Friday, February 22, 2019

Lương nhà giáo: Chưa kịp vui, nỗi lo đã trở lại!

Trung Khang, RFA-2019-02-22 
Ảnh minh họa: Học sinh và thầy giáo ở Mù Cang Chải, yên Bái.
 Ảnh minh họa: Học sinh và thầy giáo ở Mù Cang Chải, yên Bái.  AFP
Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 21 tháng 2 năm 2019, đã không đồng tình đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định bảng lương riêng hoặc chế độ phụ cấp cao nhất đối với giáo viên. Như vậy niềm vui tăng lương của nhà giáo lại một lần nữa lỗi hẹn.
Trước đó vào đầu tháng 1 năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục hiện hành, kiến nghị lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Cụ thể mức lương cơ bản của cán bộ, công chức, đội ngũ giáo viên sẽ được điều chỉnh tăng lên. Tuy nhiên, nếu xét theo bảng lương mới thì tổng lương và phụ cấp của giáo viên tăng không đáng kể so với hiện tại, nhất là giáo viên tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Đề nghị tăng lương giáo viên cũng là điều dễ hiểu, vì đời sống giáo viên vốn khó khăn, không gắn bó tận tâm với nghề vì phải làm thêm nhiều chuyện khác. Nhưng bây giờ Quốc hội từ chối bảng lương riêng cho giáo viên thì cũng là một điều đáng tiếc.
-Đỗ Việt Khoa
Vì vậy nhiều ý kiến cho rằng cần có bảng lương riêng hoặc chế độ phụ cấp cao nhất đối với giáo viên. Đây được coi là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 21 tháng 2 năm 2019, đề xuất bảng lương riêng hoặc chế độ phụ cấp cao nhất đối với giáo viên đã không được tán thành.
Từ Hà Nội, thầy Đỗ Việt Khoa đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:
“Nó cũng đúng như dự đoán của chúng tôi, là người ta sẽ không có bảng lương riêng cho ngành giáo dục, cao hơn hay cao bằng lương của ngành công an. Ngành công an họ có bảng lương riêng, trung bình lương họ cao gấp 1,8 lần so với lương trong ngành giáo dục và các viên chức khác. Và không hiểu sao lương hưu của họ cũng rất cao, công an, bộ đội sau hai mươi năm làm việc, khi về hưu lương họ cũng sáu bảy triệu, cao hơn lương chúng tôi khi còn đi dạy. Do đó người ta đề nghị tăng lương giáo viên cũng là điều dễ hiểu, vì đời sống giáo viên vốn khó khăn, không gắn bó tận tâm với nghề vì phải làm thêm nhiều chuyện khác. Nhưng bây giờ Quốc hội từ chối bảng lương riêng cho giáo viên thì cũng là một điều đáng tiếc.”
Cũng tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình cho rằng, giáo viên phải có mức lương ưu tiên, ưu đãi hơn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần phải tùy thuộc vào khả năng của ngân sách.
Ảnh minh họa: Học sinh tại một trường tiểu học ở Sài Gòn.
Ảnh minh họa: Học sinh tại một trường tiểu học ở Sài Gòn. Courtesy hochiminhcity.gov.vn
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thì cho rằng bảng lương riêng cho giáo viên là trái Nghị quyết 27 của Trung Ương, còn phụ cấp cao nhất thì không nên vì còn nhiều ngành nghề đặc thù không kém ngành giáo dục?!
Ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng hiện nay đã có Nghị quyết 27 về cải cách lương rồi nên không thể làm khác được.
Tuy nhiên theo nghị quyết 27 về cải cách lương, thì thu nhập giáo viên vẫn quá ít, không đủ sống, một giáo viên ở vùng ĐBSCL không muốn nêu tên cho Đài Á Châu Tự Do biết thực tế thu nhập của Cô:
“Lương thì không đóng thuế nhưng mà trừ, trừ nhiều lắm. Ví dụ như tôi dạy thì một tháng lương của tôi đúng ra là lãnh được 4,2 triệu nhưng thường chỉ lãnh khoảng 3,9 triệu. Người ta muốn trừ cái gì người ta trừ, ví dụ như trừ “nhà tình thương”, trừ “bà mẹ Việt Nam anh hùng”… người ta trừ từ trên xuống, mình không biết bất cứ cái gì hết trơn. Không bao giờ mình biết được tháng này mình sẽ lãnh được bao nhiêu tiền.”
Giáo viên trong biên chế lương đã thấp, còn giáo viên theo hợp đồng thì còn khó khăn hơn nhiều. Một giáo viên hợp đồng ở Hải Phòng, cho Đài Á Châu Tự Do biết trong thực tế ngoài chuyện lương thấp, thì cơ chế trả lương cho giáo viên cũng không hợp lý:
Đói cho sạch, rách cho thơm, nhà giáo xin đừng cố gắng cải thiện bằng cách thu trái phép của phụ huynh, cưỡng ép học sinh học thêm một cách vô lối.
-Đỗ Việt Khoa
“Giáo viên biên chế thì có tăng một chút, còn giáo viên hợp đồng như tôi thì hầu như không tăng, đợi đến khi nào có biên chế thì mới được tăng. Mà biên chế thì tùy theo thành phố, khi nào có chỉ tiêu thì mới có, còn như tôi là hợp đồng nhiều năm rồi vẫn chưa có, tức là lương gần như bậc 1. Theo tôi, cơ chế cần phải thay đổi theo hướng là trả lương cao cho giáo viên và đòi hỏi người ta làm nhiều hơn bởi vì có tình trạng giáo viên vào biên chế rồi thì độ năng động người ta không có. Không có sự bó buộc nào cả giữa mức lương và sự tích cực của người làm. Nó không căn cứ trên gì cả.”
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục, thì lương giáo viên hiện nay rất thấp, giáo viên ở thành phố thì còn có thể dạy thêm để tăng thu nhập, còn giáo viên ở miền núi vùng sâu vùng xa thì không những không dạy thêm để có nguồn thu, mà đôi khi còn phải bớt tiền của mình để cho học sinh nghèo. Ông cho rằng đây là điều bất bình đẳng trong ngành giáo dục.
Thầy Đỗ Việt Khoa nói thêm tâm tư, nguyện vọng của mình:
“Ngành giáo dục để mà nâng cao được đời sống giáo viên thì cũng khó lắm. Giáo viên chúng tôi không thể vừa dạy học vừa ra chợ. Vì vậy tôi nghĩ giáo viên phải tìm cách tự khắc phục, như tiết kiệm chi tiêu, tìm các công việc phù hợp nhất với mình để cải thiện đời sống. Chứ trông chờ vào nhà nước thì không còn khả năng. Nhưng đói cho sạch, rách cho thơm, nhà giáo xin đừng cố gắng cải thiện bằng cách thu trái phép của phụ huynh, cưỡng ép học sinh học thêm một cách vô lối, thu các khoảng không đúng quy định.”
Còn Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mạc Văn Trang thì cho rằng, muốn còn giáo viên dạy học, trước nhất nhà nước phải tìm cách lo cho đời sống giáo viên, vì hiện nay lương thấp quá, không đủ sống. Ngoài ra, phải thưởng cho giáo viên để khuyến khích giáo viên có nhiều đóng góp sáng tạo. Và quan trọng hơn hết, phải quan tâm thêm cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa để các giáo viên này có thể yên tâm làm việc ở vùng xa đó.

No comments:

Post a Comment