khi sử dụng được vài tháng thì mất điện, phản ánh mãi không ai đến sửa.”

Trả lời báo Tiền Phong, ông Hồ Văn Tuyên, chủ tịch xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, cho biết: “Tại các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, dân bản Vân Kiều của xã phản ánh dự án triệu đô mất điện triền miên vì sao không sửa chữa cho dân dùng, lại để dự án xuống cấp, lãng phí, thì cũng chỉ nhận được các ý kiến ‘tiếp thu, chuyển cho ngành công thương xem xét.’”

Trong khi đó ông Phan Văn Thường, giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, cho biết sở chỉ là một đơn vị tham mưu, Ban Quản Lý Dự Án mới có thẩm quyền cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, hiện ông phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình phụ trách dự án đã về nghỉ hưu từ Tháng Mười Một, nên không có quản lý trực tiếp. Hiện QBSC đang chờ bổ nhiệm tân trưởng ban mới.

Phần lớn bình ắc quy hư hỏng không tích điện nhưng không ai sửa chữa. (Hình: Nhất Linh/Xây Dựng)

Theo một cán bộ Phòng Năng Lượng, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, việc sửa chữa sẽ tốn rất nhiều kinh phí ngân sách, do hỏng hóc trên diện rộng.

“Giờ muốn sửa chữa thì cần phải khảo sát lại cả hệ thống, trong lúc đó, nhà thầu đã rời đi nên chưa chắc khôi phục lại được để bảo đảm hiệu quả toàn bộ dự án như cam kết ban đầu,” vị này nói.

Một chuyên viên “bỏ chạy” khỏi Ban Quản Lý Dự Án này cho biết thêm về nguyên tắc, tất cả các thiết bị từ tấm pin, ắc quy (accu), hay bộ chuyển đổi điện đều có thời gian bảo hành theo hợp đồng, nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm về những hỏng hóc trong thời gian bảo hành. Thế nhưng, do dự án chậm tiến độ, kéo dài thời gian thi công, nhà thầu từ Nam Hàn sang nên họ đã “bỏ của chạy lấy người,” khó có thể gọi họ quay trở lại sửa chữa. (Tr.N) [qd]


No comments:

Post a Comment