Wednesday, January 6, 2021

‘Biến’ hơn 3 tấn bánh quy ‘hết date’ cả năm thành hàng mới bán Tết

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hơn ba tấn bánh quy đã quá hạn sử dụng cả năm nhưng vẫn được một chủ doanh nghiệp ở huyện Hoài Đức, “biến” thành hàng mới sản xuất đem bán sỉ cho các đầu mối để cung ứng cho người dân mua dùng vào dịp Tết Nguyên Đán.

Ngày 5 Tháng Giêng, Cục Quản Lý Thị Trường Hà Nội đã phối hợp với Công An huyện Hoài Đức, Hà Nội, kiểm tra công ty Chế Biến Nông Sản Minh Quang, do ông Lê Văn Hướng (ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức) làm giám đốc, và bắt quả tang kho hàng của công ty chứa hơn ba tấn bánh quy yến mạch hiệu Torku của Thổ Nhĩ Kỳ, đã hết hạn sử dụng gần một năm đang được công nhân sửa lại thời hạn sử dụng, lừa người tiêu thụ.

Kho hàng công ty Chế Biến Nông Sản Minh Quang chứa nhiều loại bánh kẹo đã hết hạn sử dụng. (Hình: Bảo Khánh/Infonet)

Nói với báo Infonet, ông Nguyễn Huy Cường, đội trưởng Đội Quản Lý Thị Trường số 24, cho biết hầu hết các loại bánh, kẹo tại đây là hàng ngoại quốc được sản xuất từ năm 2018 và có hạn sử dụng đến Tháng Hai, 2020, đã được công ty cho vứt bỏ vỏ hộp cũ nguyên gốc chuyển sang bao bì mới do chính công ty in ấn, với thời hạn sử dụng kéo dài thêm cả năm.

Theo lời khai của ông Lương, do số lượng bánh từ các năm trước chưa bán hết nên đã ra lệnh cho công nhân thay đổi hạn sử dụng để bán ra thị trường Tết Nguyên Đán sắp tới, nhằm gỡ lại vốn.

Tổng Cục Quản Lý Thị Trường cho biết trên các trang web điện tử hiện nay, giá bán một gói bánh quy yến mạch Torku khoảng từ 55,000 đến 60,000 đồng (hơn $2)/gói. Với hơn ba tấn hàng, chủ doanh nghiệp thu số tiền bất chính không ít.

Sau khi lập biên bản vi phạm, toàn bộ số hàng trên được Quản Lý Thị Trường mang đi tiêu hủy.

Liên quan đến thưc phẩm kém phẩm chất, xác nhận với báo VTC News ngày 6 Tháng Giêng, Thượng Tá Vũ Văn Hưởng, trưởng Phòng Cảnh Sát Kinh Tế Công An tỉnh Hải Dương, cho biết đã khởi tố vụ “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” của công ty Sản Xuất và Thương Mại Quốc Tế CIO (công ty CIO), có trụ sở ở phường Nhị Châu, thành phố Hải Dương, do ông Nguyễn Huy Dương (32 tuổi, ở phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương) làm giám đốc.

Bánh quy đã bị biến chất nhưng vẫn được dập lại hạn sử dụng để bán cho người tiêu dùng. (Hình: Định Nguyễn/Kiến Thức)

Trước đó, Công An tỉnh Hải Dương nhận được phản ánh của người dân cho biết các mặt hàng thực phẩm do công ty CIO sản xuất bán ra thị trường như: ACC milk, Linh Chi Sữa Ong Chúa Nhung Hươu, Hilac Baby, Sure Milk, Hồng Sâm Canxi Colostrum, Tảo Soắn… đều không bảo đảm phẩm chất như đã ghi danh.

Qua kết quả giám định của Viện Khoa Học Hình Sự Bộ Công An cho thấy nhiều chỉ số trong các sản phẩm trên chỉ đạt yêu cầu từ 10% đến15% phẩm chất, thậm chí trong sản phẩm có một số chất “có nguy cơ gây hại cho sức khỏe vượt quá quy định cho phép.”

Sáng 5 Tháng Giêng, giới hữu trách tỉnh Hải Dương đã khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc, nơi sản xuất, kho chứa hàng của công ty CIO, phát giác khoảng 27,000 vỏ hộp; 10 tấn bìa thùng catton chưa qua sử dụng in nhãn mác các loại sản phẩm khác nhau cùng một tấn tem nhãn mác; khoảng năm tấn nguyên liệu sữa bột và trên 70,000 sản phẩm thành phẩm.

Công ty Sản Xuất và Thương Mại Quốc Tế CIO phải tạm ngưng sản xuất để điều tra. (Hình: Hải Ninh/Kiến Thức)

Tại nơi sản xuất, lực lượng hữu trách phát giác có nhiều nguyên vật liệu được nhập cảng từ Trung Quốc, nhà xưởng không bảo đảm vệ sinh môi trường. Ngoài ra, công an còn thu giữ 19 con dấu mang tên 16 công ty, chi nhánh khác nhau; 14 dấu chức danh giám đốc công ty, chi nhánh và hai dấu khắc nét chữ ký.

Công An tỉnh Hải Dương đã yêu cầu công ty CIO tạm ngưng hoạt động, đồng thời lập biên bản, niêm phong toàn bộ sản phẩm để điều tra. (Tr.N) [qd]

No comments:

Post a Comment