Tuesday, December 5, 2023

Cần có luật về đảng chính trị

 Hồng Dân   

(VNTB) – Phải xây dựng luật về đảng chính trị nhằm tránh chuyện vừa đá bóng, vừa thổi còi theo “nhiệm kỳ”   

Quyền lực chính trị và quyền lực hành chính 

Nguyên tắc số 01 là Đảng lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Nguyên tắc số 02 là người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm.

 Nhưng thực tế là không ít người vừa giữ chức vụ trong Đảng lại đồng thời giữ chức vụ trong Nhà nước, Quốc hội hoặc Chính phủ. 

Có một điều bất cập xảy ra là những chức vụ của những người này ở trong các tổ chức đó lại khác nhau. Chẳng hạn ở Chính phủ thì Thủ tướng là lãnh đạo cao nhất nhưng thành viên của Chính phủ lại có nhiều người là Ủy viên Bộ Chính trị, tức về chức vụ Đảng là ngang bằng với Thủ tướng. 

Hoặc Phó Thủ tướng là lãnh đạo khi chỉ đạo công tác đối với các Bộ trưởng về công việc của Chính phủ, nhưng Phó Thủ tướng không phải là Ủy viên Bộ Chính trị, thì lại là cấp dưới ở bên Đảng đối với các Bộ trưởng đang đồng thời là Ủy viên Bộ Chính trị. Như vậy thì ai lãnh đạo ai?… Ở các cấp địa phương, tình trạng cũng giống vậy. 

Hiện thực tóm tắt trên cho thấy nguyên tắc Đảng lãnh đạo đang mâu thuẫn với nguyên tắc “Trách nhiệm của người đứng đầu” dẫn đến tình trạng không xác định được trách nhiệm cá nhân. Đảng cần sớm sửa đổi, thế nhưng sửa đổi bằng cách nào?

 “Đảng lãnh đạo” và “Đảng cầm quyền” theo luật… thời chiến?

 Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, nhưng vấn đề “Đảng lãnh đạo”, “Đảng cầm quyền” vẫn là những khái niệm, chủ đề lớn có những cách kiến giải khác biệt nhau. Thậm chí, khái niệm Đảng cầm quyền và Đảng lãnh đạo lâu nay thường được mặc định dùng thay thế cho nhau, dẫn đến việc không thể tách bạch phân biệt được sự khác nhau giữa nội dung, phương thức và năng lực cầm quyền với nội dung, phương thức và năng lực lãnh đạo. 

Mặc dù đã thừa nhận ở nhiều văn kiện đảng: “nhiều nơi cấp ủy đảng lấn sân, bao biện làm thay chính quyền”, hay “không ít cấp ủy buông lỏng vai trò lãnh đạo chính quyền”, nhưng rất khó chỉ ra cấp ủy nào “lấn sân” hay “buông lỏng”. 

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: “Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền là hai khái niệm cơ bản giống nhau, có nội hàm đồng nhất, trong điều kiện Đảng có chính quyền có thể dùng lẫn cho nhau”. Loại ý kiến này dựa trên cơ sở: các khái niệm “Đảng lãnh đạo” và “Đảng cầm quyền” đều nói về chủ thể là Đảng, đối tượng lãnh đạo là toàn xã hội. 

Khi giành được chính quyền, đối tượng lãnh đạo của Đảng vẫn là xã hội, nhưng quan trọng và chủ yếu là Nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng chủ yếu thông qua chính quyền, nên vẫn gọi là “Đảng lãnh đạo”, không nhất thiết phải chuyển gọi là “Đảng cầm quyền”, nếu có dùng khái niệm “Đảng cầm quyền” thì cũng không thể bỏ được khái niệm “Đảng lãnh đạo”. Dùng “Đảng cầm quyền” chỉ là để xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Đảng trong thời kỳ này trước nhân dân, đất nước, dân tộc. Theo đó, không nên đặt ra vấn đề nội dung cầm quyền và phương thức cầm quyền như thế nào. 

Tuy vậy, loại ý kiến này cũng thừa nhận “Đảng cầm quyền” và “Đảng lãnh đạo” vẫn có hai sự khác biệt nhỏ: một là, khái niệm “Đảng lãnh đạo” là nói chung cho cả thời kỳ Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền và thời kỳ nhân dân đã giành được chính quyền, Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

 Còn khái niệm “Đảng cầm quyền” chỉ nói về hoạt động lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đã có chính quyền; hai là, khái niệm “Đảng cầm quyền” nhấn mạnh, trong hoạt động lãnh đạo nói chung đối với các tổ chức của hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội khác, hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là chủ yếu. Theo quan niệm này, khái niệm “Đảng cầm quyền” cốt để nhấn mạnh đặc điểm và trọng tâm lãnh đạo của Đảng khi đã có chính quyền.

 Độc quyền chính trị tất sẽ độc quyền nhà nước? 

Loại ý kiến thứ hai cho rằng: “Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền là hai khái niệm khác nhau”, không thể dùng khái niệm “Đảng cầm quyền” thay thế khái niệm “Đảng lãnh đạo”. Về ngữ pháp, “Đảng cầm quyền” chỉ là một cụm từ, trong đó “Đảng” là danh từ, “cầm quyền” là tính từ giải thích cho danh từ “Đảng”; không nên hiểu “cầm”, “nắm” là động từ. 

Còn khái niệm “Đảng lãnh đạo” thì khác. “Đảng lãnh đạo” là một câu đầy đủ, trong đó “Đảng” là danh từ (chủ ngữ) và “lãnh đạo” là động từ (vị ngữ) và đương nhiên, đối tượng lãnh đạo là xã hội nói chung (thường là khi chưa giành được chính quyền) hay Nhà nước và xã hội (khi có chính quyền). 

Khái niệm “Đảng lãnh đạo” cũng không giới hạn ở việc Đảng chỉ lãnh đạo Nhà nước, mà Đảng lãnh đạo đối với tất cả các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và toàn xã hội. 

Đảng là tổ chức lãnh đạo chứ không phải là cơ quan quản lý; Đảng không có quyền lực nhà nước; Đảng không làm thay công việc quản lý của cơ quan nhà nước; Đảng chỉ thực hiện việc quản lý tổ chức đảng và đảng viên trong nội bộ Đảng theo Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng. 

Lại có ý kiến, trong sự khác nhau giữa “Đảng lãnh đạo” và khái niệm “Đảng cầm quyền”, theo đó “Đảng cầm quyền” là một khái niệm gắn với quyền lực nhà nước, còn “Đảng lãnh đạo là một khái niệm không gắn với quyền lực”. Ý kiến này thừa nhận: “Đảng cầm quyền” có những nội dung liên quan mật thiết đến “Đảng lãnh đạo”, nhưng có những nội dung khác với “Đảng lãnh đạo”. 

“Đảng lãnh đạo” là chỉ sự tác động, ảnh hưởng của Đảng bằng việc xác định được Cương lĩnh, đường lối, mục tiêu chính trị đúng đắn, đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng cơ bản của đông đảo quần chúng nhân dân; các tổ chức đảng và đảng viên trở thành lực lượng tiên phong vận động, lãnh đạo quần chúng nhân dân thực hiện.

 “Đảng lãnh đạo” không phải dựa vào quyền lực (hiểu theo nghĩa cưỡng bức, ép buộc) trong quá trình tác động đến đối tượng lãnh đạo là quần chúng nhân dân; mà vận động quần chúng nhân dân ủng hộ, đi theo Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng nhân dân là sự vận động mang tính thuyết phục để nhân dân đi theo, ủng hộ, thực hiện Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng. 

“Đảng lãnh đạo” được hiểu như sự suy tôn của quần chúng nhân dân, thừa nhận Đảng là lực lượng lãnh đạo của mình. Vì thế, Đảng phải có năng lực thực tiễn tập hợp, tổ chức quần chúng bằng những hình thức thích hợp để tạo nên sức mạnh thực hiện đường lối của Đảng. … 

Như vậy với sơ lược vài cách lập luận của chính cơ quan Tuyên giáo Đảng ở mô tả trên cho thấy để có thể giải quyết căn cơ được những mâu thuẫn về quyền lực, cần thiết phải xây dựng bằng được luật về đảng chính trị, tránh chuyện vừa đá bóng, vừa thổi còi theo “nhiệm kỳ”.


 https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-can-co-luat-ve-dang-chinh-tri/ .

No comments:

Post a Comment