Friday, January 11, 2019

Cấm quay phim chụp ảnh tại cơ quan tiếp dân là thừa!

 RFA-2019-01-11 
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa. AFP
Vào ngày 3/1, ông Nguyễn Đức Chung chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ký ban hành nội quy quy định về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội.
Theo văn bản, ngoài những quy định chung đối với công dân đến làm việc tại trụ sở có một quy định “không được quay phim, chụp hình, ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân khi chưa xin phép”. Lý giải về quy định này, ông Nguyễn Đức Chung cho báo chí biết quy định này nhằm để hạn chế tình trạng một số người dân đi theo người nhà đến trụ sở tiếp công dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung đưa lên mạng phục vụ vào những mục đích khác.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu từ Sài Gòn trao đổi với chúng tôi rằng việc ban hành quy định này là điều không cần thiết và nên làm nó theo một cách bình thường.
Vị luật sư giải thích “Bởi vì tiếp công dân là công khai ngoại trừ các trường hợp ví dụ như người ta làm đơn tố cáo người ta yêu cầu người quay phim chụp ảnh không được thì mình phải thực hiện theo ý của họ vì đó là quyền riêng tư của họ. Thứ hai việc ghi âm ghi hình thì VN có luật về dân sự về quyền riêng tư, khi mình lấy hình ảnh của người khác thì phải được người khác cho phép. Còn việc tiếp công dân, khiếu nại khiếu kiện thì tôi cho dó là chuyện bình thường, người ta ghi âm ghi hình để làm bằng chứng nhưng nếu ghi âm ghi hình người ta phát tán lên để nhằm mục đích khác thì pháp luật sẽ điều chỉnh những người đó. Pháp luật VN cũng đã quy định rất rõ rồi nhưng vấn đề nhạy cảm ở đây đó là khi đưa ra quy định này thì nó chưa được chặt chẽ.”
Còn theo nhận định của luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn thì quy định này hoàn toàn không có giá trị vì nó trái với đạo luật của Quốc hội ban hành.
 Căn bản cán bộ tiếp dân làm theo luật khiếu nại tố cáo nhưng mà luật này đâu có quy định như vậy cho nên vị chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội ban hành như vậy nó hạn chế quyền của công dân và nó đi trái với đạo luật của quốc hội thì văn bản đó hoàn toàn không có giá trị đâu.
 - LS. Đặng Đình Mạnh
“Thật ra cái quy định này nó mâu thuẩn với văn bản của cấp trên. Văn bản này không hợp pháp đâu, căn bản cán bộ tiếp dân làm theo luật khiếu nại tố cáo nhưng mà luật này đâu có quy định như vậy cho nên vị chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội ban hành như vậy nó hạn chế quyền của công dân và nó đi trái với đạo luật của quốc hội thì văn bản đó hoàn toàn không có giá trị đâu. Tôi nói thêm, ổng vẫn mang một não trạng của một người làm công an mặc dù qua làm việc với ủy ban nhân dân trong chính quyền nhưng họ vẫn mang não của một công an viên, mà công an viên khi tiếp xúc dân họ vẫn ngại công khai minh bạch.”
Sau khi quy định được loan đi, công luận và một số chuyên gia cho rằng quyền của công dân trong việc giám sát hoạt động của cán bộ công chức nhà nước đã bị ngăn cản.
Trong một cuộc trả lời báo chí sau khi có phản ứng từ công luận, ông Nguyễn Hồng Điệp trưởng ban tiếp công dân Trung ương giải thích rằng việc ban hành quy định này để vừa bảo vệ cán bộ vừa bảo vệ người dân.
Ông Nguyễn Hồng Điệp nói với báo chí rằng “Nơi tiếp công dân mà bất cứ ai cũng ra vào, thích quay, chụp gì cũng được, thậm chí có hành động cố tình để xuyên tạc, thách thức cán bộ nhà nước thì khó chấp nhận vì gây ảnh hưởng đến trật tự chung, không đảm bảo sự tôn nghiêm của cơ quan nhà nước"
Không đồng tình với quan điểm này, anh Lã Việt Dũng từ Hà Nội và cũng là thành viên của nhóm No-U Hà Nội cho chúng tôi biết việc làm như thế là coi thường người dân.
“Tôi cho là cách làm như thế rất là coi thường người dân, ổng cho rằng thường người dân thiếu nhận thức đâu là cái đúng cái sai nhưng thực tế lại không phải vậy, bởi vì có thể bất kỳ ai lợi dụng để chửi bới và người ta có thể làm những điều xấu nhưng việc đó người dân tự nhận biết được đâu là đúng và đâu là sai.”
Ngoài ra, anh Lã Việt Dũng còn cho biết thêm quy định này hoàn toàn không cần thiết bởi vì nó sẽ gây ra nhiều bất lợi cho người dân và ngay cả chính quyền của ông Chung khi ông từng nói muốn xây dựng một chính quyền trong sạch, minh bạch.
Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trong lần tiếp xúc người dân Đồng Tâm. (Ảnh minh họa)
Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trong lần tiếp xúc người dân Đồng Tâm. (Ảnh minh họa) AFP
Anh Dũng cho một ví dụ “Bản thân cá nhân tôi đã từng làm việc với cơ quan công quyền khi cần đăng ký sửa đổi về giấy khai sinh của đứa con của em họ tôi, thì bộ máy cơ quan công quyền của Hà Nội đòi hỏi rất oái oăm là em họ tôi nói là trùng với tên cụ cố và họ yêu cầu giấy khai sinh của cụ cố mà cụ cố sinh năm 1920 thì làm gì có giấy khai sinh, thì đấy là cách họ kiếm tiền, họ đòi hỏi những cái rất là vớ vẩn để kiếm tiền từ người dân. Khi người dân không quay phim chụp ảnh không áp lực lên họ thì họ hoàn toàn kiếm tiền một cách bất chính như vậy.”
Sau khi công luận lên tiếng phản đối mạnh mẻ, người đứng đầu thành phố Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung giải thích thêm rằng, tại tất cả phòng tiếp công dân tại trụ sở đều có trang thiết bị ghi âm và ghi hình nên sau buổi tiếp xúc người dân muốn trích lại toàn bộ sẽ được bàn giao và có biên bản xác nhận, nhằm tránh lợi dụng quyền tự do dân chủ để gây rối, xuyên tạc nói xấu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, việc ghi âm ghi hình là để họ làm bằng chứng nhưng nếu họ sử dụng không đúng mục đích thì pháp luật cũng đã có quy định để xử lý với trường hợp vi phạm.
“Việc ghi âm ghi hình đó là việc của họ, họ muốn lấy nó làm bằng chứng chứ họ muốn cất nó đi họ ghi lại rằng họ muốn kiến nghị điều đó với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp công dân. Nếu trong quá trình người nào đó sử dụng những hình ảnh đó cho việc phi pháp thì pháp luật sẽ điều chỉnh những người đó, người sử dụng hình ảnh đó phải sử dụng đúng mục đích.”
Đồng ý với điều này anh Lã Việt Dũng cho biết “Người dân mà chửi bới cơ quan công quyền thì đã có những quy định để xử lý rồi thậm chí họ đã có những luật như luật an ninh mạng để làm được việc đó. Chứ còn công chức mà làm đúng thì họ không sợ gì cả và chính quyền phải có niềm tin rằng là người dân luôn có sự hướng thiện nếu họ làm đúng làm tốt cho người dân thì họ không ngại gì việc lên mạng cả.”
Luật sự Đặng Đình Mạnh và một số chuyên gia về luật pháp mà Đài Á Châu Tự Do có dịp trao đổi đều khẳng định rằng, việc ban hành văn bản và lý giải của ban lãnh đạo thành phố Hà Nội là không hợp lý và không mang tính thuyết phục. Bởi vì nếu cán bộ làm việc trong sáng minh bạch thì càng khuyến khích người dân giám sát, chỉ khi nào cán bộ không minh bạch và hành xử không thích hợp thì họ mới ngại công khai.
Sau khi sự việc gây nóng trong dư luận, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư Pháp cho biết, Cục chỉ vừa mới nhận được văn bản chính thức vào ngày 10/1, do đó cục kiểm tra văn bản sẽ yêu cầu có buổi làm việc với ban lãnh đạo thành phố Hà Nội để làm rõ các vấn đề mang tính pháp lý đối với quy định này và sẽ có câu trả lời cụ thể.

No comments:

Post a Comment