VOA Tiếng Việt-20/07/2017
Lãi suất tiền gửi đôla hiện bằng 0% ở Việt Nam nhưng có thể sẽ sớm thay đổi
Thủ tướng Việt Nam yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm có chủ trương huy động nguồn lực trong dân, trong đó chủ yếu là đôla Mỹ, theo lời Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hôm 18/7 được báo trong nước dẫn lại.
Tại một cuộc họp giữa Tổ công tác Chính phủ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã "nhắc lại 3 lần” về việc cần sớm có chủ trương như vậy.
Tường thuật của báo chí cho hay ông Mai Tiến Dũng đã nói: “Nguồn lực trong dân rất lớn, làm thế nào huy động được nguồn lực USD đang nằm trong dân. Thay vì gửi lãi suất USD 0%, có chính sách huy động nguồn lực này để hoà vào các nguồn huy động khác nhằm phục vụ đầu tư”.
Theo ông Dũng, đó cũng là một trong số các tiêu chí để “phấn đấu hạ lãi suất”, ý ông nói đến lãi suất dành cho tiền Việt Nam.
Ông Dũng cũng được trích lời nói rằng tuy Ngân hàng Nhà nước có chủ trương chống đô la hoá “nhưng trong điều kiện có thể kiểm soát được thì cần huy động”.
Ông nói thêm Việt Nam “vẫn phải mua lượng trái phiếu quốc tế cao khoảng 4,8%, trong khi nguồn lực đôla trong dân có, nên cần nghiên cứu phương án huy động".
Sau khi tin này được loan đi, trên một số diễn đàn mạng xã hội, có những người bày tỏ băn khoăn rằng nếu ngân hàng huy động đôla, lãi suất cho ngoại tệ này sẽ không còn là 0% nữa, điều này có thể làm tình trạng đôla hóa quay trở lại.
Chuyện gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng vẫn có những cách để huy động đôla mà không dẫn đến đôla hóa. Vị cựu phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nói với VOA:
“Một cách là nhà nước huy động để mà đầu tư. Nó lại liên quan đến vấn đề hiệu quả đầu tư của nhà nước, cách thức huy động. Thế còn
...một cách nhiều người nói tốt nhất, là anh ổn định, anh tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng, anh tạo lòng tin vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế Việt Nam, thì những người đang nắm giữ đôla họ chuyển sang thành nguồn lực đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Đấy là cách tốt nhất”.
Nhà nước Việt Nam kể từ năm 2011 đã có những biện pháp làm cho việc gửi tiền Việt vào ngân hàng hấp dẫn hơn gửi đôla.
Do đó, các con số thống kê cho thấy mức độ đôla hóa xét theo tỷ lệ tiền gửi đôla trong tổng tiền gửi trong ngân hàng đã giảm khá mạnh.
Tiến sĩ Thành so sánh rằng cách đây hơn 5 năm tỷ lệ đó là khoảng 20%, trong khi hiện nay chỉ còn dưới 10%.
Giờ đây, khi người đứng đầu chính phủ giục ngân hàng tìm biện pháp huy động đôla, tiến sĩ Thành cảnh báo về những điều ngân hàng cần thận trọng:
“Ví dụ như việc FED [Cục Dự Trữ Liên bang Mỹ] có thể tăng lãi suất, đồng đôla có thể mạnh hơn. Nhiều nước để có thể cạnh tranh được, họ có thể phá giá đồng tiền của họ. Cái đấy cũng có thể gây áp lực lên ổn định kinh tế vĩ mô cũng như tỷ giá đồng Việt Nam, để đảm bảo cho khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, của hàng xuất khẩu Việt Nam chẳng hạn. Ngân hàng nhà nước huy động vẫn phải thận trọng. Dù có điều chỉnh ít nhiều chính sách lãi suất đối với tiền gửi đôla hiện bằng 0%, thì vẫn cần đảm bảo nguyên tắc cầm đồng Việt là có lợi hơn cầm đôla”.
Lịch sử Việt Nam gần đây ghi lại khủng hoảng kinh tế thời những năm 1980 kèm theo lạm phát lên đến hơn 600%/năm, rồi bất ổn quay lại trong những năm 1990, và gần đây nhất là biến động trong các năm 2009-2010 với lạm phát trên 20%.
Vì những sự kiện đó, tiến sĩ Thành nói người dân có “truyền thống tìm chỗ trú ẩn” trong các tài sản tài chính như cất trữ đôla hay vàng. Theo ông, điều này “không thể thay đổi ngày một ngày hai”.
Ông cũng lưu ý rằng ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam từ năm 2011 đến nay vẫn còn bị nhìn vào với con mắt nghi ngại.
No comments:
Post a Comment