Wednesday, November 4, 2020

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam ‘bảo kê’ thủy điện xả lũ ẩu, né bồi thường cho dân

 QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – “Ở đây là bàn chuyện cứu trợ, hỗ trợ, bồi thường cho dân. Thủy điện thì xả lũ ‘đúng quy trình’ mà dân thiệt hại nặng thế này thì ăn nói làm sao?,” ông phó chủ tịch huyện Nam Giang bất bình phản ứng.

Theo báo Tuổi Trẻ, sau vụ xả lũ kinh hoàng gây thiệt hại nặng cho hàng trăm gia đình người dân của thủy điện Đắk Mi 4 ở huyện Phước Sơn, sáng 4 Tháng Mười Một, buổi khảo sát thực địa và làm việc với chính quyền, thủy điện được Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam tổ chức tại trụ sở huyện Nam Giang.

Nhà cửa, tài sản người dân hạ lưu thủy điện Đắk Mi 4 bị hư hại nặng sau vụ xả lũ. (Hình: B.D/Tuổi Trẻ)

Đoàn công tác của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam do ông Hồ Quang Bửu, phó chủ tịch tỉnh, trực tiếp xuống hiện trường, nghe người dân kể lại thời khắc “bỏ của chạy lấy người” vào chiều hôm 28 Tháng Mười.

Trước đó nói với báo Thanh Niên, ông Lê Văn Hường, bí thư Huyện Ủy Nam Giang, cho biết có 106 gia đình ở thị trấn Thạnh Mỹ và 215 gia đình ở xã Cà Dy bị thiệt hại nặng sau khi thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ.

Ông A Viết Sơn, phó chủ tịch huyện Nam Giang, nhận định “thiệt hại cho dân là rất lớn.” Việc thủy điện chọn xả lũ vào ngay thời điểm dân còn “chạy bão,” chưa kịp về nhà đã khiến nhà cửa và đồ đạc hư hại nặng. Sau một tuần, mọi thứ vẫn như bãi chiến trường, nhiều nhà dân bị kéo đổ sập, người dân trong chốc lát lâm vào cảnh trắng tay.

Ông Sơn cho rằng thủy điện Đắk Mi 4 phải chịu trách nhiệm. “Đơn của dân gửi lên huyện dày thành tập. Năm nay đã khó lại càng khó, chắc chắn số gia đình thiếu đói, tái nghèo sẽ dài thêm,” ông Sơn nói.

Buổi làm việc được trông chờ “sẽ có câu trả lời rõ ràng về quyền lợi thỏa đáng” cho người dân vùng hạ lưu thân đập thủy điện Đắk Mi 4 sau vụ xả lũ kinh hoàng kể trên.

Thế nhưng sau khi đi kiểm tra, ông Trương Xuân Tý, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết trong mùa lũ năm nay, các hồ chứa thủy điện lớn như Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, A Vương “đều vận hành đưa về mực nước đón lũ thấp nhất.” Có nghĩa là các hồ đã tạo ra một dung tích phòng lũ tối đa. Đăk Mi 4 cũng vậy, thậm chí Đăk Mi 4 còn thấp hơn mực nước đón lũ thấp nhất nữa.

“Năm này trong cái may lại xảy ra cái rủi, cái may là chúng ta đưa được về mực nước thấp nhất để đón lũ, còn cái rủi là xuất hiện một đợt lũ quá lớn,” ông Tý nói.

“Đợt lũ này vô cùng đột ngột, đột biến nên rất khó ứng xử trong mặt kỹ thuật, chính vì vậy việc điều hành đưa nước về hạ lưu trong đợt vừa qua, mặc dù đột ngột nhưng lại… rất kịp thời và góp phần cắt lũ. Việc chủ hồ vận hành khẩn cấp dẫn đến việc nước đưa về hạ lưu nhanh, tăng đột ngột gây thiệt hại thì điều này khó tránh khỏi được,” ông Tý lý giải.

Ông Tý cũng cho rằng “việc xả lũ chiều 28 Tháng Mười, là thời điểm phù hợp vì xả vào ban ngày, người dân có thể kịp thời di chuyển đồ đạc và con người. Việc điều hành của thủy điện Đăk Mi 4 cũng không vi phạm quy trình, không sai quy trình và rất là kịp thời giảm lũ cho hạ lưu.”

Cùng dành lời khen cho việc xả lũ của Đắk Mil 4, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Mạc Vĩnh Châu, phó Phòng Quản Lý Năng Lượng Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, nói: “Thủy điện Đắk Mi 4 đã tham gia rất tốt trong việc cắt lũ. Việc lũ về tại Nam Giang là bất khả kháng, chúng tôi đề nghị chính quyền tuyên truyền nói rõ cho bà con hiểu.”

Nghe các ý kiến ngược chiều này, ông Lê Văn Hường thắc mắc việc bão số 9 gây mưa không lớn, nhưng nước về hồ Đắk Mi 4 lại tới 17,000 khối/giây. “Vậy tôi hỏi nước đó ở đâu ra?” ông Hường đặt câu hỏi.

Đáp lời, ông Trương Xuân Tý biện minh cho rằng để trả lời cho câu hỏi vì sao lại có lượng nước khổng lồ như vậy thì “cần có sự tham gia đánh giá của các nhà khoa học.”

Trong khi đó, ông A Viết Sơn bực tức nói: “Quy trình thì đúng mà dân thì vẫn thiệt hại, nói như vậy thì huyện sai, bà con đều sai hết? Chúng tôi là cán bộ và hơn ai hết cảm nhận rõ mất mát của bà con. Nếu giờ mà nói thủy điện đúng, rồi không bồi thường thì chúng tôi ăn nói ra sao với dân?”

Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ vào ngày 2 Tháng Mười Một. (Hình: Mạnh Cường/Thanh Niên)

Kết luận buổi làm việc, ông Hồ Quang Bửu cho rằng vì người dân ở huyện Nam Giang “nằm quá sát đập thủy điện Đắk Mi 4 nên khi xả lũ thì mực nước dâng lên nhanh.”

Ông Bửu đề nghị chung chung rằng chính quyền huyện nên “tuyên truyền cho người dân hiểu, đồng thời đề nghị phía thủy điện Đắk Mi ‘có trách nhiệm hỗ trợ để bà con trở lại cuộc sống ‘bình thường mới’.” (Tr.N)

No comments:

Post a Comment