Tuesday, November 27, 2018

Tạ ơn Giải Phóng

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - (Tâm tình của một quân y sĩ CSBV)

Trong dịp lễ người Mỹ tạ ơn Trời, tạ ơn Người Da Đỏ đã cứu mạng họ, mình đây cũng phải biết tạ ơn Bác và Đảng đã Giải Phóng mình thoát khỏi cảnh khố rách áo ôm cách đây xấp xỉ 44 năm.

Hồi đó mình là một bác sĩ quân y của Bộ đội cụ Hồ. Trước khi đi B, tức đi giải phóng Miền Nam, mà chú Lê Duẩn nói huỵch toẹt ra, là “Ta đánh Miền Nam là đánh cho ông Liên Xô, đánh cho ông Trung Quốc”, mình được bố mẹ cho cái địa chỉ gia đình ông cậu ri cư hồi 54, đang ở Tân Định, Sài Gòn, và dặn rằng nếu sống sót và vào được trong đó, mình phải tìm đến và giúp đỡ gia đình ông cậu lâu nay bị Mỹ Ngụy kìm kẹp, đói khổ cực kỳ, đang lất lây mong chờ Cách Mạng vào giải phóng, bằng không là cả nhà ông cậu khó qua khỏi con trăng Tháng Tư 75 này.

Mình hồ hởi phấn khởi lên đường “Đi ta đi giải phóng Miền Nam”. Sau khi hiệp định Paris ký, mình biết tỏng địch sẽ thua ta sẽ thắng, vì bọn Mỹ rút quân thật, ngưng chi viện cho Miền Nam thật, còn phe ta ký là ký giả, chứ các nước anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc có ngu mới thi hành hiệp định; lại càng giúp đỡ nhiều hơn trước.

Hồ hởi phấn khởi đến nỗi khi dừng quân, đêm khuya đang nằm ngủ trên võng, mình quên phéng mất bọn biệt kích Ngụy đang tìm dấu vết quân ta để gọi máy bay oanh tạc, mình nhảy dậy, và rống thật to giữa rừng núi Trường Sơn Tây:

“Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước.

Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước.

Ôi xương tan máu rơi, lòng hận thù ngất trời.

.......................................................................”

Vào đến Quảng Bình là quân mình chuyển hướng sang đất Lào rồi Kam Pu Chia. Ngày đó hai nước anh em láng giềng này, cũng chung số phận như Miền Nam, đang bị địch tạm chiếm, tức là sống dưới sự kìm kẹp của Mỹ Ngụy ác ôn. Đúng là đi một ngày đàng, học một tràng khôn, nhờ đi dài dài giải phóng Miền Nam mà mình gặp được dân ở hai nước này, được thấy cái lạ là họ ăn mặc đủ màu sắc, xe ôtô con, ôtô lớn nhộn nhịp, không như Miền Bắc mình chỉ một màu nâu xám xịt, xe cộ, ngoại từ quân xa, chỉ có toàn xe đạp, và nhiều cái lạ khác ngoài Bắc mình không có.

Rồi vào đến Miền Nam, mình không còn tin vào hai con mắt mình nữa khi thấy thành phố Ngụy còn hoành tráng gấp tỷ lần Lào và Kam Pu Chia; thôn quê thì đèn điện sáng trưng, nhà nào cũng có đài, Radio TV, toàn xe máy, họa hoằn mới gặp cái xe đạp. 

Trước tình cảnh trái ngược với những gì đã được học tập, mình đâm ra “tức cảnh sinh tình” bức xúc, liền báo cáo thắc mắc lên đồng chí chính ủy đơn vị, sao tình hình cụ thể trong Nam không giống như sách vở mình học tập trước khi đi B, thì được trả lời đây là phồn vinh giả tạo. Mình tỉnh ra, ngoài Bắc ta có đói khổ đấy, nhưng là cái đói khổ thật sự.

………………………………………………………………………………………….

Thế là đúng như mình đã “tiên đoán” dựa vào tình hình quân viện địch/ ta nhận được từ bên ngoài sau HĐ Paris 1973, bên Đói khổ Thật sự đã chiến thắng phía Phồn vinh Giả tạo, cũng như nhận định của chiến sĩ gái Dương Thu Hương khi tận mắt thấy cảnh Sài Gòn sau ngày 30/4/75,

“Tôi khóc ngày 30 tháng Tư 75 vì thấy nền văn minh đã thua chế độ man rợ” 

Cám ơn Bác Đảng, mình theo đoàn quân giải phóng Sài Gòn, nên mùng Hai Tháng Năm là mình được phép 48 giờ để đi tìm nhà ông cậu. Nhà ông cậu ở trong hẻm Thoại Ngọc Hầu, Tân Định (nay mình nhớ mang máng là vậy). Mình vào đúng ngõ đúng nhà như lời mẹ dặn. Đương nhiên mình phải tự giới thiệu ông cậu bà thím mới nhận ra đứa cháu lạ ăn mặc chẳng giống ai (đối với họ): đầu nón cối, vai xắc cốt, chân dép râu.

Trên đường đến nhà ông cậu, mình mở cờ trong bụng, đoan chắc khi gặp được thằng cháu ruột ngoài Bắc vào và nó lại vừa hoàn thành sứ mạng cao cả giải phóng đồng bào Miền Nam, thế nào cả nhà cũng hồ hỡi phấn khởi vồ lấy mình cám ơn rối rít. Nhưng mình bị chưng hửng ngay. Cả nhà buồn như đang có đám tang.

Ông cậu nói , “anh G. con suốt hai ngày này nằm một nơi không ăn không uống”. Về sau mình mới biết người anh họ mình bị “phỏng hai hòn”. Anh ấy là một Đại úy Thiết Giáp Ngụy, năm 1972 anh bị quân GP bắt ở mặt trận Tân Cảnh, Kontum, đang khi chỉ huy một chi đoàn chiến xa M.41 (thuộc Thiết đoàn 14 Kỵ Binh) chống lại Cách Mạng, vì quá bất ngờ trước vũ khí chống tăng AT.3 do Nga viện trợ lần đầu xuất hiện ở chiến trường Việt Nam. Sau Hiệp định Paris anh được trao trả tù binh. Về Nam, bất chấp lời quản giáo, anh lại tiếp tục chống phá Cách mạng cho đến khi có lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh, mới chịu bỏ lại chiến xa ở Ngã Bảy Chợ Lớn, trưa Ngày 30 Tháng Tư, 75.

Bây giờ nhờ đi giải phóng, vào Nam, so sánh hai miền, mình mới hiểu tại sao người anh họ mình lại “ngoan cố” như vậy; ngoan cố đến nỗi, khi giữ Miền Nam không được, anh ấy phẫn uất lắm. Hèn chi ngày ấy mình thấy hai mắt anh đỏ hoe. Gặp mình mà rơi vào trường hợp anh ấy, mắt mình chắc đui luôn.

Trở lại ngày gặp gia đình ông cậu, mà sau này ca dao tục ngữ gọi là, “người Nam nhận họ, người Bắc nhận hàng”. Mà sau khi nhận họ, mình được nhận hàng thật. Ông cậu sắm cho mình từ cái bàn chải, hộp kem đánh răng đến đồng ồ, đài rađiô, là những thứ ngoài ấy nằm mơ cũng không thấy.

Thế rồi 48 giờ phép qua đi thật mau, mình chẳng muốn về lại đơn vị chút nào, mình ước chi được ở mãi trong nhà ông cậu Ngụy. Nhưng biết sao hơn, mình chỉ biết nói với gia đình ông cậu:

“Có vào đây con mới biết đồng bào ngoài Bắc quá khổ!" Mình là bác sĩ mà khổ vậy huống chi là dân thường.

Mình nói câu ấy, mà cóc ngán người bạn đồng đội của anh G là bên thua cuộc vừa đến ghé thăm anh nghe được.

Vắn tắt, mình được như hôm nay cũng là nhờ giải phóng được Miền Nam. Nói đúng hơn: mình được Miền Nam giải phóng cho khỏi cảnh khố rách áo ôm...

Rõ ràng là như vậy rồi chứ còn gì nữa... nên có ngu mới không biết Tạ Ơn Giải Phóng.

Chỉ tội cho đồng bào Miền Nam, đúng là bị phỏng hai hòn, nên họ hận Bác và Đảng muôn đời... sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi, nếu đảng ta không tự thay đổi.



No comments:

Post a Comment