Sunday, March 17, 2019

Ngư dân bị Malaysia bắt, quan chức đảng ‘chờ kêu cứu mới can thiệp’

Tàu cá và ngư dân Việt Nam liên tục bị Trung Quốc đâm chìm, Malaysia và Thái Lan bắt giữ. (Hình: Người Đưa Tin)
CÀ MAU, Việt Nam (NV) – Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều tàu cá và ngư dân ở Cà Mau đã bị hải quân Malaysia bắt giữ, trong khi giới hữu trách tỉnh Cà Mau chờ có đơn kêu cứu của người dân rồi mới can thiệp.
Ngày 15 Tháng Ba, 2019, Chi Cục Thủy Sản Tỉnh Cà Mau xác nhận với báo Thanh Niên có hai tàu cá và 10 ngư dân ở Cà Mau đã bị Malaysia bắt giữ.
Hai tàu cá Cà Mau do bà Lê Thị Hồng (ngụ thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) làm chủ đang thu mua hải sản trên biển thì bị Malaysia bắt giữ.
Trong đó, tàu cá do ông Trần Ngọc Triệu (45 tuổi, ngụ thị trấn Rạch Gốc) làm thuyền trưởng có năm ngư dân, xuất bến qua cửa biển Rạch Gốc vào ngày 14 Tháng Hai, 2019.
Tàu cá còn lại cũng có năm ngư dân, do ông Trần Dũng Em (43 tuổi, thị trấn Rạch Gốc) làm thuyền trưởng, xuất bến qua cửa biển Vàm Lũng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển ngày 18 Tháng Hai.
Đến ngày 21 Tháng Hai, qua tin báo từ các tàu cá khác đang đánh bắt trên biển, bà Hồng mới biết được hai tàu cá của mình đã bị Hải Quân Malaysia bắt giữ. Từ đó đến nay, bà Hồng mất liên lạc với hai thuyền trưởng và các ngư dân trên hai tàu cá.
Trước đó, hôm 6 Tháng Ba, ông Nguyễn Đồng Khởi, phó giám đốc Sở Ngoại Vụ tỉnh Cà Mau, đã ký văn bản gửi Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Malaysia và Cục Lãnh Sự – Bộ Ngoại Giao đề nghị xác minh thông tin sáu ngư dân trên tàu cá KG-90172 đã bị Malaysia bắt giữ theo đơn yêu cầu của bà Trương Kim Liễu (61 tuổi), mẹ ruột của ông Phạm Minh Vương (35 tuổi) và bà Trần Thị Vui (53 tuổi) vợ của ông Hà Văn Kệ (52 tuổi, cả hai đều ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời).
Cũng theo báo Thanh Niên, ngoài ông Kệ và ông Vương, trên chiếc tàu cá do bà Nguyễn Hương (ngụ tỉnh Kiên Giang), làm chủ còn có bốn người khác đi cùng. Ngày 25 Tháng Mười, 2018, tàu cá này đang hoạt động trên biển thì bị lực lượng Malaysia tuần tra, bắt giữ.
Trong văn bản, Sở Ngoại Vụ tỉnh Cà Mau chỉ đề nghị “xác minh thông tin về địa điểm giam giữ, mức án chấp hành phạt tù, thời gian được thả, chi phí bảo lãnh của các ngư dân để phối hợp, thực hiện công tác bảo hộ công dân.” (Tr.N)

No comments:

Post a Comment