Wednesday, May 2, 2018

'Chống tham nhũng' hay kéo dài độc tôn thêm quyền lực? *

Ánh Liên (VNTB) Câu chuyện chống tham nhũng của đương kim TBT Nguyễn Phú Trọng tiếp tục là sự tranh luận với nhiều quan điểm trái chiều.

Một luật sư bầu chữa cho những nhà đấu tranh dân chủ - nhân quyền tại VN là ông Hà Huy Sơn đã tóm tắt câu chuyện chống tham nhũng bằng luận điểm: Cái vòng kim cô kìm hãm dân tộc. Tham nhũng là quốc nạn nhưng quan trọng hơn nó làm cho cái vòng kim cô lỏng lẻo. Chống tham nhũng mục đích chính là siết lại cái vòng đó.

Quan điểm này được hiểu là, cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay là cuộc chiến chống tham nhũng trong Đảng và do Đảng tự thiết lập, tiến hành. Hay nói như Facebooker Hoangducdoanh Hoang là 'chống tham nhũng để... độc quyền tham nhũng!'.


Ông TBT Nguyễn Phú Trọng trong một phiên họp của Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng. Ảnh: VTV

Quan điểm này có sai? 

Trong ngày 27.04, ông Tổng Bí thư đã ra chỉ đạo, theo đó, ông khẳng định, ‘nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong Phòng chống tham nhũng, củng cố niềm tin và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao’. Quan điểm này khoanh vùng trong chủ thể tham nhũng là đối tượng đảng viên và cơ quan chống tham nhũng là sự kết hợp giữa Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Và cuộc chiến chống tham nhũng chính lại cuộc chiến xây dựng lại sự uy tín, lớn mạnh của ĐCSVN.

Nhiều quan điểm của phía học giả nước ngoài cũng đồng tình về sự kiện này. Khi mới đây, David Brown – một nhà cựu ngoại giao Mỹ tại Việt nam đã chia sẻ quan điểm về cuộc chiến chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng trên trang Asia Sentinel. Theo đó, tác giả dẫn lại mục đích của cuộc chiến chống tham nhũng mà ông TBT Nguyễn Phú Trọng thừa nhận là nhằm tránh rơi vào ‘mất đảng và hệ thống chính trị; tránh cho cuộc cách mạng bị sụp đổ’.

Một logic có vẻ sẽ được đặt ra, đó là khi vai trò của Đảng đi xuống (thời kỳ TBT Nông Đức Mạnh), thì tệ tham nhũng sẽ gia tăng và ngược lại. Quan điểm này củng cố và ủng hộ sự gia tăng mạnh sự lãnh đạo toàn diện trở lại của ĐCSVN, và cuộc chiến chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ dễ dàng trở thành tiền đề để thiết lập luận điểm: đảng mạnh, thì dân tộc trường tồn trên cơ sở hạn chế tham nhũng. Hay câu nói quen thuộc hơn là 'Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố cơ bản quyết định mọi thắng lợi của cách mạng (bao gồm cả cuộc cách mạng trong phòng chống tham nhũng)'.

Nhưng rõ ràng, tham nhũng trở thành quốc nạn hiện nay lại đến từ chính yếu tố 'mạnh và lãnh đạo toàn diện của Đảng'. Hay đúng hơn, sự quyền lực thái quá trong Đảng là nguồn gốc của tệ tham nhũng hiện nay (độc tôn thêm quyền lực sinh ra quốc nạn tham nhũng).


Vậy tham nhũng tại Việt nam phải được hiểu như thế nào trong mối tương quan với ĐCSVN? Phải chăng chính cái thời kỳ phát sinh mạnh nhất của hoạt động tham nhũng là thời kỳ mà pháp luật và các quy định kèm theo của nó đã không được coi trọng, và bản thân các vụ án tham nhũng hiện nay không phải xuất phát từ làm trái các quy định của đảng mà ngược lại là lách luật và làm trái các quy định của nhà nước.

Ông Trọng làm tốt: rồi sao nữa?

Nhìn theo đúng bản chất của vấn đề, siết chặt tham nhũng hiện nay của ông Nguyễn Phú Trọng là đi theo con đường siết chặt kỷ cương – kỷ luật trong đảng, còn đặt trong chủ thể kiểm soát đảng trong xã hội thì dường như chưa được đụng chạm tới. Trong khi đó, một cá nhân lãnh đạo có thể làm tốt việc ‘kỷ luật’ và làm cho con sâu tham nhũng run sợ, bởi cá nhân đó chưa phát hiện hoặc bị dính líu một cách rõ ràng nào đến đường dây tham nhũng, cũng như bản thân sự ‘quá tuổi nghỉ hưu’ cũng đưa đến tâm thế không còn gì để mất. Tuy nhiên, khi ông Nguyễn Phú Trọng rời nhiệm sở, thì liệu người kế nhiệm của ông có đáp ứng được các yếu tố nêu trên? Hay lúc này, lại rơi vào một giai đoạn mới của sự thiết lập các giá trị lợi ích nhóm mới và mở đầu cho một sự tinh vi của tham nhũng?

Tất cả là sự lo ngại, và không thể loại trừ sự lo ngại đó. Vì vậy, tiến trình chống tham nhũng hiện nay có thể tạm thời đánh giá là thành công theo hướng 'giai đoạn', chứ không đồng nghĩa là đảng hoặc cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng đã kiểm soát được tham nhũng và dẫn đến tiến trình 'Đảng trong sạch, đảng vững mạnh' một cách hoàn toàn được. Mặc dù, người viết cũng chạm đến một quan điểm, liệu rằng 'cho ông ấy một điểm tựa để ông ấy có thể “nhấc bổng” Việt Nam lên được không?'.

Vấn đề là, sự phấn khởi niềm tin của nhân dân, lại như một liều thuốc kích thần, khiến duy trì thêm hơn nữa tính chính danh của ĐCSVN, và tính chính danh này nếu không duy trì một chính sách kiểm soát quyền lực một cách rõ ràng thông qua chiến dịch chống tham nhũng lâu dài thì nó sẽ nhanh chóng đưa đến một hệ quả tồi tệ, đó là kéo dài khoảng thời gian dài cho sự độc tôn quyền lực – nơi mà tham nhũng và lạm dụng quyền lực sẽ bộc phát bất cứ khi nào. 

‘Chống tham nhũng để gia tăng độc tôn quyền lực’ vì thế không phải là thiếu căn cứ và bản thân Đảng sẽ không bao giờ dừng nảy sinh những vấn đề tiêu cực. Do đó, chỉ có tiến hành rộng rãi các giá trị pháp luật, trong đó mở rộng sự cải cách liên quan đến pháp luật nhà nước, và lấy chủ thể nhà nước để kiểm soát quyền lực của đảng trong đời sống kinh tế - chính trị thì mới thực sự tạo ra động lực của một cuộc chiến chống tham nhũng toàn diện và lâu dài được, bởi nơi đó, không chỉ còn có một chủ thể là Tổng Bí thư với Ủy ban kiểm tra trung ương, mà phải có thêm sự xuất hiện sự giám sát của nhân dân, của xã hội dân sự,...

Và điều này là rất quan trọng!

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả về cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay của ĐCSVN - quan điểm được bảo hộ bởi Điều 19 - Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

No comments:

Post a Comment