Monday, April 25, 2016

Đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ 2016 có khả quan?

Khó mà hình dung được một kết quả rõ rệt từ cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ, được tổ chức tại Washington vào ngày 25/4/2016, bất chấp việc ngay trước đối thoại này, Phó Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã nêu một số yêu cầu về nhân quyền trong chuyến công du Việt Nam của ông để chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Obama đến đất nước này vào cuối tháng 5/2016.

Ông Tom Malinowski: “Việt Nam không thể cứ thả một chục người này nhưng lại bắt một chục người khác để thay vào”.

Trong vài năm qua, có những dấu hiệu cho thấy chính thể Việt Nam đã “lờn thuốc”. 
Vào giữa năm 2015, Trưởng đoàn đối thoại nhân quyền của Hoa Kỳ là ông Tom Malinowski – trợ lý ngoại trưởng về dân chủ, nhân quyền và lao động, đã phải bực tức thốt lên: “Việt Nam không thể cứ thả một chục người này nhưng lại bắt một chục người khác để thay vào”.
Điểm khả quan trong chuyến đi Việt Nam lần này của Antony Blinken là bớt lặng lẽ hơn thời điểm ông đến Việt Nam vào giữa năm 2015 - liên quan đến chuyến đi của Tổng bí thư thư Trọng đến Washington.
Ngày 21/4/2016, phát biểu tại Đại Học Quốc Gia ở Hà Nội, Phó Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã kêu gọi chính quyền Việt Nam tôn trọng các quyền con người như đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Đáng chú ý là tất cả các lĩnh vực nhân quyền được nêu ra trong diễn văn của ông Blinken đều tương ứng với các yêu cầu trong văn thư của các dân biểu gởi Tổng thống Obama. Ông Blinken đã yêu cầu chính quyền Việt Nam:
-  Trả tự do vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị, tôn giáo và lương tâm
-  Ngưng ngay các hành động sách nhiễu, bắt bớ và truy tố các nhà hoạt động dân chủ và các bloggers
-  Tôn trọng quyền tự do phát biểu và tiếp cận internet
-  Cải tổ luật cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền
-  Điều tra những hành vi vi phạm nhân quyền của công dân bởi giới chức thẩm quyền
-  Tôn trọng quyền thành lập nghiệp đoàn tự do và độc lập của người lao động
-  Thông qua luật tín ngưỡng và tôn giáo phù hợp tiêu chuẩn quốc tế về tự do tôn giáo hay niềm tin
Việc chính quyền Việt Nam chấp nhận cho Bộ ngoại giao Hoa Kỳ nêu công khai những yêu cầu về nhân quyền ngay tại Hà Nội có thể được xem là một thắng lợi nhỏ của áp lực quốc tế về nhân quyền. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều hành vi trấn áp, đàn áp nhân quyền vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
Ngay trong chuyến thị sát của đại sứ lưu động về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ vào đầu tháng 4/2016, nhiều tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở An Giang đã bị công an hành hung dữ dội. Ngay sau đó, giáo xứ Hướng Phương ở Quảng Bình bị công an ném lựu đạn cay khiến một số giáo dân bị thương. Tín đồ Tin lành ở những khu vực khác như Gai Lai, Bình Định cũng bị đàn áp. Một số hội đoàn xã hội dân sự độc lập vẫn bị ngăn cản hoạt động…
Áp lực nhân quyền chỉ có thể đạt hiệu quả khi “đánh” trúng những điểm yếu của chế độ vi phạm. Hiện nay, 2 khó khăn lớn nhất mà chính thể Việt Nam phải mau chóng tìm cách xử lý là áp lực gây hấn có thể dẫn đế  nguy cơ chiến tranh từ Trung Cộng, và cơn bĩ cực ngân sách lẫn suy thoái kinh tế.
Nếu khó khăn thứ nhất đang phụ thuộc vào một sự hứa hẹn của Mỹ về “đồng minh quân sự”, thì khó khăn thứ hai tùy thuộc vào túi tiền của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế.
04/24/2016 - 18:13
Lê Dung / SBTN 

No comments:

Post a Comment