HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tương lai doanh giới và kinh tế Việt Nam càng ngày càng ảm đạm. Song hành với làn sóng doanh nghiệp đóng cửa, khai phá sản là phong trào tự bán mình.
Tại buổi họp báo do tờ Đầu Tư tổ chức hôm 20 Tháng Bảy nhằm giới thiệu diễn đàn M&A, ông Đặng Xuân Minh, tổng giám đốc công ty AVM – một trong những công ty hoạt động trong lĩnh vực M&A, cho biết năm ngoái trị giá các thương vụ M&A tại Việt Nam lên tới $5.8 tỷ, so với năm 2015 tăng khoảng 12%.
M&A là cách gọi tắt Mergers (sáp nhập) và Acquisitions (mua lại). M&A dùng để chỉ hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua việc làm chủ một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó.
Hoạt động M&A vốn dĩ bình thường nhưng những thống kê, nhận định đã được công bố tại buổi họp báo vừa kể cho thấy, M&A tại Việt Nam tăng nhanh và mạnh chưa từng thấy là vì bị thôn tính và do doanh giới gặp đủ thứ khó khăn trong hoạt động và chính sách.
Theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ, thực hiện M&A tại Việt Nam chủ yếu là giới đầu tư từ Nhật, Singapore, Thái Lan và Nam Hàn. Hoạt động M&A xảy ra trong tất cả các lĩnh vực: Bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, bất động sản, tài chính ngân hàng, hóa chất, hàng không, giáo dục, công nghệ,…
Trong tổng số 50 thương vụ M&A của năm 2017, có 28 thương vụ lớn, có quy mô lên tới $2.67 tỷ, chiếm tới 46% giá trị các thương vụ M&A trong năm qua. Quy mô trung bình mỗi thương vụ lớn này được ghi nhận đạt giá trị $95 triệu. Các nhà đầu tư ngoại quốc chiếm đa số áp đảo trong danh sách các thương vụ có giá trị lớn, với 77% tổng giá trị M&A toàn thị trường.
Hai thương vụ M&A lớn nhất thị trường thuộc về Tập Đoàn F&N từ Singapore mua 5.4% cổ phần của Vinamilk và SCCC của Thái Lan mua lại nhà máy xi măng Holcim. Giá trị mỗi thương vụ đều có giá trị từ $500 triệu trở lên.
Ông Phan Đức Hiếu, viện phó Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Việt Nam, thừa nhận ngoài một số doanh nghiệp thực hiện M&A nhằm nâng cao hình ảnh và gia tăng giá trị của mình, không ít trường hợp do thôn tính, hoặc “muốn ngưng kinh doanh vì khó khăn.”
Những cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh giới Việt Nam phát triển của chính phủ Việt Nam không đem lại hiệu ứng nào tích cực.
Báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế-xã hội trong sáu tháng đầu năm nay do Tổng Cục Thống Kê thực hiện và công bố, cho biết, sáu tháng vừa qua, có thêm 37,907 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này có tới 23,530 không muốn hoạt động trở lại chờ giải thể.
Theo báo giới Việt Nam, cho dù chính phủ Việt Nam liên tục cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh giới Việt Nam phát triển nhưng hệ thống công quyền tiếp tục duy trì, thậm chí đặt thêm hàng loạt “điều kiện kinh doanh,” can thiệp rất sâu vào quyền tự do kinh doanh.
Ông Trần Hữu Huỳnh, chủ tịch Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Việt Nam, nói với tờ Lao Động rằng ông tham gia cuộc chiến chống “điều kiện kinh doanh” từ khi tóc còn xanh, nay tóc đã bạc mà vẫn chưa biết bao giờ cuộc chiến này mới tới hồi kết.
Ông Nguyễn Quang Vinh, làm việc tại Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Việt Nam, nhận định hiện tượng doanh nghiệp thi nhau “khai tử” là do quá nhiều “điều kiện kinh doanh” gây khó khăn cho doanh giới, cộng với cách hành xử của cơ quan thực thi chính sách, pháp luật, làm chi phí trở thành quá lớn, doanh giới không thể kham nổi.
Trước những diễn biến như vừa kể, theo báo điện tử VNEconomy, Văn Phòng Chính Phủ đã yêu cầu Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư xem xét, giải quyết và báo cáo trực tiếp cho thủ tướng để giải quyết thực trạng đã kể. Gần như không ai tin những động tác này đem lại hiệu quả mà doanh giới mong đợi.
Bất kể thủ tướng thề sẽ đưa kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng là 6.7% GDP, đúng với “chỉ tiêu” mà Quốc Hội đã đề ra cho năm nay, HSBC – một tập đoàn tài chính đa quốc gia – loan báo họ quyết định thay đổi dự báo về mức độ tăng trưởng kinh tế trong cả năm 2017 của Việt Nam từ 6.4% xuống 6%. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment