Thursday, May 12, 2016

Đối mặt cơn ác mộng "4.000 tên lửa Mỹ", Nga đáp lại thế nào?

Hải Vy | 12/05/2016 19:45
Đối mặt cơn ác mộng "4.000 tên lửa Mỹ", Nga đáp lại thế nào?

Theo chuyên gia Sivkov, về lý thuyết, hạm đội tàu chiến mặt nước của Mỹ có thể mang tổng cộng 4.000 tên lửa hành trình, trong khi các tàu ngầm có thể mang 1.000 tên lửa.

Truyền thông và giới chuyên gia quân sự Nga đã tham gia một cuộc thảo luận về chương trình Tấn công thần tốc toàn cầu (PGS) của Mỹ.
Đây là hệ thống cho phép Washington thực hiện các cuộc không kích phi hạt nhân chính xác nhằm vào bất cứ khu vực nào trên thế giới trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ.
Chuyên gia phân tích quốc phòng Konstantin Sivkov đã trao đổi về phản ứng tất yếu của Nga trước mối đe dọa này.
Cơn ác mộng 4.000 tên lửa hành trình
Mở đầu bài phân tích đăng trên tờ Svobodnaya Pressa, ông Sivkov cho biết, nhìn chung truyền thông và giới chuyên gia đánh giá chương trình PGS của Mỹ mang tính chất nguy hiểm đối với toàn thế giới, một khi được triển khai.
Theo vị tiến sĩ khoa học quân sự, chương trình PGS là ý tưởng chế tạo một hệ thống tác chiến hoàn thiện. Ngoài vũ khí tấn công, nó còn cần có các hệ thống phụ trợ, như trạm thông tin liên lạc, chỉ huy, giám sát và trinh sát, cũng như các hệ thống gây nhiễu.
Đối mặt cơn ác mộng 4.000 tên lửa Mỹ, Nga đáp lại thế nào? - Ảnh 1.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio phóng tên lửa đạn đạo Trident II D-5. Ảnh: Gizmodo
Tên lửa đạn đạo hiện là ứng viên tiềm năng nhất có thể đáp ứng các yêu cầu do chương trình PGS đề ra.
Chúng cho phép tấn công mục tiêu với độ chính xác cao (sai số vòng tròn (CEP) từ 100-150m), thời gian triển khai phóng ngắn (chưa đầy 30-40 phút), có thể bắn nhiều loại đầu đạn khác nhau. Tốc độ cao của đầu đạn cho phép chúng phá hủy cả các mục tiêu chôn giấu sâu dưới lòng đất.
Tuy nhiên, có nhiều vấn đề khiến khó có thể sử dụng tên lửa đạn đạo thông thường.
Đầu tiên, hệ thống giám sát của Nga (và của Trung Quốc trong tương lai gần) có thể phân loại các đợt phóng theo nhóm của những tên lửa này (để đảm bảo tiêu diệt 1 mục tiêu đơn lẻ, cần ít nhất 2-3 tên lửa) thành một cuộc tấn công hạt nhân, từ đó phát động trả đũa bằng hạt nhân.
Thứ hai, hiệp ước START giới hạn số lượng tên lửa đạn đạo được triển khai, không phân biệt đó là tên lửa hạt nhân hay thông thường. Nói cách khác, nếu muốn triển khai tên lửa đạn đạo phi hạt nhân trên bộ và trên biển thì sẽ phải giảm số lượng tương ứng các tên lửa hạt nhân.
Vì thế, một thành phần quan trọng khác trong sáng kiến PGS là Boeing X-51A - tên lửa siêu vượt âm với tốc độ từ 6.500 - 7.500 km/h.
Song, các cuộc thử nghiệm hệ thống này vẫn chưa mang lại kết quả như kỳ vọng. Mặc dù chương trình X-51A không bị đình lại nhưng trước mắt nó chưa thể triển khai và phải một thời gian dài nữa mới có đủ số lượng để đi vào phục vụ.
Vì vậy, về cơ bản, quân đội Mỹ sẽ không nhận được các hệ thống vũ khí mới mang lại hiệu quả hoạt động đáng kể cho PGS trong trung hạn, thậm chí là dài hạn.
Đối mặt cơn ác mộng 4.000 tên lửa Mỹ, Nga đáp lại thế nào? - Ảnh 2.
Đồ họa vũ khí siêu vượt âm X-51A. Ảnh: Wiki
Sivkov cho rằng trong trung hạn, Mỹ có thể phụ thuộc phần lớn vào các tên lửa hành trình phóng từ trên biển và trên không, chẳng hạn như Tomahawk và lực lượng không quân chiến thuật - chiến lược trên tàu sân bay.
Các tên lửa phóng từ tàu chiến (SLCM) của Hải quân Mỹ hiện nay có tầm bắn lên tới 1.600km, mang đầu đạn nặng 340-450kg, có độ chính xác cao với sai số từ 5-10m.
Tất cả các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm hiện đại của Hải quân Mỹ đều có thể phóng những tên lửa này.
Mỗi tàu trong tổng số 23 tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles có thể mang theo 12 SLCM.
Số lượng tên lửa tương tự có thể được phóng đi từ các tàu lớp Seawolf (3 tàu) và lớp Virginia (9 tàu).
Ngoài ra, theo chương trình sửa đổi tàu ngầm lớp Ohio để trang bị tên lửa Tomahawk, mỗi tàu (trong tổng số 4 tàu) dự kiến mang được tới 154 SLCM. Tuy nhiên, chương trình này đã bị đình lại.
Đối mặt cơn ác mộng 4.000 tên lửa Mỹ, Nga đáp lại thế nào? - Ảnh 3.
Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk. Ảnh: Wiki
61 tàu khu trục lớp Arleigh Burke và 22 tàu tuần dương lớp Ticonderoga được trang bị các hệ thống phóng thẳng đứng, trong đó lớp Arleigh Burke có 96 ống phóng Mark 41 và lớp Ticonderoga có 122 ống phóng.
Theo Sivkov, về lý thuyết, hạm đội tàu chiến mặt nước của Mỹ có thể mang tổng cộng 4.000 tên lửa hành trình và các tàu ngầm có thể mang 1.000 tên lửa.
Thực tế thì sao?
Tuy nhiên, thực tế mà nói, do Mỹ còn có nhu cầu sử dụng một phần hạm đội tàu mặt nước, tàu ngầm cho các mục đích khác và xét tới khả năng sẵn sàng hoạt động của chúng thì Hải quân Mỹ chỉ có thể triển khai không quá 2.500 - 3.000 SLCM tại bất cứ thời điểm nào.
Ngoài Hải quân, các máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Mỹ cũng được trang bị tên lửa hành trình tầm xa.
Hiện nay, Không quân Mỹ có khoảng 130 máy bay ném bom chiến lược, có khả năng triển khai tổng cộng 1.200 tên lửa hành trình phóng từ trên không (ALCM). Vì vậy, tổng số tên lửa hành trình mà Không quân và Hải quân Mỹ có thể phóng là 3.700 - 4.200 tên lửa.
Ngoài tên lửa, Washington có khoảng 2.500 - 3.000 tiêm kích hạm có thể tấn công mục tiêu cách xa tới 600km từ biên giới Mỹ. Chúng có thể được huy động để thực hiện tấn công phủ đầu.
Đối mặt cơn ác mộng 4.000 tên lửa Mỹ, Nga đáp lại thế nào? - Ảnh 4.
2 tiêm kích hạm F/A-18E Super Hornet cất cánh từ tàu sân bay Mỹ. Ảnh: Defense News
Sivkov đánh giá, đây là lực lượng ấn tượng và nếu đối phương không có phương án đối phó hiệu quả, chúng có thể phá hủy tới 1.000 cơ sở quan trọng trong cuộc tấn công phủ đầu.
Thế nhưng, vì một số lý do, khả năng này không thực sự phù hợp với chương trình PGS.
Thứ nhất, trên thực tế, cuộc tấn công như vậy không thể diễn ra "chớp nhoáng", bởi thời gian chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn khá dài - 2 tháng hoặc hơn.
Trong lúc này, Mỹ sẽ cần triển khai lực lượng hải quân và không quân chiến lược tại vùng tác chiến để có các phương án dự phòng cần thiết và do thám các mục tiêu để tấn công.
Nói cách khác, đây sẽ không còn là hình thái tấn công từ trên không như ý tưởng của PGS, mà là một cuộc tấn công bằng tên lửa thông thường.
Thứ hai, nếu thực sự cuộc tấn công như vậy có thể tàn phá nặng nề các nước nhỏ (hoặc thậm chí là các nước trung bình) thì nó vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn cơ may chống trả của họ.
Nếu cuộc chiến tiếp diễn, Mỹ, bằng cách nào đó, sẽ phải chuyển sang sử dụng các phương thức tác chiến truyền thống.
Như vậy, cuộc tấn công này sẽ chỉ có ý nghĩa nếu nó nằm trong một chiến dịch quân sự quy mô tương đối lớn, kết hợp với các binh chủng khác của quân đội Mỹ.
Một lần nữa, điều này cho thấy đó không phải là hình thức tấn công "chớp nhoáng" hay "toàn cầu" mà là một đợt tấn công thông thường trong làn sóng tấn công đầu tiên.
Mối đe dọa với Nga?
Sivkov đề cập tới mối đe dọa nghiêm trọng mà hình thái tấn công của Mỹ có thể mang lại cho các lực lượng hạt nhân Nga. Mức độ tàn phá của nó sẽ cho phép Mỹ đe dọa hạt nhân không chỉ với Nga, mà còn với các nước còn lại trên thế giới.
Chính ở điểm này mà người ta thấy được tính chất nguy hiểm trong sáng kiến PGS của Mỹ.
Trên thực tế, theo vị chuyên gia, nếu Nga ở thế bị động và không có phương thức đáp trả đầy đủ trước đối thủ, có khả năng 80-90% kho vũ khí hạt nhân Nga bị phá hủy.
Song, xét theo tình hình thực tế, rõ ràng để tiến hành được một cuộc tấn công như vậy chống lại Nga là vô cùng khó.
Thứ nhất, Mỹ có lẽ chỉ phát động tấn công Nga trong trường hợp mối quan hệ giữa 2 nước trở nên vô cùng nghiêm trọng, sẵn sàng xung đột công khai.
Vì vậy, nếu 2 phía vẫn có khả năng đạt thỏa hiệp thì Mỹ chắn hẳn sẽ không mong muốn mạo hiểm.
Thứ hai, trước mỗi đợt tấn công như vậy là thời gian dài chuẩn bị, quãng thời gian này đủ lâu để đối phương phản công. Trong trường hợp ấy, mức độ thành công của chiến dịch sẽ là một dấu hỏi lớn.
Thứ ba, đợt tấn công như thế này sẽ kéo dài vài giờ đồng hồ (theo tính toán của máy tính là từ 4-6 tiếng).
Điều đó đồng nghĩa, sau 20-30 phút đầu tiên, giới lãnh đạo Nga đã xác định được quy mô của cuộc tấn công (ngay cả khi đối phương gây bất ngờ) và sau đó có thể quyết định tấn công trả đũa khi phần lớn lực lượng hạt nhân vẫn còn đầy đủ.
Như thế, cuộc tấn công của Mỹ đồng nghĩa với việc kích động một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa.
Đối mặt cơn ác mộng 4.000 tên lửa Mỹ, Nga đáp lại thế nào? - Ảnh 5.
Tàu ngầm Mỹ phóng tên lửa đạn đạo Trident II D-5
Song, Sivkov cảnh báo rằng, tình hình sẽ trở nên hoàn toàn khác nếu các cuộc tấn công chỉ nhằm vào một số cơ sở quan trọng để đạt được mục tiêu nhất định với số lượng vũ khí khá hạn chế.
Trường hợp này không cần thời gian chuẩn bị dài. Lực lượng sẵn sàng tác chiến có thể ngay lập tức triển khai tấn công sau khi nhận lệnh.
Cuộc tấn công đó có thể diễn ra bất ngờ, không chỉ về mặt chiến dịch hay chiến lược mà còn về chiến thuật, bởi tên lửa hành trình, với số lượng hạn chế, có thể bay tới mục tiêu ở độ cao thấp, hoặc cực thấp, nằm ngoài khả năng phát hiện của các hệ thống giám sát trên bộ.
Tuy nhiên, một lần nữa, "tốc độ, yếu tố bất ngờ và tính chất "toàn cầu" của cuộc tấn công (kéo dài 60 phút theo ý tưởng PGS) chỉ có thể đạt được nếu các nhóm hải quân và không quân Mỹ hiện diện trong khu vực.
Với lực lượng hạn chế - như vài chục tên lửa hành trình, lực lượng Mỹ chỉ có thể làm hư hại/phá hủy 1-2 cơ sở cỡ trung bình/lớn hoặc 2-3 mục tiêu quân sự hoặc chính trị; 1-2 trại huấn luyện quân sự, hoặc 1-2 trung tâm nghiên cứu.
Nói cách khác, Sivkov cho rằng hiện nay và trong trung hạn, sáng kiến PGS sẽ chỉ đủ khả năng đánh bại một số mối đe dọa nhất định, như loại bỏ một lãnh đạo chính trị, tiêu diệt thủ lĩnh tổ chức khủng bố.
Nó cũng có thể khiến các quốc gia khác không thể thực hiện những chương trình mang lại mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.
"Với tình hình hiện tại và triển vọng trong trung hạn, chương trình PGS sẽ chỉ có tác dụng giải quyết một số vấn đề nhất định, nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ những quốc gia không đủ khả năng đáp trả hoặc không có nước thứ 3 đủ sức mạnh hậu thuẫn" - ông Sivkov kết luận.
Theo Trí Thức Trẻ

No comments:

Post a Comment