Wednesday, September 19, 2018

‘Cơn địa chấn’ Công nghệ giáo dục

RFA-2018-09-18   
Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tác giả của chương trình Công nghệ Giáo dục
Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tác giả của chương trình Công nghệ Giáo dục-RFA edit
Thời gian gần đây, dư luận mạng xã hội và truyền thông trong nước xôn xao với những tranh luận bất bình  liên quan đến chương trình Công nghệ giáo dục (CNGD), cụ thể là bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục” của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Vì sao đến sau 40 năm thực nghiệm, giữa lúc công cuộc cải cách giáo dục đang là đề tài được nói đến rất nhiều thì chương trình Công nghệ giáo dục bỗng dưng trở thành 1 cơn địa chấn trong dư luận?
RFA có cuộc nói chuyện với chính tác giả của chương trình Công nghệ giáo dục, Giáo sư Hồ Ngọc Đại và những ý kiến khác để tìm hiểu về sự việc này.

Công nghệ giáo dục (CNGD) là gì?

Thật sự là những ngày qua, câu chuyện về CNGD và tác giả là Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã được ‘xới tung’ và bùng nổ như 1 cơn địa chấn giáo dục. Sự việc này tiếp diễn ngay sau sự hoang mang về bảng chữ cái của Giáo sư Bùi Hiền. Và ngay sau đó là những vấn đề liên quan đến độc quyền sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục.
Tuy nhiên, CNGD của Giáo sư Hồ Ngọc Đại cùng với câu chuyện “tròn, vuông, tam giác” vẫn là vấn đề được nhiều người quan tâm nhất.
RFA được nghe chính Giáo sư Hồ Ngọc Đại lên tiếng về điều  này:
“Tôi là 1 người cả đời đi dạy học, nên thành tựu ấy là tự nhiên. Và trong công trình ấy, tôi xem là tôi, của tôi, để tôi chịu trách nhiệm và để chứng tỏ mình có thể sử dụng nó hoàn toàn tự do, không xin ý kiến của ai cả, không phải trao đổi hay thương lượng với ai cả.
Công trình này có mầm móng từ trước tôi. Nhưng trước tôi họ còn kinh điển quá. Còn tôi là giáo viên nên tôi thực hành nhiều hơn.
CNGD là khoa học nhưng kỹ thuật hoá được, công nghệ hoá được. Khi anh đi vào thực tiễn thì phải công nghệ hoá nó đi. Khi công nghệ hoá thì người ta tưởng là máy móc, người ta chống lại, nhưng thật ra bất cứ việc gì cũng có quá trình hình thành của nó. Và trong quá trình ấy thế nào cũng có quá trình tối ưu.”
Giáo sư Hồ Ngọc Đại và bộ sách giáo khoa Công nghệ Giáo dục
Giáo sư Hồ Ngọc Đại và bộ sách giáo khoa Công nghệ Giáo dụcCourtesy of vietnamnet.vn
CNGD là khoa học nhưng kỹ thuật hoá được, công nghệ hoá được. Khi anh đi vào thực tiễn thì phải công nghệ hoá nó đi. Khi công nghệ hoá thì người ta tưởng là máy móc, người ta chống lại, nhưng thật ra bất cứ việc gì cũng có quá trình hình thành của nó. Và trong quá trình ấy thế nào cũng có quá trình tối ưu. - GS Hồ Ngọc Đại
Ông cho biết công trình khoa học của ông là đơn giản là nghiên cứu về sự tối ưu đó.
Sự tối ưu của chương trình CNGD là gì? Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho biết:
“Là ở khả năng tổ chức và kiểm soát được quá trình trẻ em học tập. Tức là đảm bảo cho trẻ em là ai cũng học được cả. Học gì được nấy, học đâu chắc nấy. Cho nên dọc suốt theo quá trình học không có ôn tập.
Cái này đảm bảo cho mỗi 1 giây phút học của trẻ con đều có giá trị.”
Theo đánh giá của vị giáo sư này, các nhà giáo dục xưa nay làm việc tuỳ tiện và làm theo kinh nghiệm nên họ tưởng đó là máy móc. Ông khẳng định bất cứ cái gì khi được hình thành nên cũng có qui trình và quá trình của nó, chỉ có chúng ta không biết về quá trình đó mà thôi.

Cơn bão dư luận sau 40 năm thực nghiệm

Và chính quá trình, qui trình của chương trình CNGD đó đang gây hoang mang và tác giả của nó đang ở tâm chấn của cơn bão dư luận sau hơn 40 năm thực nghiệm.
Những ngày qua, câu chuyện "tròn, vuông, tam giác" bỗng dưng có 1 vị trí không hề nhỏ trong tình hình thời sự ở Việt Nam. Có phải nó đang thể hiện một thực tế rất hoang mang về nền giáo dục sau 40 thực nghiệm hay không?
Bối cảnh sự việc được Giáo sư Hoàng Xuân Quảng, Hiệu phó Đại học An Giang ghi nhận không phải là dư luận không có lý khi cho rằng “có lợi ích nhóm” phía sau đó. Trước tiên ông chia sẻ nhận định về tác giả của chương trình Công nghệ giáo dục (CNGD) – Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
“Giáo sư Hồ Ngọc Đại là 1 nhà khoa học mà tôi đánh giá rất cao. Ông bỏ cả cuộc đời để nghiên cứu 1 vấn đề để đóng góp 1 cái gì đó cho giáo dục.
Tôi thấy hơi lạ. Toàn bộ thực nghiệm trong 40 năm, thành quả đã ra rất là nhiều rồi, bao nhiêu lớp học trò, bây giờ chỉ căn cứ vài trang của sách giáo khoa đẩy chuyện lên thì tôi nghĩ chuyện không bình thường lắm.”
Tôi thấy hơi lạ. Toàn bộ thực nghiệm trong 40 năm, thành quả đã ra rất là nhiều rồi, bao nhiêu lớp học trò, bây giờ chỉ căn cứ vài trang của sách giáo khoa đẩy chuyện lên thì tôi nghĩ chuyện không bình thường lắm. - GS Hoàng Xuân Quảng
Câu chuyện gần đây được báo chí trong nước khơi gợi lại từ những năm học 1985-1986, chương trình thực nghiệm (sau này gọi là CNGD) được sự cho phép của Bộ GD&ĐT thực hiện tại Trường tiểu học Hòa Bình (quận 1).
Trường tiểu học Thực nghiệm quận 1 áp dụng  từ năm học 1986-1987. Sau đó là các Trường tiểu học Lương Định Của (quận 3), Bàu Sen (quận 5), Đinh Tiên Hoàng (quận 9) và Lê Văn Sĩ (quận Tân Bình).
Đến năm 1989-1990, chương trình CNGD được tự nguyện triển khai đến nhiều trường khác trong toàn thành phố.
Năm 2017, Bộ GD&ĐT có văn bản về triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu CNGD.
Năm 2018, Bộ tiếp tục có văn bản về triển khai dạy học môn Tiếng Việt lớp 1- CNGD năm học 2018-2019.
Nói tiếp về bản chất của cơn địa chấn tranh cãi về CNGD, Giáo sư Hoàng Xuân Quảng cho biết:
“Đúng là bây giờ tình trạng mỗi người tiếp nhận vấn đề mỗi cách khác nhau, nhưng đúng là rối. Nền giáo dục rối. Nó chấp nối những vấn đề không liên quan đến nhau mà thành ra chuyện. Chẳng hạn như chuyện cải cách chữ tiếng Việt như ông Bùi Hiền ráp nối cách đánh vần của ông Hồ Ngọc Đại. Thật ra chương trình của ông Hồ Ngọc Đại không phải chỉ riêng cho đánh vần không, mà là cả 1 hệ thống quan điểm đã thực thi từ lâu rồi, đã thí điểm từ cuối năm 70.”
Vẫn theo Giáo sư Hoàng Xuân Quảng, nếu nói về khía cạnh tranh luận khoa học thì lâu nay đã có rất nhiều tranh luận. Thực tế cho thấy đã có khoảng 800 ngàn học sinh tiểu học theo học chương trình CNGD này.

Nền giáo dục quá lạc hậu

Giải thích về công trình nghiên cứu khoa học của mình được công nhận nhưng được thực nghiệm rải rác trong 40 năm, giáo sư Hồ Ngọc Đại chia sẻ:
“Đây là 1 vấn đề về xã hội, tôi không quyết định được. Trong xã hội này nó có nhiều xu hướng, nhiều nhu cầu, nhiều lợi ích. Cái đó thì tôi không can thiệp. Mỗi người sống có lý tưởng và mục đích của mình, tuỳ họ chọn lựa.”
Riêng việc 40 năm mà không làm gì được… Đông như thế mà không là gì được cả?”
Không ngần ngại trả lời cho chúng tôi biết chủ thể của “đông” mà ông nói đến là ai, giáo sư Hồ Ngọc Đại nói: “Những người có trách nhiệm hiện nay đông quá.”
Một tuần trước đây, báo chí trong nước “mổ xẻ” về sách Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại. Không chỉ các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tỏ ra bất ngờ về phương pháp dạy tiếng Việt đã được thực nghiệm giảng dạy suốt… 40 năm qua, mà chính bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đặt câu hỏi: “Thực nghiệm gì mà mấy chục năm như vậy?”
Đáp lại câu hỏi của bà Chủ tịch Quốc hội, giáo sư Hồ Ngọc Đại nói về nền giáo dục ngày nay ở Việt Nam đã quá lạc hậu, về bản chất không có gì tiến bộ so với mấy chục năm trước.
“Chừng nào đi mà không bằng chân thì mới đi nhanh được. Chừng nào thầy không giảng thì kết quả mới cao được. Tức là khi nào thầy không giảng, trò học tự nhiên thôi thì kết quả giáo dục cao nhất.”
Chừng nào đi mà không bằng chân thì mới đi nhanh được. Chừng nào thầy không giảng thì kết quả mới cao được. Tức là khi nào thầy không giảng, trò học tự nhiên thôi thì kết quả giáo dục cao nhất. - GS Hồ Ngọc Đại
Ông khẳng định công trình nghiên cứu khoa học CNGD của ông là vứt bỏ nền giáo dục cũ là dựa vào đôi chân, nền giáo dục của ông là dựa vào trí tuệ.
Một ghi nhận nghiên cứu sinh Việt Nam tại Phần Lan được báo soha.vn trích dẫn lại cho biết: " GS Đại chủ trương "Thầy thiết kế - trò thi công", tức là thầy chỉ giúp học sinh phương pháp để học sinh tự tìm ra lời giải, chứ thầy không giải thay học sinh. Phần Lan bây giờ cũng quan niệm: "Trước đây giáo viên đọc học sinh chép; giờ đây giáo viên hướng dẫn cách học".
Sáng 14-9, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM đã có văn bản thông tin chính thức quyết định không triển khai chương trình Công nghệ giáo dục tại TP.HCM. Không biết rằng cơn bão địa chấn CNGD sẽ sớm chấm dứt hay không nhưng rõ ràng, qua những diễn tiến vừa qua cho thấy, công cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam là một con đường dài có rất nhiều cơn địa chấn khác trước mắt.

No comments:

Post a Comment