Saturday, November 21, 2020

Kon Tum tiếp tay cho thủy điện, bất chấp thiệt hại tài sản của dân

 KON TUM, Việt Nam (NV) – Thay vì can ngăn nhà máy thủy điện không được tích nước vì chưa có phép và gây ngập ruộng rẫy của người dân, chính quyền huyện Ngọc Hồi lại làm ngơ để “nhà máy tích nước để chuyên gia Trung Quốc vận hành thử nghiệm.”

Ngày 19 Tháng Mười Một, người dân ở lòng hồ nhà máy thủy điện Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, phản ảnh thủy điện này vẫn đang tích nước trái phép và vận hành máy, gây ngập con đường độc đạo và khu sản xuất hơn 300 hécta ở xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô, khiến người dân khốn khổ vô cùng, lo mùa màng mất trắng.

Nhà máy thủy điện Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, tự ý tích nước khi chưa có phép, gây ngập lụt ruộng rẫy. (Hình: Lê Kiến/Dân Việt)

Theo báo Dân Việt, các cửa xả của thủy điện Plei Kần được đóng kín, tổ máy phát điện vẫn đang vận hành, tiếng động phát ra ở trạm truyền tải điện của nhà máy vẫn kêu vù vù. Dưới chân đập nước cạn trơ, nhưng lòng hồ thì nước mênh mông.

Bất bình, người dân đề nghị Ủy Ban Nhân Dân huyện Ngọc Hồi nên lập biên bản vi phạm việc “tự ý tích nước khi chưa có phép” của công ty Tấn Phát, chủ đầu tư nhà máy thủy điện Plei Kần.

Trả lời báo Dân Việt, một cán bộ của huyện Ngọc Hồi cho biết: “Thủy điện Plei Kần đang tích nước và vận hành thử nghiệm máy hai ngày nay để đoàn chuyên gia Trung Quốc nghiệm thu, bàn giao kỹ thuật.”

Theo vị cán bộ này cho biết, thủy điện có tích nước nhưng “tích dưới khung cho phép an toàn hơn 1 mét.”

Được hỏi về việc sai phạm trên, ông Lê Như Nhất, giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, cho biết: “Sở chỉ nghe thông tin có đoàn chuyên gia Trung Quốc sang để kiểm tra, bàn giao kỹ thuật vận hành máy cho nhà máy thủy điện Plei Kần. Còn cụ thể thời gian khi nào, và có tự ý tích nước hay không thì sở không rõ.”

Để kiểm chứng thông tin, ông Nhất đã gọi điện cho chính quyền huyện Ngọc Hồi và chủ đầu tư xác minh. Sau đó, ông Nhất xác nhận: “Có việc thủy điện tích nước và vận hành máy nhưng chỉ tích nước một phần, tích nước ở mức thấp.”

Điều đáng nói là nhà máy thủy điện này đã từng vi phạm việc tương tự, và hiện vẫn chưa được giới hữu trách cấp phép vì công trình chưa được nghiệm thu do chưa xây dựng xong.

“Tới thời điểm này, thủy điện Plei Kần vẫn chưa được nghiệm thu và cho phép tích nước, vận hành máy. Theo nguyên tắc, đơn vị chưa cho phép tích nước mà tự ý tích nước là sai phạm,” ông Nhất thừa nhận.

Tin cho biết trước đó, nhiều tờ báo nhà nước đã phản ảnh, gần hai tháng qua nhà máy thủy điện Plei Kần liên tục tự ý tích nước trái phép để vận hành nhà máy khi chưa được cấp phép. Thậm chí, ngay trong mùa mưa bão đơn vị này vẫn “tích nước vô lối” khiến người dân trở tay không kịp, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhiều người.

Nghiêm trọng nhất là 350 hécta đất sản xuất tại xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô, bị cô lập và ngập hoàn toàn… Trong khi cà phê, cao su đang vào mùa thu hoạch, nếu không hái kịp sẽ gây hư thối. Đến nay, đơn vị này vẫn chưa làm xong đường và đền bù thiệt hại cho dân.

Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cũng đã có văn bản yêu cầu công ty Tấn Phát không được tiếp tục tích nước trái quy định, nếu vi phạm sẽ đề nghị tổng công ty Điện Lực Miền Trung không mua điện của nhà máy. Đồng thời, phúc trình Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép hoạt động.

Do thủy điện Plei Kần tích nước gây ngập, người dân phải đi trên bè tre vào rẫy rất nguy hiểm. (Hình: Lê Kiến/Dân Việt)

Ngoài ra, ủy ban tỉnh Kon Tum cũng đã yêu cầu công ty Tấn Phát “dừng ngay việc tích nước trái phép tại công trình thủy điện Plei Kần. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về an toàn tính mạng và tài sản của người dân do việc tích nước trái phép gây ra.”

Thế nhưng đến nay, các cơ quan liên quan vẫn chưa có quyết định chính thức về xử phạt vi phạm đối với thủy điện Plei Kần. Sự việc kéo dài, không giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, gây bất bình trong dư luận. (Tr.N) [qd]

No comments:

Post a Comment