Tuesday, February 12, 2019

Lúng túng của Công an trong quản lý khách nước ngoài

Trung Khang, RFA-2019-02-12 
Du khách nước ngoài tại Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây.
  Du khách nước ngoài tại Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây.AFP
Tại hội thảo báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, Bộ Công an đề xuất các khách sạn phải nối mạng với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.Liệu đề xuất này có cần thiết, trong khi các khách sạn vẫn phải đăng ký tạm trú cho khách?

Không cần thiết

Cụ thể, Bộ Công an cho rằng, để quản lý được người nước ngoài vi phạm pháp luật cư trú ở Việt Nam, thì ngoài việc bổ sung quy định "buộc xuất cảnh" với người nước ngoài hết thời hạn tạm trú nhưng không chịu xuất cảnh, Bộ Công an đã đề xuất nhà chức trách cần có chế tài xử phạt với hành vi khách sạn không nối mạng internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Anh Thuận Phong, một hướng dẫn viên du lịch nhận xét:
Quản lý của Việt Nam thì đã khá phiền phức, ví dụ như chuyện tạm trú tạm vắng, tới khách sạn thì họ yêu cầu đưa chứng minh thư đối với người trong nước, còn người nước ngoài thì hộ chiếu, có chỗ thì họ photo lại, có chỗ thì họ mượn rồi hôm sau họ mới đưa lại.
-Nguyễn Văn Mỹ
“Có lẽ là họ muốn kiểm soát khách kỹ hơn, nó cũng là một cái cản trở, nếu họ biết thì tôi nghĩ khách họ sẽ bực mình và không hài lòng.”
Ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Công Ty Du Lịch Lửa Việt, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 12/2 nhận định:
“Việc nối mạng thì tôi chưa rõ, nhưng quản lý của Việt Nam thì đã khá phiền phức, ví dụ như chuyện tạm trú tạm vắng, tới khách sạn thì họ yêu cầu đưa chứng minh thư đối với người trong nước, còn người nước ngoài thì hộ chiếu, có chỗ thì họ photo lại, có chỗ thì họ mượn rồi hôm sau họ mới đưa lại. Những thủ tục này thì tôi cho là không cần thiết.”
Ông Nguyễn Văn Mỹ cho biết, khi dẫn khách du lịch đi nhiều nước thì thủ tục của các nước khá đơn giản, khách sạn chỉ yêu cầu hộ chiếu của hướng dẫn viên để photo, chứ họ không đòi hỏi giấy tờ của tất cả các khách.
Anh Thuận Phong nói thêm:
“Dĩ nhiên là cái xứ của mình bao giờ thủ tục cũng rườm rà phức tạp hơn người ta. Ví dụ như dẫn khách ra nước ngoài, có bao giờ khách sạn bên đó đòi hỏi passport của khách đâu, mình chỉ cần đưa họ danh sách có đầy đủ tên họ, ngày tháng năm sinh, số hộ chiếu, số visa là ok. Họ không giữ gì hết. Nhưng bên Việt Nam thì luật lệ như vậy, bắt buộc phải xuất trình giấy tờ, do chế độ của mình nên bắt buộc phải có một số bó buộc đối với khách như vậy.”
Khách sạn Novotel ở Phú Quốc, ảnh minh họa chụp trước đây.
Khách sạn Novotel ở Phú Quốc, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP
Còn Luật sư Hà Huy Sơn thì cho rằng, việc này có hai mặt, thứ nhất về mặt bảo đảm trật tự an ninh thì cũng là một điều tốt. Nhưng cái thứ hai là cơ quan công an sử dụng thông tin này có xâm phạm đến quyền riêng tư của công dân hay của khách du lịch hay không thì đó cũng là một vấn đề cần quan tâm. Tuy nhiên ông cho biết luật từ trước đến giờ đã bắt buộc đăng ký tạm trú rồi:
“Luật liên quan tạm trú tạm vắng thì vẫn có hiệu lực, các khách sạn vẫn phải đăng ký tạm trú tạm vắng với công an ở phường ở địa phương. Việc vi phạm liên quan nhân thân, hay quyền riêng tư cũng có khả năng xảy ra, chỉ khi nào xảy ra rồi mới đặt trách nhiệm của cơ quan quản lý, mà cụ thể là phía cơ quan công an. Theo ý kiến của tôi thì mình cũng chưa có gì để có thể nói trước được.”

"Đừng làm khác người ta"

Theo quy định tại Điều 33 Luật nhập cảnh xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với công an địa phương nơi có cơ sở lưu trú.
Còn ông Nguyễn Văn Mỹ thì cho rằng có một cái gì đó khó hiểu ở đây, Việt Nam được mệnh danh là đất nước ổn định chính trị, rất là an ninh. Nhưng những chuyện thủ tục như vậy làm cho người ta nghĩ rằng tình hình an ninh rất là xấu nên phải quản lý kiểu đó. Ông nói tiếp:
“Còn chuyện khách sạn phải nối mạng với cơ quan công an, thì tôi cũng mới nghe và chưa hình dung ra. Nhưng tôi nghĩ làm sao nên bớt các thủ tục hành chính mà anh em thường nói đùa với nhau là ‘hành là chính’ càng nhiều càng tốt. Tức là mình đừng làm khác người ta đi, mình đừng làm cho người ta thấy đất nước mình nhìn đâu cũng thấy là toàn thành phần xấu nên mình phải làm như thế.”
Mình đừng làm khác người ta đi, mình đừng làm cho người ta thấy đất nước mình nhìn đâu cũng thấy là toàn thành phần xấu nên mình phải làm như thế.
-Nguyễn Văn Mỹ
Theo Bộ Công an, việc đề xuất các khách sạn phải nối mạng với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, nhằm tăng cường quản lý người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam, để ngăn chặn các trường hợp người nước ngoài có các hoạt động như lừa đảo, cướp tài sản, trộm cắp, trốn truy nã, làm giả thẻ ATM... Những người này trốn tại Việt Nam và xé bỏ hộ chiếu, khai báo quanh co về quốc tịch...
Tuy không rõ ý đồ thật sự của Bộ Công an trong việc đề xuất các khách sạn phải nối mạng với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, nhưng những người nước ngoài phạm tội như Bộ Công an nêu lên khi trốn tại Việt Nam thì không ai dại gì lưu trú tại khách sạn có hệ thống quản lý hoàn chỉnh. Đa phần họ đến từ Châu Phi, thuê nhà trọ hay thuê nhà dân. Thay vì đòi hỏi quản lý như vậy, ông Nguyễn Văn Mỹ đưa ra đề nghị:
“Theo tôi biết Việt Nam không có cái danh sách đen, tức là black list, mà nước nào cũng có. Đó là danh sách các nước mà du khách đến từ nước đó, qua đây mang theo rất nhiều vấn nạn, thậm chí họ bỏ trốn ở lại Việt Nam, những nước ở Châu Phi chẳng hạn, thì nên có danh sách để hạn chế thành phần này vào Việt Nam. Theo tôi biết khách vào dạng này rất đông, họ vứt luôn hộ chiếu và ở lại Việt Nam, theo con số không chính thức thì ở Sài Gòn có hàng ngàn người Tây Ba Lô dạng này, họ trốn họ ở lại, thành phố phải lo nhiều thứ, vì họ làm rất nhiều nghề tầm bậy, kể cả lừa đảo, làm xã hội rối ren.”
Ngoài ra, ông Mỹ cũng đề nghị nên đơn giản hóa các thủ tục, ngoài việc cấp visa tại chỗ đối với cửa khẩu hàng không thì nên cấp luôn tại cửa khẩu đường bộ.
Theo ông, có nhiều thủ tục gây khó khăn cho ngành du lịch vì hiện nay ở Việt Nam có sự khác biệt trong quản lý, cửa khẩu hàng không thì Cục Xuất Nhập Cảnh thuộc Bộ Công an quản lý. Nhưng nếu đường bộ và đường thủy thì lại trực thuộc Bộ Tư lệnh Biên phòng thuộc Bộ Quốc Phòng. Nên hiện nay, thủ tục cho khách du lịch đường biển vào Việt Nam rất khó và phức tạp. Vì vậy ông đề nghị nên thống nhất một cơ quan quản lý thì sẽ đồng bộ hơn.

No comments:

Post a Comment