Saturday, July 26, 2014

Thảm họa MH17 và thế khó xử của Putin

UKRAINE - Tai nạn  máy bay Malaysia Airlines trên không phận miền Đông Ukraine làm thiệt mạng 298 người là sự kiện liên quan đến cuộc nôi chiến ở đây. Tuy nhiên hãy còn nhiều sự kiện chưa được hiểu rõ và chưa thể biết sẽ đến  kết cục như thế nào trên  bình diện pháp lý cũng như chính trị.



Hỏa tiễn phòng không “Buk” (SAM-11) đặt trên xe di động. (Hình: Wikipedia)

Một số nhận định vội vàng và bình luận thiếu khách quan quy hết trách nhiệm cho Liên Bang Nga và Tổng Thống Vladimir Putin. Điều ấy  một phần vì ám ảnh từ những định kiến xấu với quốc gia đã từng là nguồn gốc bành trướng chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới dù rằng cho đến nay đã tàn lụi nhưng hãy còn lưu lại nhiều hậu quả.

Ở đây, chúng ta kiểm điểm lại ba nội dung chính của sự việc, căn cứ trên những sự kiện và gạt bỏ các lý luận hay thủ đoạn tuyên truyền.

Thứ nhất, vì sao xảy ra tai nạn MH17?

Thứ hai, những ai phải chịu trách nhiệm?

Thứ ba, có thể có biện pháp trừng phạt hay bồi thường thế nào?.

Chiếc máy bay Boeing 777-200ER từ Amsteram, Hòa Lan, đi Kuala Lumpur, Malaysia, mất liên lạc lúc 14.15 GMT (4.15 pm giờ địa phương) trên không phận Donetz miền đông Ukraine, khu vực do phe ly khai thân Nga kiểm soát, và rớt cách biên giới khoảng 40 dặm, Chiếc máy bay này lâm nạn ngày 17 tháng 7, 2014 nghĩa là đúng 17 năm kể từ khi bay chuyến đầu tiên, ngày 17 tháng 7, 1997 sau khi đã hoạt động được 75,322 giờ bay.

Vào thời điểm chuyến bay MH 17 lâm nạn, hai máy bay hàng không dân sự khác cũng ở trên khu vực này. Một chiếc Boeing 777-200ER của Singapore Airlines, chuyến bay SQ 351 và một chiếc Boeing 786-8 của Air India, chuyến bay AI 113.

Chỉ mấy phút sau khi tai nạn xảy ra Ukraine loan báo máy bay bị bắn hạ bởi một hỏa tiên địa – không của loạn quân đang kiểm soát khu vực này nhưng không cho biết nguồn gốc của tin tức này.

Buổi chiều hôm ấy, trang mạng lifenews.ru ở Nga đưa tin “một máy bay vận tải quân sự An-26 cùa không quân Ukraine bị hỏa tiễn bắn rơi”. Các thông tấn xã Nga ITAR-Tass và RIA Novosti dưa theo đó loan tin một máy bay An-26 của Ukraine bị bắn hạ vào khoảng 4 giờ chiều. Thời điểm ấy chiếc Boeing 777-200ER của Malaysia  là máy bay duy nhất bị bắn rớt.

Dư luận chung cho đến nay tin rằng máy bay Malaysia bị hạ bởi hỏa tiễn phòng không, nhưng có nhiều tranh luận về ai là thủ phạm. Ngay hôm sau tai nạn, Tổng Thống Obama nói là máy bay bị một hỏa tiễn bắn hạ, và mấy ngày sau ông cho rằng loạn quận thân Nga ở Ukraine đã bắn rớt chiếc máy bay do sự lầm lẫn.

Loạn quân ở khu vực họ kiểm soát và tự xưng danh là “Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk” phủ nhận các cáo buộc, nói rằng loại hỏa tiễn mang vai cá nhân của họ không thể bắn tới một máy bay ở độ cao 33,000 feet. Để xác minh sự vô can, loạn quân đã trao hai chiếc hộp đen còn nguyên vẹn tìm thấy ở nơi máy bay rớt cho Malaysia. Hôm 24 tháng 7, các chuyên viên Hòa Lan đã download các dữ kiện ở hộp đen và xác nhận là tất cả đều nguyên vẹn không bị hư hại hay làm sai lệch gì. Như vậy sự nghiên cứu các dữ kiện từ hộp đen sau này có thể cho phép tìm ra được nhiều bí ẩn.

Trái lại, Vitaly Nayda, trưởng cơ quan phản tình báo của Ukraine xác định rằng “Chúng tôi có đủ bằng cớ là hành động bắn rớt máy bay có sự can dự của Nga. Chúng tôi biết rõ các công dân Nga điều khiển việc phóng hỏa tiễn.” Tuy nhiên, một giới chức tình báo Hoa Kỳ, yêu cầu không nêu danh tánh, nói  “không có bằng cớ về liên hệ trực tiếp của Nga.” Ông cho biết không có chuyên viên quân sự Nga ở nơi nghi ngờ là hỏa tiễn đã được phóng lên và cũng chưa rõ Nga có giao cho loạn quân loại hỏa tiễn SA-11 hay không.

Loại hỏa tiễn địa không “Buk,” mà NATO gọi tên là SA-11 “Gadfly,” quân đội Nga và Ukraine đều có. Đây là một hệ thống vũ khí phòng không di động, đặt trên xe bánh xích, có radar điều khiển để lựa chọn mục tiêu.

Trong cuộc họp báo hôm 21 tháng Bảy, bộ quốc phòng Nga nêu ra hai sự kiện đổ lỗi cho Ukraine. Thứ nhất, một máy bay Su-25 của Ukraine đã bay đến gần chiếc máy bay Malaysia trong vòng từ 2 đến 3 dặm. Thứ hai, có những hình ảnh chứng minh quân đội Ukraine đã đưa một giàn hỏa tiễn Buk đến gần khu vực của loạn quân vào buổi sáng ngày 17 tháng Bảy. Hàm ý của Nga là chính Ukraine là thủ phạm trong thảm họa MH17.

Một ủy ban điều tra quốc tế do Hòa Lan cầm đầu sẽ tìm hiểu nguyên nhân máy bay rớt và có thể biết được thủ phạm là ai. Ủy ban gồm 24 thành viên Ukraine, Malaysia, Australia, Đức, Anh, Hoa Kỳ và Nga.

Mặc dù chưa có một kết luận rõ ràng, Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Phương quy trách nhiệm thảm kịch máy bay Malaysia cho Nga. Lý do Nga đã ngấm ngầm trợ giúp cho những phần tử thân Nga, cụ thể là dân Nga, ở các tỉnh miền Đông Ukraine, nổi dậy đòi tự trị và ly khai khỏi Ukraine. Đây là một sự kiện phức tạp có nhiều nguyên nhân từ lịch sử, dân tộc, chính trị, an ninh, kinh tế, và chúng tôi sẽ trình bày chi tiết trong những bài khác sau này.

Nhưng từ tháng 2 năm nay, vụ khủng hoảng chính trị xảy ra ở Ukraine đã đưa đến sự đối đầu gay gắt giữa Nga với các nước Tây Phương và gây nên cuộc nội chiến ở các tỉnh có đông dân  gốc Nga.

Những biện pháp trừng phạt của Tây Phương được gia tăng dần dần nhưng người ta không tin là sẽ có thể có hiệu quả nhiều. Một mặt Tổng Thống Nga Vladimir Putin ở vào hoàn cảnh khó có thể lùi bước và nhượng bộ. Chính sách đối nội cũng như đối ngoại của ông Putin có nhiều điểm không thể chấp nhận theo quan niệm của thế giới, nhưng khó có nhà  lãnh đạo quốc gia nào ngày nay có được mức ủng hộ của quần chúng tới 80% như ông. Vì vậy ông sẽ không thể dễ dàng bỏ rơi những phần tử đang chiến đấu đòi ly khai ở Ukraine như đòi hỏi của Tây Phương.

Trong khi đó cũng không có sự đồng thuận của các quốc gia Tây Phương trong những biện pháp trừng phạt có thể đưa ra với Nga. Sau vụ máy bay Malaysia, các nước Hoa Kỳ, Anh, Australia  muốn gia tăng sự trừng phạt, nhưng nhiều quốc gia Âu Châu khác không tán đồng vì mỗi nước có mức độ tương quan về lợi ích khác nhau với Nga. Pháp đang thi hành hợp đồng đóng hai chiến hạm đổ bộ trực thăng cho Nga,  ngay cả Hòa Lan có 193 công dân là nạn nhân trên chuyến bay MH-17 nhưng nước này có quá nhiều quan hệ và lợi ích về năng lượng với Nga.

Ngày Thứ Ba, sau khi đồng thuận trên nguyên tắc là cần phải thi hành những biện pháp mới để áp lực Nga chấm dứt can thiệp vào Ukraine, cuối cùng hôm Thứ Sáu 25 tháng 6, Liên Âu cũng chỉ đồng ý trừng phạt thêm 15 cá nhân và 18 cơ chế, nâng tổng số cho đến nay lên 87 cá nhân và 20 cơ chế. Biện pháp trừng phạt bao gồm  không cấp visa nhập cảnh  và phong tỏa tài sản. Nhiều nước trong Liên Âu lo ngại những biện pháp mạnh hơn có thể dẫn tới sự trả thù của Nga với những nước lệ thuộc vào nguồn cung cấp năng  lượng và sẽ tác động tai hại cho nền kinh tế toàn Âu Châu.

Một lần nữa, thực tế chứng minh rằng  lý lẽ trong tất cả mọi sự việc dù hữu lý đến đâu cũng không thể vượt lên trên lợi ích căn bản của một quốc gia và dân tộc. (HC)
07-25-2014 7:05:30 PM
HÀ TƯỜNG CÁT / Người Việt (Tổng Hợp)

No comments:

Post a Comment