Friday, September 28, 2018

Những giòng nước ô nhiễm quanh khu công nghiệp Tân Bình

Nhóm phóng viên từ VN 
Theo RFA-2018-09-28  
Một giòng kênh ô nhiễm gần khu công nghiệp Tân Bình.
 Một giòng kênh ô nhiễm gần khu công nghiệp Tân Bình.RFA
Khoảng tháng 8 năm ngoái, chúng tôi có gửi đến quý vị phóng sự về vấn đề ô nhiễm con sông Vàm Thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn 1 năm chúng tôi quay trở và nhận thấy thực tế không có gì cải thiện. Các kênh rạch khác xung quanh khu công nghiệp Tân Bình cũng chung một số phận.
Thực tế sau một năm khi chúng tôi thực hiện phóng sự về tình trạng ô nhiễm tại khu vực Sông Vàm Thuật được dân nêu rõ:
Nạo vét gì. Vẫn ô nhiễm vẫn hôi thối vậy. Vừa rồi chính quyền có nạo vét nhưng chỉ bớt cái lớp sình đi thôi, nước của nó ô nhiễm. Nước ở trên kia nó chảy xuống đây hôi thối dân chịu không được.
Lập luận cho kết luận Khu Công nghiệp Tân Bình gây xả nước thải khiến ô nhiễm nặng các con kênh, các dòng sông xung quanh được người dân nêu ra:
Khi nào mà khu công nghiệp nó hoạt động lại thì nước nó đen. Còn nó không hoạt động thì nước trong veo. Cái này đâu phải là do mình xài nước xài sinh hoạt xả ra. Nước sinh hoạt xả ra đâu có bị.
Những người dân được tiếp xúc đều khẳng định như thế. Một người dân sống cạnh con kênh 19/5 – thuộc khu công nghiệp Tân Bình khẳng định:
Do khu công nghiệp xả ra, chứ độc có người dân làm gì đến mức độ này.
Người dân sống dọc sông Vàm Thuật cũng đồng tình với kết luận ô nhiễm nơi đây là do khu công nghiệp Tân Bình xả thải.
Cách đây cũng mười mấy năm rồi. Cái này là do mấy xí nghiệp trên Tân Bình nó xả nước ra nó mới làm dơ. Chứ trước tui ở hồi đó giờ đâu có bị.
Một con kênh khu Tân Bình.
Một con kênh khu Tân Bình. RFA
Khu công nghiệp xả thải gây ô nhiễm kéo dài mười mấy năm nhưng tình trạng này vẫn kéo dài mà không được chính quyền giải quyết.
Mười mấy năm nay rồi. Nhà nước phải có quy hoạch làm sao để cải tạo được cái đường nước này chứ cứ để nó ô nhiễm thế này hoài mạch nước ngầm nó cũng bị ảnh hưởng. Cái thứ hai là mùi hôi ở sông nó bốc lên làm cho con người bệnh hoạn. Cũng yêu cầu nhà nước quyết tâm dẹp bỏ được càng sớm càng tốt.
Cũng phản ảnh mà đâu có ăn thua gì. Xí nghiệp nó đóng thuế này kia cho, giờ mình phải chịu thôi chứ giờ sao. Chứ hồi xưa sông này cá tôm nhiều lắm, tôm càng xanh nhiều lắm. Nước cạn cứ đi bắt, còn đi đãi trùn, giờ không có con gì sống.
Muốn cải tạo thì di dời hết ba cái như là dệt Thắng Lợi, nhà máy hóa chất Tân Bình…may ra nó còn trong sạch được. Mấy ngày Tết xí nghiệp nó nghỉ thì con kênh này trong. Cứ mùng 1,2,3 con kênh này nước trong lắm.
Ngoài tác động đến sức khỏe của người dân trong khu vực, nhiều vật dụng của người dân cũng bị hư hại mà theo người dân là do các chất  trong không khí gây nên.
Ô nhiễm ở riết thì nó quen cái hơi, cái mùi. Người khác tới đây thì chịu không nổi. Với lại máy móc tivi, ổ điện máy móc là hư hết tại vì cái hơi nước này nè nó dơ lắm. Vừa rồi tui lội xuống nó ám vào người mình rửa chà không đi được.
Tivi hay máy móc mà xài là một thời gian tự nhiên ở trong là ốc với mấy cái mạch đổi thành màu đen, nó hư hết. Tôn (tole) vừa lợp xong cỡ 6 tháng sau là nó mục hết. Mục ở trong nhà nó mục ra đó nha. Chứ còn mục ở ngoài trời mục vô thì gọi là nước mưa. Tôn nó còn mục sắt thép còn hư thì người làm sao mà sống nổi. Tại mình khổ quá mình cứ đeo ở đây mà sống thôi chứ…
Một giải pháp được nêu ra trong trường hợp không di dời khu công nghiệp gây ô nhiễm thì phải đền bù cho dân để họ tìm nơi ở mới. Tuy nhiên giải pháp này cũng bế tắc và người dân phải bỏ tiền ra để góp phần giảm thiểu ô nhiễm mà họ phải gánh chịu
Nếu không ấy thì phải giải tỏa nó đi, giải tỏa thì nó bắt phải đền bù. Đền bù thì tiền đâu mà đền bù cho nó. Cho nên nếu mà anh còn ở đây thì anh phải đầu tư vào với nhà nước để làm cái cống hộp.
Tình trạng các khu công nghiệp không thực tâm đầu tư công trình xử lý và rồi lực lượng chức năng không kiên quyết vẫn bị người dân chỉ ra. Họ mong muốn chính quyền xử lý nghiêm ngặt vấn đề xả thải, hoặc là di dời khu công nghiệp. Tuy nhiên những mong muốn đó vẫn chưa được đáp ứng và cư dân địa phương là những người phải trực tiếp gánh chịu mọi hậu họa của nạn xả thải của các nhà máy công nghiệp.

No comments:

Post a Comment