Tuesday, December 25, 2018

Thành phố Pleiku: thủ đoạn cướp đất ở dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú

Nguyễn Thiện Nhân (VNTB) Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú (phường Hội Thương, TP. Pleiku) ẩn chứa những thủ đoạn nhằm cướp đất của dân. Chiếu theo pháp luật, UBND Thành Phố Pleiku và UBND Tỉnh Gia Lai có nhiều sai phạm gây thiệt thòi, bức xúc cho người bị thu hồi đất.

1) Núp bóng “chống sạt lở “, giấu nhẹm bản đồ dự án

Theo luật định, mỗi dự án thu hồi đất phải công khai bản đồ qui hoạch và phải có bản đồ khổ lớn dựng tại nơi thu hồi đất. Nhưng gia đình ông An có đất bị thu hồi cho biết không nhìn thấy tấm bản đồ nào.

Mặc dù tên dự án là “chống sạt lở” nhưng lại thu hồi đất để phân lô bán nền với giá gấp 100 lần giá đền bù. Người dân nơi đây cho biết có đến hơn 70% diện tích bị thu hồi dùng để phân lô bán nền, chỉ một phần nhỏ diện tích làm kè chống sạt lở. Như vậy, có sự nhập nhằng, không minh bạch, núp bóng chống sạt lở để cướp đất phân lô bán nền.
Bảng giá bồi thường cho gia đình ông Nguyễn Xuân An
Cụ thể dòng họ nhà ông Mai Xuân An có diện tích 21.700m2 đất nông nghiệp, đền bù 180.000đ/m2. Sau đó nhà nước đem bán đấu giá 3 tỷ đồng/lô, tương đương 30trđ/m2. Trích đăng Báo Gia Lai: “Kết thúc phiên đấu giá, 30 lô đất bán đấu giá có giá khởi điểm ban đầu chỉ hơn 50 tỷ đồng đã được Công ty TNHH một thành viên đấu giá Đại Phát bán đấu giá thành công với tổng số tiền lên đến 91,911 tỷ đồng”.

Ngoài 30 lô bán đấu giá được đăng báo, còn hàng trăm lô khác cũng được bán tương tự. Không biết số tiền dôi dư đi về đâu?

Khó có thể tưởng tượng nỗi mức chênh lệch, giá đất thổ cư đền bù chỉ 2,25trđ/m2, đất nông nghiệp đền bù 180.000đ/m2 đem phân lô bán nền giá 25-30trđ/m2, chênh lệch đất thổ cư hơn 10 lần, chênh lệch đất nông nghiệp hơn 100 lần!

2) Đền bù không đúng luật đất đai

Đất dòng họ ông An 21.700m2 có nguồn gốc mua năm 1934, chính quyền thời Pháp cấp giấy sở hữu 1942. Sau 1975, dòng họ canh tác và đóng thuế đủ, đến năm 2016 thì bị chính quyền thông báo thu hồi làm dự án “kè chống sạt lở”.

Chiếu theo Luật đất đai 2013, đất dòng họ ông An đủ điều kiện “được bồi thường, hỗ trợ”. Luật qui định nguyên tắc, phương pháp định giá đất phải “Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích”.

Như vậy, chính quyền đền bù cho dân giá quá thấp(chưa đến 10%) so với giá thị trường là vi phạm Luật đất đai 2013. Nguyên nhân là do chính quyền căn cứ khung giá do UBND tỉnh ban hành nhưng khung giá lại quá thấp so với thị trường. 
Buổi đấu giá đất thu hồi (phân lô bán nền)
Nói cách khác, chính quyền ban hành khung giá đất không đúng nguyên tắc, phương pháp định giá đất theo Luật đất đai 2013, xong chính quyền áp dụng khung giá đất bất hợp lý này để đền bù là việc làm sai chồng sai, gây thiệt thòi cho dân.

Lẽ ra, phải có cơ chế xác định đơn giá đất bồi thường sát với giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất mới đúng quy định của pháp luật, nhưng quan chức đã cố tình làm sai để cướp đất phân lô bán cho nhà giàu.

Ông An bị thu hồi 1.261,7m2 đất nông nghiệp và 8,9m2 đất ở được đền bù 285trđ, cộng thêm tiền hỗ trợ 386trđ. Tổng cộng 671 triệu đồng, trong khi giá thị trường khoảng 10 tỷ đồng. Thiệt thòi cho gia đình ông quá lớn.

Uất ức, tại buổi cưỡng chế, người nhà ông An mang giấy tờ chứng minh sở hữu đất hợp pháp ra kêu lên công luận.

3) Tung tin cấp đất tái định cư cho dân nhưng thực tế chỉ là bán đất.

Hầu hết các hộ không được suất tái định cư, một vài hộ được chính quyền bán đất tái định cư ở phường khác “bèo” hơn đất bị thu hồi. Người dân thắc mắc vì sao không bán đất tái định cư tại chỗ cho người bị thu hồi đất? Đất thu hồi là đất trung tâm thành phố, quan chức đem bán đấu giá cho nhà giàu mà không bán lô nào cho người bị thu hồi đất, đó là một sự bất công.

Một chị bị thu hồi 3.000m2 đất vớt vát được mua một lô tái định cư ở phường khác giá hơn 800trđ, chị đem bán lại hơn 1,2 tỷ. Người dân nói do chị bị thu hồi nhiều đất nên mới được mua một suất TĐC chứ hầu hết người khác không có. Tính ra, chị bị thiệt thòi hàng chục tỷ đồng.
Gia đình ông Nguyễn Xuân An mang giấy tờ sở hữu đất kêu cứu khi bị cưỡng chế
Riêng gia đình ông An gồm 3 hộ Mai Xuân An, Mai Xuân Phúc, Mai Thị Bích trước ngày cưỡng chế tuyệt nhiên không được mua suất tái định cư nào, gia đình đã đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng. Đến ngày 5/12/2018, gia đình nhận được thông báo cưỡng chế diễn ra ngày 10/12/2018.

Tại buổi cưỡng chế ngày 10/12/2018, gia đình được vận động nếu chấp nhận bồi thường sẽ được mua một lô đất tái định cư không thông qua đấu giá nhưng gia đình vẫn không an tâm vì chưa biết lô đất ấy thế nào! Nội dung biên bản về lô đất tái định cư gia đình ông An được mua rất sơ sài, không ghi cụ thể đất ở đâu, không ghi số tiền mua, không ghi diện tích lô đất, tất cả chỉ là lời hứa miệng của quan chức rằng sẽ cho mua TĐC tại chỗ giá 1,47 tỷ. Nếu quan chức không thực hiện đúng lời hứa miệng thì sẽ tiếp tục xảy ra phản kháng mạnh mẽ của dân.
Luật sư Nguyễn Khả Thành và ông Nguyễn Xuân An tại nhà ông An ở TP Pleiku
Gia đình đang tiến hành mời luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình, luật sư Nguyễn Khả Thành và Võ An Đôn sẽ tham gia. LS Thành tham gia với tư cách được mời bào chữa, còn LS Đôn sẽ tham gia với tư cách người được gia đình ủy quyền.

Sự mập mờ, không minh bạch và không áp dụng đúng Luật đất đai đã gây thiệt thòi và bức xúc cho người dân. Xã hội phát triển cần phải đảm bảo quyền lợi của dân đúng pháp luật chứ không phải dùng thủ đoạn cướp đất như UBND thành phố Plieku và UBND tỉnh Gia Lai đã và đang làm.

No comments:

Post a Comment