Thursday, March 7, 2019

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới lên tiếng về các trường hợp tù chính trị

Nhà báo, tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hóa. (Hình: RSF)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) lên tiếng trên trang mạng ngày 7 Tháng Ba, 2019, về trường hợp các nhà báo, blogger Việt Nam bị đối xử tệ hại trong thời gian thi hành án tù giam.
Trong đó, RSF nhắc đến trường hợp tù chính trị Nguyễn Văn Hóa tiếp tục cuộc tuyệt thực kéo dài sang tuần lễ thứ hai nhằm phản đối việc bị đánh đập trong khi giam giữ.
Ông Nguyễn Văn Hóa bị bắt từ Tháng Giêng, 2017, và đang phải thụ án 7 năm tù giam. Từ ngày 22 Tháng Hai, ông Nguyễn Văn Hóa bắt đầu tuyệt thực và có thư gửi đến các giới chức địa phương, tỉnh cũng như Viện Kiểm Sát Tối Cao ở Hà Nội nêu ra những trường hợp bản thân bị hành xử tệ hại.
Ông Daniel Bastard, người đứng đầu văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, nói rằng hoàn toàn không thể chấp nhận việc một phóng viên bị bỏ tù chỉ vì đưa thông tin đến người dân của mình và phải tuyệt thực để đòi hỏi các quyền căn bản của cá nhân được tôn trọng, trong đó có quyền không được xâm phạm thân thể.
Ông Daniel Bastard cho biết ông đang chuyển đến báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình trạng gia tăng đối xử tệ hại đối với các nhà báo bị cầm tù ở Việt Nam.
RSF còn nêu tên những trường hợp của các tù nhân khác như Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Lê Đình Lượng, Trương Minh Đức vẫn còn đang thi hành án tù và cả những trường hợp phải lưu vong ngay sau khi ra khỏi nhà tù như Luật Sư Nguyễn Văn Đài, blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Đặc biệt, trường hợp của nữ tù nhân Trần Thị Nga được xếp vào nhóm những nữ tù trên thế giới bị giam giữ trong những điều kiện “vô nhân đạo.”
Theo RSF, bà Trần Thị Nga là một blogger bảo vệ người lao động nhập cư. Bà bị biệt giam hơn sáu tháng sau thời điểm bị bắt trước tết âm lịch vào ngày 21 Tháng Giêng, 2017. Trong phiên tòa ngày 25 Tháng Bảy, 2017, bà bị tuyên án chín năm tù giam về tội tuyên truyền chống nhà nước.
Trong thời gian thi hành án, bà Nga không được gọi điện thoại về nhà, người thân của bà không được phép thăm nuôi vì bà “không chịu nhận tội.”
RSF kêu gọi các nước phải trả tự do ngay và vô điều kiện cho những nữ tù nhân này. (K.L)

No comments:

Post a Comment