Wednesday, January 2, 2019

Sự nghiệp giáo dục: Chưa bao giờ nhục như ngày nay!

Theo RFA-Gió Bấc-2019-01-02 
Hình minh họa. Học sinh một trường phổ thông dự lễ khai giảng năm học ở Hà Nội hôm 5/9/2016
 Hình minh họa. Học sinh một trường phổ thông dự lễ khai giảng năm học ở Hà Nội hôm 5/9/2016-AFP
Trong buổi gặp mặt đại diện ngành Giáo dục và các em học sinh, sinh viên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, rèn luyện năm học 2017-2018, tổ chức chiều ngày 3/11, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí Thư, Chỉ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã hể hả tuyên bố “Chưa bao giờ chúng ta có được sự nghiệp giáo dục như ngày nay”{1}

Vui với thành tích giả

Nghe câu nói ấy người ta cứ ngỡ ngành Giáo Dục Việt Nam đang ở top đầu thế giới với điều kiện giáo dục tối ưu và học sinh sinh viên đang phát triển toàn diện cả về trí dục và đức dục…. Thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Làn sóng tị nạn giáo dục tiếp tục lan rộng không ngừng, người Việt đổ xô cho con đi tị nạn không chỉ ở các nước tiên tiến Âu Mỹ mà còn cả các nước lân cận như Singapore, Mã Lai, Thái Lan. Không chỉ đi ở bậc đại học mà ngay từ cấp học phổ thông.
Cái lý lẽ mà ông Trọng vin vào để tự hào chính là những con số giả tạo về cái gọi là thành tích giáo dục về số lượng học sinh giỏi, số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học mà học sinh đã thực hiện, số lượng các học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc tế…. Ai cũng biết rằng tất cả những con số đẹp đẽ ấy đều do các quan chức giáo dục vo tròn bóp méo tạo ra, hoàn toàn không phản ánh thực chất trình độ học sinh cũng như bản chất của nền giáo dục. Ngay hàng vạn giáo sư, tiến sĩ đương đứng trên các vị trí cao chót vót của bộ máy quan chức mỗi năm tiêu tốn hàng chục ngàn tỉ kinh phí đầu tư nghiên cứu ở nước ngoài cũng chỉ sản xuất ra những công trình nghiên cứu khoa học tốn kém chỉ để cất vào ngăn tủ sau khi báo cáo xếp hạng và nhận tiền thù lao nghiên cứu thì nói gì đến các đề tài nghiên cứu của học trò. Chính cái nhìn tự sướng, tự ru ngủ chính mình ấy mà hai chữ giáo dục làm nản lòng học sinh, tăng lo buồn cho cha mẹ,
Hình minh họa. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (đứng bên trái) phát biểu tại một họp báo kết thúc Đại hội Đảng ở Hà Nội hôm 28/1/2016
Hình minh họa. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (đứng bên trái) phát biểu tại một họp báo kết thúc Đại hội Đảng ở Hà Nội hôm 28/1/2016 AFP
Ngược với vẽ lòng tự hào chưa bao giờ được như thế này của cụ Tổng Bí Thư - Chủ tịch Nước, sự vênh váo tự đắc của ngài Bộ trưởng, ngành giáo dục và chất lượng giáo dục ngày càng đi xuống đến mức không còn chỗ thấp hơn. Riêng năm qua, nhiều vết đen ô nhục mà lẽ ra ông Bộ trường và các quan chức có trách nhiệm phải nhận lỗi, từ chức nhưng họ vẫn bịt tai bịt mắt mình, dùng mọi phương tiện, thủ đoạn kể cả sự lì lợm để bịt miệng người dân. Hoàn toàn vô trách nhiệm, họ khoái trá ban tặng nhau danh hiệu huy chương, bỏ mặc cho con bệnh ung thư giáo dục tiếp tục phá hoại từ tri thức, nhân cách đến tâm hồn bao thế hệ trẻ.
Thử nhìn lại những vết đen ô nhục đau đớn nhất của ngành giáo dục năm 2018:

Kỳ thi Quốc gia 2 trong 1: Dối trá tệ hại

Sau kỳ thi tốt nghiệp trung học đồng thời lấy kết quả xét tuyển đại học, tại hội nghị trực tuyến 6 tháng của Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ hùng hồn đánh giá cơ bản là thành công, kỳ thi tổ chức nghiêm túc, khách quan, an toàn và nhẹ nhàng, được nhân dân các địa phương ủng hộ {2}. Nhưng với quan sát của các nhà chuyên môn, người ta phát hiện ra hầu hết các thủ khoa đều thuộc về các tỉnh miền núi, vùng sâu những nơi thường được xem là vùng trũng của giáo dục, và cũng chính các tỉnh này tỉ lệ học sinh thi đậu cũng cao ngất ngưởng. Lập tức các quan giáo dục từ cấp tỉnh đến Cục khảo thí của Bộ ra rả khẳng định kỳ thi nghiên túc đúng quy trình.
Trước áp lực của dư luận, Bộ buộc lòng phải kiểm tra những nơi gian lận quá lộ liễu và cả ba tỉnh bị kiểm tra đều có gian lận nghiêm trọng đến mức phải khởi tố vụ án
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang Vũ Văn Sử khẳng định khâu coi thi và chấm thi được thực hiện nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, rà soát, Bộ GD&ĐT và cơ quan công an kết luận 114 thí sinh với 330 bài thi có tổng chênh lệch so với ban đầu. Có em được nâng gần 30 điểm/3 môn thi. Ba cán bộ của Sở GD&ĐT Hà Giang đã bị bắt giam.
Kết quả chấm thẩm định ở Sơn La cho thấy 42 bài thi môn văn điểm công bố hôm 11/7 cao hơn điểm chấm thẩm định. Kết quả rà soát có 16 thí sinh điểm thi trên bài thi sai lệch với điểm được Hội đồng thi Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La công bố. Năm cán bộ của Sơn La bị khởi tố trong đó có Phó Giám đốc Sở.
Cơ quan điều tra tỉnh này Hòa Bình đã khởi tố vụ án hình sự Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 ở Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình bắt tạm giam 2 bị can là cán bộ giáo dục {3}.
Hình minh họa. Học sinh dự kỳ thi tuyển vào Đài học ở Hà Nội hôm 1/7/2015
Hình minh họa. Học sinh dự kỳ thi tuyển vào Đài học ở Hà Nội hôm 1/7/2015 AFP
Tuy nhiên, tính trong cả nước thì số lượng 3 tỉnh được kiểm tra xử lý mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Ngay ở các tỉnh này việc điều tra gian lận cũng chỉ thu hẹp ở các đối tượng bị nghi vấn chứ chưa kiểm tra toàn bộ hội đồng thi với tất cả các môn thi theo yêu cầu dư luận. Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT cho rằng, sau những nghi vấn về gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, cần xem xét thêm các địa phương Điện Biên, Kon Tum, Lai Châu bởi điểm thi ở đây đang có bất thường. "Mục tiêu gian lận thi cử là nâng điểm phục vụ cho việc thi đại học nếu không tính mục tiêu khác và nâng cho khá nhiều thí sinh (khoảng 1% trở lên - Hà Giang là 2%). Với các giả thiết này, việc gian lận thi cử với số lượng đủ lớn sẽ làm giảm số bài thi điểm thấp và tăng số bài thi điểm cao, dẫn đến tỷ lệ bài thi điểm cao tăng lên đáng kể"
Đến lúc này, Bộ trưởng Nhạ chỉ tuyên bố gọn lỏn, xin nhận trách nhiệm mà không nói được trách nhiệm gì, sửa chữa như thế nào, và cũng chỉ đối phó kiểm tra 3 tỉnh quá lỏng lẻo, sai phạm quá rõ ràng mà không dám kiểm tra thêm các tỉnh bị tố cáo khác.
Nếu thật sự biết lắng nghe, thật sự thực hiện nền khoa cử minh bạch, ông Nhạ phải kiểm tra điểm thi ở toàn quốc và loại bỏ các bài thi gian lận làm đảo lộn các đánh giá.

Tra tấn học sinh như xã hội đen

Tình trạng giáo viên tra tấn học sinh theo kiểu đòn thù của xã hội đen ngày càng phổ biến. Điểm đỉnh là cô Nguyễn Thị Phương Thủy - giáo viên Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình - yêu cầu tất cả học sinh trong lớp tát liên tiếp vào má em Hoàng L.N (SN 2007, học lớp 6) do em N nói tục. Tổng cộng N đã hứng trọn có 231 cái tát. Trước khi N chịu hình phạt này, nhiều học sinh khác cũng bị bạn tát và từng là người tát bạn. Cũng như các bạn, cậu em họ của N, học cùng lớp cũng phải thực hiện lệnh của cô giáo “tát bạn 10 cái”. Dù không muốn, nhưng cậu em vẫn phải thực hiện, vì sợ bị cô phạt cho tát ngược trở lại. Và cậu em vừa tát anh vừa khóc {5}.
Dư luận còn chưa nguôi thì một cô giáo ở Long An đánh một học sinh cấp 1 bầm dập thân thể.
Trường Duy Ninh, giáo viên chủ nhiệm và em học sinh bị tát.
Trường Duy Ninh, giáo viên chủ nhiệm và em học sinh bị tát. RFA edit
Theo TS Trần Thành Nam (giảng viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), điều khiến ông lo ngại nhất trong câu chuyện này là cách người lớn dạy, giáo dục học sinh theo kiểu “khoanh tay lên bàn, mắt nhìn lên bảng, tiếp thu thông tin một chiều”. TS Nam cho rằng việc giáo dục theo cách này sẽ tạo ra những con người chỉ biết “cúi đầu", chỉ biết làm theo mà không có sự nhận biết đúng - sai, hoặc dù biết sai nhưng không dám phản biện, không dám phản ứng lại.
Không chỉ giáo viên với học sinh mà ngay với những nhà giáo, những người quản lý giáo dục cũng thượng cẳng tay hạ cẳng chân với nhau. Tại học viện quản lý giáo dục, một giáo viên đã đấm vào mặt một trưởng bộ môn ngay trong cuộc họp. Ứng xử bằng sức mạnh thô bạo không chỉ là hành vi cá biệt mà đã hình thành tập quán phổ biến trong cán bộ giáo dục Xã hội chủ nghĩa.

Thầy giáo, hiệu trưởng dâm ô học sinh

Sáng 8/6, TAND huyện Hoài Đức (Hà Nội) xét xử sơ thẩm, tuyên bị cáo Nguyễn Đình Lê 6 năm tù giam về tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi". Theo cáo trạng của VKSND, Lê mở lớp dạy thêm cho học sinh lớp 3 và sử dụng căn phòng ở tầng 3 nhà riêng để làm nơi dạy học và lợi dụng việc các học sinh nữ đến nhà học thêm, anh ta đã có hành vi xàm xỡ, dâm ô đối với 7 nữ sinh tiểu học. Có nạn nhân bị Lê giở trò đồi bại nhiều lần {6}
Mới đây là vụ Hiệu trường Trường phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn (Phú Thọ) bị khởi tố vì nhiều năm liền có hành vi dâm ô với hàng trăm học sinh của trường ngay trong chính văn phòng của mình. Người tiếp tay đưa học sinh đến phục vụ cho Hiệu trưởng chính là cô giáo dạy môn giáo dục công dân. Đặc biệt trong chương trình sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh với chủ đề về chống xâm hại tình dục trẻ em do chính quyền địa phương tổ chức, vị hiệu trưởng này còn đăng đàn tham luận . Nhiều giáo viên biết được chuyện này trêu ghẹo các nạn nhân là được cho “mút kẹo” nhưng không ai tố giác, không ai góp phần ngăn chặn. Những tổ chức đoàn thể của nhà trường từ chi bộ, chi đoàn, công đoàn, cả cộng đồng sư phạm trong trường đều bưng tai bịt mắt để mặc cho con quỷ dâm dục hành hạ học sinh. Lương tâm con người bình thường đã không có mặt trong tập thể này thì làm sao có lương tâm chức nghiệp.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn
Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn Courtesy báo Pháp Luật
Trước sự việc nhơ nhuốc tày trời như vậy, ông Nhạ thấy đau lòng và cho rằng phải đi từ gốc, chứ xử lý chỉ là phần ngọn. Muốn đi từ gốc thì bản thân các cháu học sinh phải được giáo dục giới tính, phải có những kỹ năng để phòng chống xâm hại. Bộ đã và sẽ tăng cường giáo dục giới tính và tâm lý lứa tuổi cho học sinh, nhất là học sinh ở trường dân tộc nội trú, hiểu biết được những kỹ năng căn bản để có thể phòng chống bị xâm hại. {6}
Ông Nhạ quên rằng giải pháp của ông đã vô hiệu trong thực tế, chính ông Hiệu trưởng dạy học sinh chống xâm hại tình dục đã xâm hại các em. Trong cuộc sống muốn thực hiện điều gì đó cần phải có điều kiện cần và đủ. Những đứa trẻ non nớt cả thể lực, nhận thức phải tay không, một mình đối phó với ông Hiệu trường và cô giáo môn giáo dục công dân đầy quyền lực thì kiến thức giáo dục giới tín chỉ là miếng giẻ rách chứ không phải tấm khiên bảo vệ các em. Trẻ em nước ngoài đều được học thuộc lòng một số điện thoại, chỉ cần bấm vào số đó, cảnh sát sẽ có mặt để bảo vệ các em. Đó mới là biện pháp bảo vệ các em thưa ông!

Sinh viên sư phạm được bán dâm 3 lần

Cũng trong năm qua, Bộ GDĐT lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy, trong đó có nội dung “sinh viên sư phạm bán dâm đến... lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học” {7}. Đọc quy chế này chỉ có một cách hiểu duy nhất là sinh viên được phép bán dâm ba lần. Mặc dù sau đó Bộ đã chối biến trách nhiệm bằng cách đổ lỗi cho thằng đánh máy nhưng thực tế cho thấy quan chức giáo dục không chỉ rộng cửa mà còn trực tiếp lôi kéo giáo viên vào những sinh hoạt không lành mạnh, thậm chí chà đạp lên nhân phẩm của họ. Một số nữ giáo viên trẻ ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) bị điều động đi làm "lễ tân" hay tiếp khách ở Liên hoan Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc các trẻ ở trường. Trưởng phòng Giáo dục thị xã coi đó là “nhiệm vụ cần phải thực hiện”. Trong lúc đi ăn uống, hát hò sau liên hoan, họ còn bị ôm vai, bá cổ. Nói theo ngôn ngữ ăn chơi của giới trẻ, các nữ giáo viên này là thứ “rau sạch” được dâng đến tận miệng các quan. Thế nhưng từ cấp Bộ đến cấp tỉnh đều bình thản nhắm mắt làm ngơ với Phòng giáo dục Hồng Lĩnh mà không hề có hình thức xử lý nhắc nhở nào.
Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về số lần bán dâm của nữ sinh lan truyền trên mạng
Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về số lần bán dâm của nữ sinh lan truyền trên mạng Courtesy FB
Hậu quả thực tế đã xảy ra. Tối 21-12 Công an tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra phòng karaoke Dubai, thuộc tổ dân phố 1, thị trấn Hương Khê. Tại đây, cơ quan chức năng bắt quả tang 13 người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Trong nhóm người bị tạm giữ, có ông T.H.T., phó giám đốc một ngân hàng ở huyện Hương Khê, ông P.Đ.C., cán bộ kiểm lâm huyện Hương Khê, cô Ng.Th.L.Q. (kế toán Trường mầm non Phúc Trạch) và Tr.Th.H. (giáo viên Trường tiểu học Hương Trà, huyện Hương Khê) {9}.
··

Tiến sĩ dỏm mất chức, kẻ đạo văn làm Chủ tịch Hội đồng Giáo sư

Không chỉ thiểu năng và vô trách nhiệm trong vai trò Bộ trưởng, về nhân cách năng lực bình thường của một con người ông Nhạ cũng có lắm vấn đề cần phải tu dưỡng. Người ta có thể thông cảm cho sự lười nhác, thiếu rèn luyện của ông, cứ duy trì giọng nói ngọng líu ngọng lo do đặc điềm địa phương nhưng không thể chấp nhận một giáo sư, tiến sĩ, Bộ trưởng lại thiếu tự trọng đến mức đạo văn để tạo thành tích khoa học.
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tại Đại học Toulouse, Pháp, ngày 18-2-2018 đã gửi một báo cáo đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của Việt Nam, đưa ra bằng chứng là Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đương nhiệm “tự đạo văn”. Bản báo cáo cũng được công bố trên mạng, dẫn đến những lời kêu gọi vị Bộ trưởng từ chức.
Báo cáo của Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng về sự giả khoa học của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Báo cáo của Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng về sự giả khoa học của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ Courtesy FB
Bản báo cáo 10 trang được GS Dũng gửi hôm 18/2 tới Tổng thư ký của Hội đồng, GS Trần Văn Nhung, nói về “sự giả khoa học” cũng như “thiếu cả về đạo đức và trình độ” của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.{10}. Rất tiếc là cái Hội đồng mà Giáo sư Dũng gởi đơn lại chính do ông Nhạ làm chủ tịch theo cơ cấu. Một lần nữa ông Nhạ lại cố tình làm ngơ, không xem xét, không trả lời cũng không tranh luận. Từ thái độ trơ trẽn này, người ta buộc lòng tư hỏi, phải chăng ngoài khuyết nhược về phát âm, ông Nhạ còn có thêm khuyết nhược là điếc và mù nên không đọc thấy nghe thấy lá đơn ông Dũng để ngỏ trên các phương tiện nghe nhìn?
Nhà dột từ nóc, Bộ trưởng là giáo sư tiến sĩ đạo văn thì Hiệu trưởng xài bằng dỏm là chuyện binh thường nhưng điểm ưu việt của nền giáo dục XNCH là ông hiệu trưởng bị mất chức còn ông Nhạ lại được phong làm Chủ tịch Hội Đồng chức danh giáo sư.
Ông Trần Quang Nam đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng ĐH HUFLIT từ tháng 3/2016 Ngày 30/10, Nam bị miễn nhiệm vì có bằng cấp không rõ ràng. Năm 2000, ông Nam đăng ký học thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tập trung của ĐH chuyên ngành Nam California của Mỹ (Southern California - SCUPS), chương trình liên kết với ĐH Bách khoa Hà Nội được Bộ GD&ĐT cho phép. Sau đó, ông học tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại trường Business School Lausanne (Thụy Sĩ) theo chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ trẻ của UBND TP.HCM.
Ngày 7/8, Hội đồng Quản trị ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM có thông báo, yêu cầu ông Trần Quang Nam làm thủ tục, đề nghị Bộ GD&ĐT công nhận văn bằng do nước ngoài cấp cho mình. Theo Luật Giáo dục Đại học năm 2012 và Điều lệ trường đại học năm 2014, hiệu trưởng trường đại học có bằng tốt nghiệp ở nước ngoài thì phải được cơ quan chức năng thuộc Bộ GD&ĐT công nhận {10} nhưng suốt một thời gian dài sau khi nhận chức vụ Hiệu Trưởng, ông Nam không được Bộ công nhận bằng cấp của mình.
Nếu mục tiêu ngành giáo dục là để quan chức hợp thức hóa những văn bằng, danh hiệu cho mình, đào tạo thế hệ trẻ thành đàn cừu với người chăn, thành chó sói cắn giết lẫn nhau thì ông Nhạ và ngành giáo dục đã thành công rực rỡ chưa lúc nào bằng lúc này. Nhưng nếu mục đích giáo dục là để ươm mầm con người thì nó đang thảm hại hơn bao giờ hết. Trong mắt ngài Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nó đã thành công nhưng trong mắt người dân nó là nỗi ô nhục thưa ngài!
Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

No comments:

Post a Comment