Tuesday, April 2, 2019

Dân vắng mặt, cán bộ xã ngang nhiên đến tháo dỡ toàn bộ căn nhà

Căn nhà bị cán bộ xã tháo dỡ hoàn toàn, chỉ còn nền nhà. (Hình: Tiền Phong)
BÌNH DƯƠNG, Việt Nam (NV) – Viên chức xã đã ngang nhiên phá khóa cổng sắt, vào đập phá trọn một căn nhà của người dân rồi khiêng đi tất cả, gồm luôn đồ đạc vật dụng trong nhà lúc chủ nhà đi làm.
Chuyện vừa xảy ra ở ấp Tân An, xã Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, được thuật lại trên các tờ Tiền Phong và Đất Việt.
Theo lời kể lại của bà Đặng Thị Vân, nạn nhân của vụ việc, ngày 1 Tháng Ba, sau khi vợ chồng bà từ công ty trở về nhà thì bàng hoàng thấy ngôi nhà của mình “biến mất, cửa khóa ngoài đã bị phá, một số tài sản, vật dụng trong nhà cũng như xà gỗ, mái tôn… đều không còn.”
Theo tờ Tiền Phong, bà Vân hỏi hàng xóm thì được biết, căn nhà do một số cán bộ xã đến phá cửa vào tháo dỡ. “Nghe hàng xóm nói cán bộ xã đến phá nhà, tôi rất bức xúc. Tại sao căn nhà hiện hữu mấy năm nay cùng hàng trăm căn nhà khác trong khu vực lại bị phá mà không có một giấy tờ gì. Tài sản trong nhà không còn, trong khi tôi không nhận được văn bản tịch thu hay cưỡng chế nhà,” bà nói.
Bà Vân kể lại nguồn gốc ngôi nhà cho biết, căn nhà hiện hữu nhiều năm về trước được bà mua lại từ bà Nguyễn Thị Hiền với giá 385 triệu đồng vào đầu năm 2018. Trước khi chuyển nhượng đất và nhà cho bà Vân, bà Hiền mua lại từ ông Trần Bá Minh. Trong hợp đồng chuyển nhượng có ghi rõ tổng diện tích là 48m2 gồm có căn nhà mái tôn.
Theo tờ Tiền Phong thuật lại, vào cuối Tháng Hai, 2019, do ngôi nhà lâu năm đã hư hại nên bà Vân nhờ người đến xây lại bức tường bên hông. Lúc bấy giờ, cán bộ xã xuống đề nghị ngưng không cho xây nên bà Vân cho dừng. Tuy nhiên, đến đầu Tháng Ba khi đi làm về thì bà Vân thấy cửa bị phá, căn nhà không còn. “Quá bức xúc, bà Vân đến UBND xã Tân Vĩnh Hiệp hỏi thì lãnh đạo đơn vị này không tiếp.”
Cho đến thời điểm ngôi nhà bà bị tháo dỡ, gia đình bà Vân chưa nhận bất kỳ một thông báo chính thức hay quyết định cưỡng chế nào. Do đó, “việc cán bộ xã tự ý phá cửa xông vào phá nhà là trái quy định.”
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tiền Phong, chỉ 3 ngày trước khi thực hiện việc tháo dỡ nhà bà Vân, nhà cầm quyền xã Tân Vĩnh Hiệp chỉ ra một thông báo về việc gia đình phải tự tháo dỡ công trình. Tuy nhiên, “bản thông báo do ông Trần Văn Quang – Phó chủ tịch UBND xã Tân Vĩnh Hiệp ký lại đề vào ngày 20 Tháng Mười Hai, 2019, trong khi việc tháo dỡ lại được thực hiện đầu Tháng Ba.”
Nói về việc cán bộ phường tháo dỡ căn nhà bà Vân khi chủ nhà đi vắng và không có lệnh cưỡng chế, tờ Tiền Phong kể, ông Trần Văn Quang – Phó chủ tịch UBND xã Tân Vĩnh Hiệp nói ông chưa nắm rõ vụ việc, sẽ tìm hiểu lại. Khi phóng viên hỏi, người ký văn bản thông báo tháo dỡ nhà bà Vân là ông Quang vậy tại sao ông không nắm thì “vị phó chủ tịch bối rối và nói tôi không thuộc thẩm quyền trả lời, cái đó phải để chủ tịch thông tin.”
Trước câu hỏi, ông nghĩ sao khi ký vào thông báo sai nhiều tháng thì ông Quang nói do sơ suất. Ông Quang cũng cho biết, căn nhà bà Vân ở là đất trồng cây lâu năm thuộc sổ chung nên việc xây nhà là sai quy định. Tuy nhiên, “tại khu vực nhà bà Vân có hàng trăm căn nhà hiện hữu từ rất lâu giống nhà bà nhưng không bị xử lý. Trong khi đó, căn nhà bà Vân nằm lọt giữa hàng trăm căn nhà khác thì bị tháo dỡ.”
Sự việc xảy ra chỉ riêng đối với căn nhà của bà Đặng Thị Vân khiến người ta phải đặt dấu hỏi tại sao.
Tuy vậy khi được phóng viên tờ Đất Việt phỏng vấn, ông Đoàn Hồng Tươi – Chủ tịch thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) cả quyết, chính quyền xã Tân Vĩnh Hiệp đã làm đúng.
“Nhà đó là nhà trong khu dân cư tự phát, không có giấy phép. Xã đã làm đúng không sai gì hết,” lời ông Tươi nói với nhà báo.
Tờ Tiền Phong dẫn ý kiến của Luật Sư Trần Đình Dũng ở Sài Gòn cho biết, việc cán bộ xã tự ý phá cửa vào nhà khi không có chủ nhà là sai và “lạm quyền.” Tài sản trong ngôi nhà bị mất trong quá trình tháo dỡ thì cán bộ tham gia tháo dỡ phải chịu trách nhiệm đền bù. Mặt khác, việc tháo dỡ nhà không có lệnh cưỡng chế là sai trình tự, trái quy định và được xem là hành vi hủy hoại tài sản người khác.
Suốt nhiều tháng qua và còn dây dưa tới bây giờ vẫn còn nguyên, hàng chục ngôi biệt thự xây dựng trên đất nông nghiệp và “đất công” ở huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội, thấy nhà cầm quyền dậm dọa cưỡng chế, “xử lý nghiêm” rồi vẫn chẳng thấy nhà nào bị cưỡng chế tháo dỡ.
Gần 500 ngôi nhà ở khu vực vườn rau Lộc Hưng hồi đầu Tháng Giêng, 2019, bất chấp các khiếu kiện, đẩy người dân vào cảnh vô gia cư dù khu vực không phải là “đất công” mà là đất của Giáo Hội Công Giáo có giấy tờ chứng minh.
Hàng ngàn hàng vạn những vụ cưỡng chế giải tòa nhà đất trên cả nước suốt bao năm qua dẫn đến các vụ khiếu kiện quanh năm suốt tháng từ địa phương tới trung ương. (TN)

No comments:

Post a Comment