Wednesday, April 29, 2020

Lộ nhiều ‘gói thầu COVID-19’ nghi có cán bộ y tế cấu kết tham ô

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Không chỉ mua máy xét nghiệm Realtime PCR đắt gấp ba lần, mà những biểu hiện bất thường trong việc mua sắm vật tư, hóa chất… tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam khiến công luận phẫn nộ, nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng, rút ruột ngân sách.
Không chỉ có hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR được “chi đậm” để mua, nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam bỏ ra từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng để mua vật tư, hóa chất, sinh phẩm “phục vụ chống dịch COVID-19.”
Thế nhưng, theo báo Thanh Niên, đa số thương vụ này được chỉ định thầu và các công ty trúng thầu khi truy ra đều nằm trong “tầm ngắm” của công an. Trong đó, đáng kể có công ty trách nhiệm hữu hạn Thiết Bị Y Tế Phương Đông (công ty Phương Đông) liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật (CDC) Hà Nội.
Không chỉ có Hà Nội, theo hồ sơ từ hệ thống đấu thầu quốc gia, ngày 23 Tháng Tư, công ty Phương Đông còn trúng gói thầu số 3 “Mua sắm máy chụp X-quang di động kỹ thuật số” của Sở Y Tế Hải Phòng, giá trị 14 tỷ đồng ($595,328).
Trước đó, hôm 21 Tháng Tư, tại bệnh viện Đa Khoa Hải Dương, công ty Phương Đông cũng trúng gói thầu “Cung ứng vật tư thận nhân tạo phục vụ công tác chuyên môn” gần 1 tỷ đồng ($42,523) và thương vụ “Mua lô vật tư tiêu hao phục vụ công tác chuyên môn” hơn 600 triệu đồng ($25,514).
Chưa hết, trong khoảng thời gian ngắn, công ty này thậm chí đã tham gia 123 gói thầu và “may mắn” trúng đến 115 vụ, mặc dù “Theo thống kê sơ bộ, nơi nào mua máy của công ty Phương Đông cung cấp đều có giá cao hơn so với công ty khác,” ông Nguyễn Trường Sơn, thứ trưởng Bộ Y Tế, cho biết.
Tương tự, công ty trách nhiệm hữu hạn Thiết Bị Y Tế và Khoa Học Tâm Việt (công ty Tâm Việt) trúng gói thầu “Mua vật tư, hóa chất, sinh phẩm cho công tác xét nghiệm Labo phục vụ phòng dịch COVID-19” của CDC Lào Cai hôm 14 Tháng Tư, trị giá hơn 1 tỷ đồng ($42,523).
Tại Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương, công ty này cũng “ôm” gói thầu “Mua sinh phẩm, vật tư, hóa chất xét nghiệm COVID-19 và một số tác nhân khác gây bệnh đường hô hấp cấp tính,” trị giá hơn 3.7 tỷ đồng ($157,357).
Ngoài ra công ty Tâm Việt, nơi cung cấp hệ thống xét nghiệm Realtime PCR cho CDC Ninh Bình với mức giá trúng thầu khoảng 7.8 tỷ đồng ($331,761), từng liên doanh với 20 nhà thầu trong 17 gói thầu và thắng thầu cả 17 vụ.
Nhiều cán bộ Sở Y Tế Đắk Lắk bị khởi tố do tham ô trong việc đấu thầu thuốc khám chữa bệnh. (Hình: Cao Nguyên/Người Lao Động)
Bên cạnh các công ty Tâm Việt, Phương Đông, một loạt các công ty khác như công ty Cổ Phần Giải Pháp Việt, công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Lộc, công ty trách nhiệm hữu hạn Vật Tư Khoa Học và Thương Mại Việt Nam(MST)…cũng “may mắn” trúng nhiều gói thầu độc lập tại tỉnh Thái Bình, Quảng Nam …
Trong vụ CDC Hà Nội, công an bắt ông Nguyễn Trần Duy (40 tuổi), tổng giám đốc công ty cổ phần Định Giá và Bán Đấu Giá Tài Sản Nhân Thành, do thông đồng để nâng giá từ 2.3 tỷ đồng ($98,318) lên gần 7 tỷ đồng ($299,979) với một hệ thống Realtime PCR.
Đối với việc mua máy Realtime PCR tại tỉnh Quảng Nam, mua với giá hơn 7.2 tỷ đồng từ công ty cổ phần Thương Mại và Đầu Tư Giải Pháp Việt, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh sẽ tổ chức họp báo vào chiều 29 Tháng Tư “để thông tin cụ thể.”
Theo Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Ngô Trí Long, người có nhiều kinh nghiệm trong thẩm định giá, cho biết việc chỉ định thầu trong đại dịch COVID-19 là đúng quy định của Luật Đấu Thầu và Thông Tư 58, các gói thầu trên “được phép chỉ định thầu, để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng như đại dịch COVID-19,” nhưng không có nghĩa sẽ không đấu giá.
“Luật cũng quy định để tránh trường hợp thẩm định giá không hợp lý, còn có hội đồng hoặc tổ thẩm định giá để lựa chọn mức giá hợp lý nhất,” ông Long nói và cho rằng, nếu có dấu hiệu “thổi giá” để trục lợi thì đầu tiên phải kể đến trách nhiệm của người phê duyệt chỉ định nhà thầu và công ty thẩm định giá. Tiếp đó là thành viên các hội đồng hoặc tổ thẩm định giá tại các đơn vị, địa phương.
“Qua sự việc tại CDC Hà Nội, trước đó là vụ ‘thổi giá’ AVG, tất cả cho thấy việc quản lý, cấp phép thẩm định viên còn lỏng lẻo. Nhiều thẩm định viên sẵn sàng ký liều, thông đồng, đóng dấu ăn tiền,” ông Long nói thêm.
Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, lo ngại sự việc tại CDC Hà Nội “không đơn thuần chỉ là vi phạm các quy định về đấu thầu.”
Theo ông Doanh, cần phải làm rõ có hay không tội tham nhũng, cố tình móc ngoặc rút ruột ngân sách.
“Trong khi người dân nghèo đi quyên góp, xếp hàng nhận từng cân gạo thì một bộ phận quan chức tại CDC Hà Nội lại bán rẻ lương tâm, quay lưng với đồng bào để rút ruột ngân sách,” ông Doanh bất bình nói.
Liên quan đến sai phạm trong đấu thầu thuốc khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập năm 2014-2015, báo Người Lao Động cho biết, chiều 27 Tháng Tư, Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Đắk Lắk đã phê chuẩn các quyết định khởi tố 10 bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ ngành y tế, để làm rõ hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”
Trong đó có các ông Doãn Hữu Long, nguyên giám đốc Sở Y Tế; Nguyễn Hữu Huyên, trưởng phòng Nghiệp Vụ Y; Nguyễn Đình Quân, chánh thanh tra; Nguyễn Đình Diệm, phó trưởng phòng Nghiệp Vụ Dược; và Nguyễn Xuân Hải, cán bộ Phòng Nghiệp Vụ, cùng thuộc Sở Y Tế tỉnh Đắk Lắk.
Trên trang cá nhân, Facebooker Huy Anh thất vọng bày tỏ: “Trước đây sau bão lũ, chính quyền các nơi bị nạn đều kê khống để nhận tiền cứu trợ. Lộ liễu, có địa phương kê giá một cái áo mưa tới cả triệu đồng. Báo chí lên tiếng thì nói đặt hàng tốt cho cán bộ, có hóa đơn chứng từ đàng hoàng. Sự việc sau đó chìm vào quên lãng riết thành quen. Mùa dịch COVID-19 này, sau vụ bắt bảy cán bộ tham nhũng trang thiệt bị y tế chống dịch ở CDC Hà Nội, người dân mới thấy họ ăn của dân ‘không từ một cái gì,’đúng như lời của than trách của bà Nguyễn Thị Doan, cựu phó chủ tịch nước.” (Tr.N) (đ.d.)

No comments:

Post a Comment