QUẢNG NINH, Việt Nam (NV) – Đến khu du lịch Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, du khách không khỏi choáng ngợp trước các biển hiệu tiếng Trung Quốc đặt chi chít, khiến nơi này giống như một khu phố bên Trung Quốc.
Theo báo Thanh Niên, lượng khách du lịch Trung Quốc ồ ạt đến Quảng Ninh thời gian gần đây khiến các cửa hàng ở khu du lịch Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, trương nhiều biển hiệu bằng tiếng Trung thay cho tiếng Việt.
Cụ thể, trên các tuyến đường Hạ Long, Vườn Đào, Hậu Cần… có nhiều cửa hàng treo biển hiệu chỉ dùng tiếng Trung Quốc với hai màu vàng-đỏ, màu sắc chủ đạo của nước này, mà không hề bị chính quyền địa phương xử phạt, tháo dỡ.
Đáng chú ý, có những cửa hàng treo biển hiệu tiếng Việt một đằng, tiếng Trung Quốc một kiểu. “Họ quảng cáo tiếng Trung rằng có nước hoa, vòng ngọc bằng… gỗ quý nhưng thực tế bên trong lại không có những loại hàng này,” ông Trần Vinh, hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung, cho biết sau khi đọc một số biển hiệu.
Ngày 10 Tháng Tư, nói với báo Thanh Niên, ông Đoàn Ngọc Nam, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân phường Bãi Cháy, xác nhận các cửa hàng treo biển toàn tiếng Trung Quốc là sai quy định và cho rằng “Lực lượng chức năng của phường đang tiến hành rà soát, nhắc nhở các hộ kinh doanh, sau đó sẽ ra quân tháo dỡ biển hiệu sai quy định trong vài ngày tới.”
Trong khi đó, ông Bùi Quang Nam, chánh thanh tra Sở Văn Hóa-Thể Thao tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Những biển quảng cáo tại khu du lịch Bãi Cháy hầu hết vi phạm quy định. Hồi đầu năm, thanh tra sở có đi kiểm tra việc này ở thành phố Hạ Long nhưng chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt.”
Theo ông Nam, việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định của Luật Quảng Cáo. Biển hiệu phải bảo đảm mỹ quan; phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn và không được lấn át chữ Việt Nam.
“Biển quảng cáo không được che kín mặt tiền, mỗi cửa hàng chỉ được đặt một biển chính và một biển phụ. Ngoài ra, biển quảng cáo phải bảo đảm trật tự đô thị, không được treo một cách tùy tiện,” ông Nam cho biết.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng: “Một trong những khó khăn hiện nay của lực lượng thanh tra Sở Văn Hóa-Thể Thao là không có người nào biết tiếng Trung Quốc, nên nếu đi kiểm tra những nội dung viết bằng tiếng Trung Quốc phải mời chuyên gia đi cùng.”
Hồi đầu Tháng Tư, truyền thông Việt Nam đã phản ánh, nhiều du khách trong và ngoài nước đến thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, không khỏi giật mình, cứ tưởng mình đang ở một xứ nào đó chứ không phải Việt Nam, bởi vì các biển hiệu hàng quán, dịch vụ đều bằng ngôn ngữ Nga và Trung Quốc. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment