Wednesday, October 2, 2019

Hà Nội khuyến cáo ‘dân đừng ra đường’ vì ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Bụi mù ô nhiễm không khí phủ trùm thành phố Hà Nội những ngày cuối Tháng Chín, 2019. (Hình: Manan Vatsyayana/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Thành phố Hà Nội mờ đục không thể nhìn xa được vì không khí ô nhiễm nghiêm trọng khiến chức sắc nhà nước khuyến cáo người ta đi ra đường phải đeo khẩu trang.
Theo báo Tuổi Trẻ hôm Thứ Ba, 1 Tháng Mười, viên chức Tổng Cục Môi Trường của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường CSVN “khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời. Trường hợp có nhu cầu cần ra ngoài, cần đeo khẩu trang, kính mắt.”
Một số chức sắc ở Hà Nội đổ cho tình trạng nông dân đốt rơm rạ trên cánh đồng tại các cánh đồng trồng lúa ngoại thành là một trong những nguyên nhân chính yếu làm cho không khí ô nhiễm vào dịp này trong năm.
“Các khoảng thời gian ghi nhận giá trị bụi mịn PM2.5 (vượt ngưỡng cho phép so với quy chuẩn quốc gia) tăng và duy trì ở mức cao thường vào thời điểm đêm và sáng sớm. Chỉ số chất lượng không khí trong khoảng thời gian này cũng ở mức kém, thậm chí có những giờ lên đến mức xấu,” báo Tuổi Trẻ thuật lại lời giải thích của ông Nguyễn Văn Tài – tổng cục trưởng Tổng Cục Môi Trường – về đợt ô nhiễm không khí kéo dài ở Hà Nội.
Chỉ số PM2.5 là ký hiệu khoa học chỉ mức độ các loại bụi mịn trong không khí có thể người ta hít vào rồi xâm nhập cả hệ thống huyết quản, tim mạch, dẫn tới các loại bệnh phổi và có thể cả ung thư.
Báo VNExpress đưa tin theo Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại thành phố Hà Nội đã ghi nhận được từ ngày 12 Tháng Chín và tiếp tục kéo dài cho đến nay. Người ta thấy mức ô nhiễm không khí nơi đây bây giờ cao nhất kể từ năm 2015.
Báo này cho hay, viên chức thành phố Hà Nội đổ tội không khí ô nhiễm cao cho tới 12 nguyên nhân để “khuyến cáo người già, trẻ em hạn chế ra ngoài đường.” Trong đó gồm cả “khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia xúc, gia cầm.” Rồi lại còn các nguyên nhân khác như “đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; do tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.”
Người đi đường tại Hà Nội phải đeo khẩu trang để chống không khí ô nhiễm ngày 1 Tháng Mười, 2019. (Hình: Manan Vatsyayana/AFP/Getty Images)
Tại buổi “Hội Thảo về Biến Đổi Khí Hậu và Ô Nhiễm Không Khí” ảnh hưởng đến sức khỏe diễn ra trong hai ngày 16 và 17 Tháng Tư, 2019 vừa qua, ở trường Đại Học Y Dược Sài Gòn được tờ Thanh Niên thuật lại, Giáo Sư Hồ Quốc Bằng, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Ô Nhiễm Không Khí, thuộc Viện Môi Trường và Tài Nguyên, Đại Học Quốc Gia ở Sài Gòn, nêu ra ba nguồn phát thải lớn làm ô nhiễm không khí do bụi.
Thứ nhất việc nấu nướng hằng ngày từ nhà đến hàng quán sử dụng dầu, ga. Thứ hai, hàng triệu chiếc thải khói xe. Thứ ba, hơn 2,700 nhà máy “có ống khói sinh ra khí thải và thải ra môi trường.”
Trên một số báo, người ta thấy có những lời bình luận của độc giả tố cáo nhà cầm quyền thành phố Hà Nội chặt cây ào ạt trên nhiều đường phố vừa làm thành phố xấu đi, vừa là một trong những nguyên nhân làm không khí ô nhiễm thêm. Dân biểu tình chống đối thì bị đàn áp, đánh đập.
Theo tổ chức độc lập quan trắc chỉ số ô nhiễm không khí Air Visual, chỉ số PM2.5 có lúc lên hơn 300 microgram trên một mét khối không khí tại Hà Nội. Đây là mức độ ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới của một thành phố. Ghi nhận mức độ chỉ số PM2.5 vào ngày Thứ Ba, 1 Tháng Mười, 2019 ở Hà Nội là 180 trong khi tại Sài Gòn là 86.
Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) khuyến cáo tiêu chuẩn phẩm chất không khí cho tỉ số PM2.5 không nên hơn 10 microgram cho mỗi mét khối không khí mới được coi là tốt. (TN)

No comments:

Post a Comment