Hòa Ái, phóng viên RFA 2017-07-19
Anh Kim Long giăng biểu ngữ tại Công ty Deli Fresh ngày 10/07/2017. Courtersy: Facebook Kim Long Huynh Khanh
Gần đây, ngày càng có nhiều người sử dụng các trang mạng xã hội để kêu cứu và nhờ cộng đồng mạng giúp đỡ. Việc kêu cứu như thế có tác dụng thế nào?
Nghệ sĩ cũng kêu cứu
Nghệ sĩ Chu Hùng, một diễn viên nổi tiếng qua các vai diễn điện ảnh ấn tượng và hiện được khán giả yêu mến với vai “Thế Chột” trong phim “Người phán xử” đang được phát sóng trên truyền hình, vào ngày 18 tháng Bảy đăng tải một video clip kêu cứu trên trang Facebook cá nhân vì gia đình phải sống trong hoàn cảnh không điện, không nước suốt 5 năm ròng, tại khu vực phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Qua clip đăng tải, Nghệ sĩ Chu Hùng chia sẻ rằng cách đây 5 năm gia đình ông đã xin phép phường để sửa sang lại căn nhà đang ở và nhận được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương. Tuy nhiên sau đó, phường ra quyết định cắt điện, nước vì việc sửa sang này bị cho là vi phạm. Nghệ sĩ Chu Hùng nói suốt 5 năm qua, gia đình ông sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn và vì mất hết lòng tin đối với chính quyền, do cách hành xử mà ông gọi là “thiếu tính người”, nên ông đành phải nhờ mạng xã hội để kêu gọi mọi người giúp đỡ trong lúc không còn biết cầu cứu nơi nào khác nữa.
Lời kêu cứu trên mạng xã hội Facebook của Nghệ sĩ Chu Hùng được hàng ngàn người xem cũng như được quan tâm, thăm hỏi. Và chỉ một ngày sau đó, vào tối 19 tháng Bảy, Nghệ sĩ Chu Hùng tiếp tục đăng tải một video clip nói lời cảm ơn đến chính quyền địa phương, các cơ quan báo chí cùng Công ty cấp nước sạch Hai Bà Trưng đã kịp thời giải quyết nguyện vọng của gia đình ông. Nghệ sĩ Chu Hùng còn đặc biệt cảm ơn đến cộng đồng cư dân mạng đã quan tâm đến lời kêu cứu của ông.
Phải chăng vì Nghệ sĩ Chu Hùng là người của công chúng nên lời kêu cứu của ông qua mạng xã hội nhận được sự quan tâm và giúp đỡ như thế? Đài RFA ghi nhận tại Việt Nam, các trang mạng xã hội ngày càng đóng vai trò như một kênh thông tin hữu hiệu mà qua đó cư dân mạng chọn lựa như là một cứu cánh để chia sẻ những hoàn cảnh nguy nan, cần sự quan tâm cũng như hỗ trợ của cộng đồng.
Khi tôi lên kêu cứu thì rất có hiệu quả và họ rất nhiệt tình. Khi kêu cứu như vậy thì có người tặng quà, có một số người gửi tiền. Lúc ấy, tôi kêu gọi bán tranh thì người ta mua tranh, ủng hộ rất nhiều
-Trần Thị Hằng
Thêm một trường hợp mới khác: anh Kim Long vào ngày 15 tháng Bảy vừa qua đăng tải trên tài khoản Facebook cá nhân kêu gọi giúp đỡ cho vợ của mình vì bà xã đang mang thai mà bị công ty chiếm đoạt 6 tháng tiền lương và không đóng bảo hiểm theo luật định. Mặc dù vụ việc đang chờ tòa giải quyết, nhưng vì không biết phải chờ đợi trong bao lâu và gia đình đang trong hòan cảnh khó khăn. Anh Kim Long vào ngày 10 tháng Bảy cầm băng-rôn đứng trước Công ty Cổ phần Deli Fresh, tọa lạc tại quận 2, để phản đối việc làm của công ty. Tuy nhiên, công an phường đã đến can thiệp. Sang ngày 15 tháng Bảy, vợ chồng anh Kim Long chọn cách kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng qua mạng xã hội.
Đài Á Châu Tự Do liên lạc với một người bạn của gia đình anh chị Kim Long-Bích Hằng và được cho biết nhiều người đã động viên cũng như hướng dẫn gia đình họ các thủ tục pháp lý ngay sau khi lời kêu cứu được đăng tải.
Một trường hợp khác của bà Trần Thị Hằng, một dân oan 20 năm ở Hải Phòng cũng nói với Đài RFA hiệu quả của lời kêu cứu cho đứa con trai bệnh tật bị bắt oan hồi năm 2015 và đến nay vụ việc vẫn còn kéo dài dù con trai của bà đang được cho nằm viện điều trị bệnh:
“Sự giúp đỡ và đông hành của cộng đồng mạng với tôi từ đầu. Khi tôi lên kêu cứu thì rất có hiệu quả và họ rất nhiệt tình. Khi kêu cứu như vậy thì có người tặng quà, có một số người gửi tiền. Lúc ấy, tôi kêu gọi bán tranh thì người ta mua tranh, ủng hộ rất nhiều.”
Còn một số trường hợp kêu gọi cộng đồng cứu giúp đặc biệt được quan tâm như gia đình của hai tử tù Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng.
Hiện nay, nhiều người cũng thấy đa phần khuynh hướng người ta lấy tin là tin từ mạng xã hội là chính, chứ không còn giống như ngày trước dựa vào các kênh thông tin do phóng viên đưa tin. Bây giờ người ta quan sát xã hội qua mạng xã hội và khuynh hướng của mạng xã hội định hướng về mặt báo chí và truyền thông như hiện nay là khá lớn
-Nguyễn Hồ Nhật Thành
Hiệu ứng của mạng xã hội
Có thể nói các trang mạng xã hội tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện những lời kêu gọi giúp đỡ cho hoàn cảnh nghèo khó hay thương tâm với sự đóng góp thiện nguyện của cộng đồng. Và song song với sự phát triển của số lượng người sử dụng mạng xã hội gia tăng ở trong nước thì đây cũng được xem là một kênh thiết thực và hữu ích để cư dân mạng gắn kết với xã hội. Không những thế, sự kết nối và gắn kết còn tạo được tiếng nói chung mạnh mẽ đối với từng trường hợp kêu gọi giúp đỡ của cá nhân hay thậm chí của một tập thể. Cộng đồng cư dân mạng trong thời gian qua đóng góp không nhỏ trong việc gây áp lực lên các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời các phản ảnh từ mạng xã hội.
Facebooker Nguyễn Hồ Nhật Thành, thành viên của tổ chức Con Đường Việt Nam, chia sẻ ghi nhận của ông về hiệu ứng của mạng xã hội ở trong nước:
“Mạng xã hội giống như trao cho mỗi người tham gia một kênh truyền thông độc lập so với những kênh truyền thông truyền thống trước đây, như dựa vào báo chí thì bây giờ họ có thể dựa vào chính trang cá nhân của họ để họ truyền đi thông điệp mà họ muốn gửi. Tôi nghĩ có sự đa dạng trong cách trình bày nhưng sự quan tâm của mạng xã hội càng lúc càng nhiều. Và ngay cả hiện nay, nhiều người cũng thấy đa phần khuynh hướng người ta lấy tin là tin từ mạng xã hội là chính, chứ không còn giống như ngày trước dựa vào các kênh thông tin do phóng viên đưa tin. Bây giờ người ta quan sát xã hội qua mạng xã hội và khuynh hướng của mạng xã hội định hướng về mặt báo chí và truyền thông như hiện nay là khá lớn.”
Ông Nguyễn Hồ Nhật Thành cũng như một số cư dân mạng mà chúng tôi tiếp xúc thừa nhận dù khuynh hướng sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều ở Việt Nam sẽ không không tránh khỏi các tác động tiêu cực, như thông tin giả mạo, tin đồn thất thiệt, bị lừa đảo vì nhẹ dạ cả tin… Bởi vì theo cộng đồng cư dân mạng, thực tiễn của xã hội thế nào thì sẽ phản chiếu qua mạng xã hội thế ấy, nhưng chắc chắc mạng xã hội không phải là thế giới ảo mà là thế giới phẳng của sự kết nối cộng đồng.
No comments:
Post a Comment