Wednesday, October 31, 2018

‘Vòng kim cô’ xử phạt đối với sinh viên - học sinh

 RFA-2018-10-30  
Sinh viên một trường Đại học tại Hà Nội (Ảnh minh họa)
 Sinh viên một trường Đại học tại Hà Nội (Ảnh minh họa)-AFP
Bản phụ lục với một số nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật học sinh sinh viên đính kèm bị giới hoạt động nhân quyền cũng như các nhà quan sát chính trị tại Việt Nam lên tiếng chỉ trích cho rằng văn bản quy chế này vi phạm quyền tự do của con người và vi phạm Hiến pháp Việt Nam.
Văn bản nêu rõ, đối với các hành vi kích động, lôi kéo người khác biểu tình, viết truyền đơn sẽ bị đuổi học ngay lần thứ hai nếu vi phạm. Trong trường hợp học sinh-sinh viên tham gia biểu tình, tụ tập đông người, khiếu kiện trái quy định của pháp luật thì sẽ bị khiển trách đến đuổi học nếu vi phạm ở lần thứ 4 và nếu nghiêm trọng sẽ giao cơ quan chức năng xử lý.
Luật sự Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn chia sẻ với chúng tôi rằng, chỉ một văn bản dự thảo luật mà có thể phủ nhận toàn bộ quyền của công dân trong hiến pháp Việt Nam.
Vị luật sư nói: “Quy định đó nói thẳng ra là nó vi hiến bởi vì hiến pháp quy định những điều đó là những quyền của công dân được quyền thực hiện. Thế mà một văn bản dự thảo luật đã phủ nhận tất cả các quyền đó của sinh viên. Về căn bản Học sinh - Sinh viên cũng là công dân nên họ có quyền thực hiện các quyền đó thế nhưng một văn bản dưới luật thì có quyền gì phủ nhận các quyền của Hiến pháp quy định. Tôi khẳng định những quy định như vậy đều vi phạm hiến pháp.”
 Hiến pháp quy định những điều đó là những quyền của công dân được quyền thực hiện. Thế mà một văn bản dự thảo luật đã phủ nhận tất cả các quyền đó của sinh viên.
- LS. Đặng Đình Mạnh
Đồng ý với ý kiến của luật sư Đặng Đình Mạnh, nhà báo Võ Văn Tạo cho biết, tại các nước văn minh các quy định trong hiến pháp được coi là cao nhất và đó là những đạo luật cơ bản rồi mới đến những luật, thông tư nghị định, văn bản đi kèm.
Nhưng vị nhà báo cho rằng tại Việt Nam thì điều đó hoàn toàn đi ngược lại bởi vì hiến pháp Việt Nam tự do bao nhiêu thì các văn bản thấp hơn siết chặt lại; nên vấn đề biểu tình được báo chí nhà nước hay các diễn đàn quốc hội đều nhắc tới thậm chí công khai chất vấn tại các cuộc họp quốc hội nhưng luật biểu tình đến này vẫn chưa ra được.
“Bao nhiêu năm nay rồi Bộ này đỗ cho Bộ kia, rồi Bộ Công an thì đỗ do Chính phủ rồi tùm lum qua lại. Tóm lại mười mấy năm nay vẫn chưa ra được cái luật biểu tình. Mà biểu tình là một điều mà ở các nước khác người ta đưa vào quyền bảo hộ công dân trong hiến pháp nhưng nhà nước Việt Nam thì lại rất sợ biểu tình, hiện này khi nhắc đến biểu tình thì tại Việt Nam như là một điều cấm kỵ mặc dù hiến pháp ghi là tự do như thế.”
Nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định rằng biểu tình ôn hòa chỉ là một hoạt động bình thường, ngay cả công ước của liên hiệp quốc cũng có những quy định bảo hộ cho các vấn đề đó nhưng tại Việt Nam mỗi khi nhắc đến biểu tình thì người ta coi như là một chuyện nhạy cảm. Theo ông này thì Bộ Giáo dục không nên ra những quy định như vậy.
Còn theo nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến từ Hà Nội thì nếu xem xét kỹ, văn bản dự thảo luật này chỉ nhằm vào các học sinh sinh viên của ngành sư phạm tức là đào tạo các sinh viên sau này thành thầy cô thôi chứ không phải quy định cho toàn thể học sinh sinh viên cả nước.
Một số bạn sinh viên đang sử dụng internet (Ảnh minh họa)
Một số bạn sinh viên đang sử dụng internet (Ảnh minh họa) AFP
Anh Tuyến cho biết thêm: “Còn đối các sinh viên nói chung và các ngành nghề khác thì họ đã và đang thực hiện thông tư số 10/2016 được ban hành trước khi ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ lên đứng đầu bộ này và đến nay người ta vẫn đang thực hiện. Khi tôi đọc và xem thì tôi thấy nó y chang với những quy định mà họ ra quy định đối với các Sinh viên của trường sư phạm. Thì có lẽ dư luận không để ý mà dư luận chỉ tập trung bàn luận đến chuyện bán dâm bốn lần nếu sinh viên sư phạm vi phạm sẽ bị cái này cái nọ cái kia thì họ quan tâm thôi.”
Ngoài những quy định về biểu tình, khiếu kiện như vừa nêu, văn bản dự thảo có đề cập đến vấn đề đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung bị cho là dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc , vu khống, xúc phạm uy tính, danh dự và nhân phẩm tổ chức hay cá nhân trên mạng internet cũng sẽ bị xem xét buộc thôi học và bàn giao cơ quan chức năng xử lý.
Trong thời gian vài năm trở lại đây, khi người dân nói chung, và học sinh sinh viên nói riêng, lên tiếng phản đối trên mạng xã hội đều bị cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và mời lên làm việc. Dư luận mạng xã hội cũng như một số nhà quan sát chính trị cho rằng quy định này có thể là bước dẫn tới luật an ninh mạng, như lời của luật sư Đặng Đình Mạnh:
“Cũng có thể nói là như vậy bởi vì cấm những điều mà Sinh viên thường xuyên lên mạng xã hội. Thật ra các điều này như là một bước nối dài của luật an ninh mạng và tôi vẫn khẳng định như ban đầu những quy định này đều là vi hiến cả không thể chấp nhận được.”
Cùng quan điểm với luật sự Mạnh, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến cho rằng văn bản quy định này có thể là một bước tiến tới của Luật An ninh mạng nhằm áp đặt lên sinh viên của ngành sư phạm.
“Tôi nghĩ rằng cũng có thể bởi vì một văn bản hay thông tư của Bộ Giáo dục Đào tạo đang lấy ý kiến của mọi người về quy định áp đặt cho các Sinh viên sư phạm nói riêng. Cũng có thể người ta lấy một trong những điều đó để làm căn cứ để xử lý các sinh viên trong ngành sư phạm mà liên quan đến an ninh mạng, tôi nghĩ nó hoàn toàn có khả năng xảy ra.”
Theo kế hoạch đề ra, Văn bản Dự thảo Quy chế Công tác Học sinh- Sinh viên dự kiến sẽ lấy ý kiến đến ngày 27/11/2018 nhằm thay thế cho quy chế học sinh, sinh viên từ năm 2007. Tuy nhiên, trước phản đối phản ứng mạnh mẻ từ dư luận, một số quan chức Bộ Giáo dục- Đào tạo lên tiếng với báo chí vào ngày 30 tháng 10 rằng đã sơ suất và chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất, đồng thời rút văn bản khỏi trang mạng của Bộ này một ngày trước đó.

No comments:

Post a Comment