Thursday, October 3, 2019

CSVN nhất quyết không kiện Trung Cộng vụ bãi Tư Chính

Phát ngôn Bộ Ngoại Giao CSVN Lê Thị Thu Hằng vẫn nhai lại những lời phát biểu cũ “Việt Nam kiên quyết phản đối…” (Hình: Zing)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Sau vài tuần tạm ngưng các cuộc họp báo thường kỳ mà không rõ lý do, hôm 3 Tháng Mười, Bộ Ngoại Giao CSVN tổ chức lại cuộc gặp báo chí này. Tâm điểm của cuộc họp báo là diễn biến tại bãi Tư Chính tiếp tục căng thẳng, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vẫn đang mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đáp lại câu hỏi của các phóng viên, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao CSVN tiếp tục lặp lại các luận điệu cũ: “Khu vực mà Trung Quốc gọi là ‘bãi Vạn An’ thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này.”
“Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp [gửi công văn qua lại] với phía Trung Quốc. Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu khảo sát ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép.”
Các phóng viên không thấy bà Hằng đả động gì đến việc có thể kiện Trung Cộng vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Điều này có thể hiểu được, vì vài ngày trước, cấp trên của bà Hằng, ông Phạm Bình Minh, bộ trưởng Ngoại Giao kiêm phó thủ tướng CSVN đã khiến cộng đồng mạng bất bình vì bài diễn văn không nhắc gì chữ “Trung Cộng” hay “bãi Tư Chính” tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc.
Sự “nhất quán” của Bộ Ngoại Giao CSVN cũng như của đảng CSVN trong việc không khởi kiện Trung Cộng cho thấy họ xem thường những lời kêu gọi và thỉnh nguyện thư của giới nhân sĩ yêu nước cũng như của các blogger có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Sau bài phát biểu của ông Phạm Bình Minh cho thấy Việt Nam “cô đơn hơn bao giờ hết,” nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn ở Pháp bình luận về các chọn lựa của trong vụ này trên trang cá nhân: “Vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam là một hồ sơ dày cộm. Nếu chỉ nói từ Tháng Bảy, 2019 đến nay, khu vực bãi Tư Chính bị tàu bè Trung Quốc xâm lấn. Việt Nam có thể sử dụng nhiều phương tiện pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Nếu Việt Nam kiện theo phương pháp của Philippines như ý kiến của đa số học giả Việt Nam, sử dụng ‘thủ tục bắt buộc’ Mục VIII UNCLOS để kiện. Nếu may mắn, Việt Nam có được một phán quyết y chang phán quyết 11 Tháng Bảy, 2016. [Khi đó] Trung Quốc không nhìn nhận thẩm quyền của tòa. Trung Quốc không tham gia đồng thời không nhìn nhận phán quyết.”
“Việt Nam có thể không kiện Trung Quốc nhưng cũng đạt được kết quả là bảo vệ quyền và lợi ích của mình, khi vận động tất cả các nước, nhất là các quốc gia tự do dân chủ. Nhưng muốn vậy, Việt Nam phải ‘dân chủ hóa’ chế độ. Việt Nam phải có bộ mặt ‘coi được’ để giành sự ủng hộ của thế giới tự do,” theo Facebook Nhân Tuấn Trương. (T.K.)

No comments:

Post a Comment