PHÚ THỌ, Việt Nam (NV) – Chỉ trong hai ngày, hơn 200 tấn cá lồng tại hai huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy ở tỉnh Phú Thọ chết do nhà máy thủy điện Hòa Bình xả lũ, khiến người dân nuôi cá có nguy cơ vỡ nợ. Còn tại Cà Mau, một số sông ở huyện Đầm Dơi bị ô nhiễm nặng khiến cá chết liên tục.
Theo báo Tuổi Trẻ, chủ lồng Dương Tiến Dũng (khu 5, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) hiện đang nuôi 15 lồng cá cho biết nước sông Đà bắt đầu chảy mạnh và chuyển dần từ màu xanh trong sang đục đỏ từ ngày 18 Tháng Bảy khi đập thủy điện Hòa Bình xả đáy. Ban đầu không sao, nhưng đến sáng 20 Tháng Bảy, các loại cá chiên, ngạnh, lăng, diêu hồng và trắm đen, đặc biệt cá lăng giống, cá ngạnh bắt đầu có hiện tượng bổ nhào, lao như mất phương hướng, há mồm thở rồi chết.
Tại khu vực lồng nhà ông Đặng Văn Luyện (cũng ở khu 5 xã Xuân Lộc) đến 1 giờ sáng 21 Tháng Bảy, các thành viên trong gia đình vẫn tập trung luồn bạt vào lồng và bơm nước sạch để cứu cá. Ông cho biết biện pháp này chỉ là học mót khi đi mua cá giống. Sau khi thử nghiệm cho một lồng cá lăng đuôi đỏ từ sáng 20 Tháng Bảy, thấy tỉ lệ cá chết giảm nên bắt đầu làm cho các lồng khác.
Gia đình ông Nguyễn Minh Thuyết (ở xã Phượng Mao) đang nuôi hai lồng cá lăng đuôi đỏ loại 2 kg (khoảng 2,000 con) cùng nhiêu cá rô phi và diêu hồng cũng bắt đầu chết hàng loạt.
Chiều 21 Tháng Bảy, nói với báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thanh Tùng, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Sản tỉnh Phú Thọ, cho biết tính đến 9 giờ sáng cùng ngày, toàn sông Đà có 444 lồng cá của các gia đình thuộc hai huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy, trong đó có 73 lồng cá bị chết toàn bộ và 36 lồng cá khác chết rải rác, phần lớn là cá da trơn. Riêng các loại cá rô phi, cá chim, diêu hồng… chết ít hơn.
“Đến thời điểm hiện tại, ước tính cá chết khoảng hơn 200 tấn, thiệt hại gần chục tỷ đồng. Theo quan sát của chúng tôi, chiều nay cá chết vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại,” ông nói.
Theo ông Tùng, bước đầu cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cá chết là do nhà máy thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy lũ khiến lượng bùn tăng lên làm cá bị ngạt khí. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Chi Cục Thủy Sản tỉnh đã lấy mẫu gửi xét nghiệm để phân tích nguyên nhân.
Tin cho biết, trong vài ngày tới, Nhà máy thủy điện Hòa Bình vẫn tiếp tục mở cửa xả lũ. Lệnh mở cửa xả đã được thông báo đến các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương và Hải Phòng để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn vùng hạ du. Vì vậy hậu quả của đợt xả lũ này sẽ còn tiếp diễn.
Còn tại Cà Mau, một số sông ở huyện Đầm Dơi bị ô nhiễm nặng khiến liên tục xảy ra tình trạng cá chết bất thường kéo dài.
Ông Thái Hoàng Bo, phó chủ tịch huyện Đầm Dơi, cho biết trong ba ngày từ 17 đến 19 Tháng Bảy, nước các tuyến sông Gành Hào, sông Bảy Háp và sông Mương Điều, thuộc xã Tân Trung, có màu xám đen, bốc mùi hôi thối khiến một số hải sản như tôm, cá ngát, cá đối… nổi đầu chết.
Theo báo Thanh Niên, khi thủy triều cạn thì xuất hiện tình trạng “nước sông có màu xám đen, bốc mùi hôi thối” và mỗi gia đình vớt được khoảng 2-3 kg tôm cá chết. Với việc cá trên sông chết liên tục, người dân không dám lấy nước nuôi tôm. Đây là lần thứ năm xảy ra hiện tượng cá chết, tính từ hồi Tháng Tư đến nay.
Thế nhưng, sau sự việc trên, chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ biết ra công văn chỉ đạo Sở Tài Nguyên-Môi Trường “chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, rà soát tại các khu vực xảy ra hiện tượng cá chết để nắm diễn biến môi trường trong khu vực, nhằm kịp thời xác định nguyên nhân và khẩn trương có biện pháp khắc phục,” mà không cho biết nguyên nhân và biện pháp khắc phục cụ thể.
Trước đó, ngày 24 Tháng Tư, xuất hiện tình trạng cá chết dọc theo tuyến sông Bảy Háp, Mương Điều, Gành Hào, thuộc xã Tân Trung. Đến ngày 5 Tháng Sáu, nước trên các tuyến sông Gành Hào, Mương Điều có mùi hôi thối, nước sông có màu đen xám và xuất hiện cá chết trên những tuyến sông này.
Gần đây nhất là vào ngày 20 Tháng Sáu, tại khu vực sông Bảy Háp, kênh Tám Luông và các tuyến sông, kênh thuộc ấp Trung Cang, ấp Thành Vọng, xã Tân Trung lại xuất hiện cá chết hàng loạt. Khi đó, nước trên các tuyến sông, kênh trên có màu đỏ gạch, đen và mùi rất tanh. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment