Wednesday, January 30, 2019

Tổng bí thư, thủ tướng… đều ăn ngủ không yên trước diễn biến ở Venezuela?

Venezuela sẽ là một 'mùa xuân Ả rập' thứ hai?

Minh Châu – (VNTB) – Về cuộc khủng hoảng chính trị đang leo thang ở Venezuela mới đây, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi và mong muốn Venezuela hòa bình, ổn định.

Như vậy, phải chăng Việt Nam đang đứng cửa giữa, ai lên nắm quyền chính trị ở Venezuela cũng được, miễn là mang lại hòa bình, ổn định cho đất nước?
Người viết đã thực hiện một hội luận nhỏ ở nhóm bạn là các thầy, cô giáo đang dạy học ở Sài Gòn, và một thầy giáo là Việt kiều đang chuẩn bị ăn tết ở quê nhà. Chủ đề hội luận: Liệu Việt Nam có thể là một phiên bản Venezuela phương đông?
* Thầy giáo Phạm Việt Bình, dạy môn văn, Việt kiều: Venezuela đã nhiều lần xảy ra đảo chánh. Điều này tương tự như ở miền Nam Việt Nam dưới cả hai thời đệ nhất và đệ nhị cộng hòa. Miền Bắc Việt Nam thì không thấy xảy ra cuộc đảo chánh nào. Trong suốt gần 44 năm qua, Việt Nam cũng không có đảo chánh, ngoài trừ vụ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.
Thầy giáo Nguyễn Minh Hùng, dạy môn Anh văn: Ở Venezuela có hai đảng phái theo xu hướng khác nhau là cánh tả và cánh hữu. Tôi nghĩ ở Việt Nam phải đến ít nhứt là tháng 7-1976 mới bắt đầu chế độ chính trị độc đảng.Điều này về cơ bản cho thấy nếu như quân đội tiếp tục đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của đảng cộng sản với yêu cầu tiên quyết là trung thành tuyệt đối đảng cộng sản, thì nếu có đảo chánh, đó cũng chỉ là tranh quyền đoạt lợi của phe nhóm nào đó của những người trong cùng một đảng. Tốt hay xấu hơn so hiện tại là điều tôi chưa nghĩ ra, mặc dù rất có thể là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.
Hồi học đại học thập niên 80 thế kỷ trước, tôi từng được dạy là Cộng hòa Miền Nam Việt Nam là tên gọi của chính thể do Đại hội Quốc dân miền Nam, nòng cốt là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam thành lập ở miền Nam Việt Nam để tạo uy thế chính trị trên bình diện quốc tế, chống lại quân đội Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Sau ngày 30-4-1975, tôi được biết qua sách vở là chính thể Cộng hòa Miền Nam Việt Nam có ra ‘Tuyên bố kế thừa Việt Nam Cộng hòa’. Việc Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tiếp quản các cơ quan đại diện và tài sản của chính phủ Việt Nam Cộng hòa cũng như quy chế hội viên tại các tổ chức quốc tế diễn ra thuận lợi, không gặp một trở ngại nào về pháp lý, vì các quốc gia và tổ chức quốc tế đều quan niệm rằng theo luật pháp quốc tế đây chỉ là sự thay đổi chính quyền trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam, không làm phát sinh chủ thể mới. Theo họ đây là thừa kế chính phủ chứ không phải thừa kế quốc gia.

Tuy nhiên cái bất ngờ là sau đó chính quyền miền Bắc Việt Nam đã xóa sổ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Một người bạn đang làm báo có nói với tôi rằng tổ chức xã hội dân sự có tên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng hiện nay, có những hội viên từng là người của chính thể Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam vẫn đang nhen nhúm đa đảng phái như Venezuela, còn có khả năng đảo chánh hay không thì phụ thuộc vào sự hậu thuẫn đến đâu của quân đội.
* Cô giáo Nguyễn Thu Dung, dạy môn địa lý: Đọc báo tôi thấy mấy ngày gần đây không rõ lý do gì mà bà chủ tịch Quốc hội lại kêu gọi đồng bào và nhân dân cả nước hãy bình tĩnh và tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước. Báo chí cũng đăng là cả Tổng Bí thư đến Thủ tướng đã đến gặp các tướng lãnh quân đội với những phát biểu kiểu quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhà nước.
Dĩ nhiên là những mẫu câu huấn dụ này quá quen thuộc với bà con mình. Nhưng cứ lặp đi, lặp lại cũng ít nhiều khiến người dân ngờ vực chắc là đang sắp có chuyện gì đây…
Còn về Venezuela, tôi nghĩ xét về địa chính trị thì khác hẳn Việt Nam. Venezuela tiếp giáp với Guyana về phía đông, với Brasil về phía nam, Colombia về phía tây và biển Caribbean về phía bắc. Guyana theo khuôn khổ cộng hoà đại diện dân chủ bán tổng thống, theo đó Tổng thống Guyana là nguyên thủ quốc gia, và một hệ thống chính trị đa đảng.
Một trong những nguyên tắc chính trị của nền cộng hòa ở Brasil là hệ thống đa đảng. Hiện nay có tổng cộng 15 đảng chính trị lớn nhỏ có ghế trong Quốc hội Brasil. Bốn đảng lớn nhất hiện nay là Đảng Công nhân (PT), Đảng Dân chủ Xã hội Brasil (PSDB), Đảng Vận động Dân chủ Brasil (PMDB) và Đảng Dân chủ (tiền thân là Đảng Mặt trận Tự do – PFL).
Colombia thì duy trì quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, coi Mỹ là bạn hàng chính và nguồn cung cấp viện trợ quan trọng. Chính phủ Colombia ký thoả thuận cho phép Mỹ sử dụng 7 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Colombia.
Còn ở Việt Nam thì láng giềng đều theo thể chế chính trị độc đảng của những người cộng sản. Tuy nhiên ngay cả Liên bang Xô Viết, cái nôi của thực hành chủ nghĩa cộng sản còn tan rã, thì thật sự tôi chẳng dám chắc điều gì.
* Thầy giáo Phạm Việt Bình: Tôi nghĩ các ông bà từ tổng bí thư, thủ tướng đến chủ tịch Quốc hội ở Việt Nam đều đang ăn ngủ không yên hổm rày trước diễn biến ở Venezuela. Tiếng là một vụ “đảo chánh” nhưng thực tế thì tôi thấy đây là một vụ tranh chấp quyền lực giữa hai cơ quan ‘dân cử’ là hành pháp và lập pháp.
Nguyên nhân tranh chấp đến từ hệ quả tồi tệ gây ra cho xã hội ở những quyết định sai lầm về kinh tế và chính trị của tổng thống Maduro. Ở Việt Nam, nợ công cùng nhiều bất ổn ngấm ngầm và cả công khai khác đang là chiếc lò xo bị nén… Tôi nghĩ người dân Việt Nam cần một sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế chính trị, chấm dứt sự độc tài nhân danh kiểu ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý’.
Tôi biết mấy thầy cô giáo ở đây tuy tin vào ông bạn nhà báo vốn là bạn học cũ đang thực hiện buổi ghi nhận bỏ túi này, song vẫn ngại đề cập trực tiếp vấn đề vì chén cơm manh áo. Quả tình tôi cũng đang thắc mắc vì sao hồi đó người miền Nam cùng cả quân đội nữa lại hết cuộc biểu tình này đến cuộc biểu tình khác, rồi nhiều lần đảo chánh vì cho rằng ông Diệm là độc tài, là gia đình trị. Còn giờ thì quân đội làm lơ…
Phải chăng hồi đó có sự giật dây của các vị trong lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam như lời thầy Hùng nói lúc nãy?
Tôi có quan sát chính trường Việt Nam. Tôi nghĩ rằng bài học về sự tan rã nhanh chóng của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đang được nhiều chính khách trong bộ máy cầm quyền hiện tại chiêm nghiệm, và ít nhiều họ sẽ tránh được vết đổ đó trong tương lai.
Còn họ là ai thì tôi mới chỉ mang máng nghĩ rằng họ là các chính khách nằm trong nội bộ của đảng cộng sản. Điều này tương tự như kịch bản từng diễn ra với chính thể Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Kiểu tuyên bố nước đôi vừa rồi của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng về Venezuela là một chỉ dấu.

No comments:

Post a Comment