Wednesday, March 14, 2018

CCB: ‘Lễ cầu siêu liệt sĩ Gạc Ma không phải do nhà nước tổ chức’

VOA Tiếng Việt-13/03/2018 
Một lễ cầu siêu được tổ chức ở Đà Nẵng hôm 13/3 cho các tử sĩ Việt Nam trong trận Gạc Ma năm 1988
Một lễ cầu siêu được tổ chức ở Đà Nẵng hôm 13/3 cho các tử sĩ Việt Nam trong trận Gạc Ma năm 1988
Thân nhân và các cựu chiến binh tổ chức lễ cầu siêu vào sáng sớm ngày 13/3 tại Đà Nẵng cho các binh sĩ Việt Nam tử trận tại Gạc Ma cách đây 30 năm. Ở Hà Nội, một nhóm các nhà hoạt động tưởng niệm tại một nghĩa trang nơi an nghỉ của nhiều liệt sĩ thời chiến tranh 1979.
Cầu siêu này không phải của cấp nhà nước. Cầu siêu đây của những người lính, hội cựu chiến binh, những đồng đội, cùng với nhau về đấy, làm đấy, tổ chức.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương
Cựu chiến binh đồng thời là nhân chứng trận Gạc Ma, ông Nguyễn Văn Chương, nói với VOA rằng khoảng 100 người tham gia lễ cầu siêu trên một khu đất cạnh cảng cá Thọ Quang để tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh hôm 14/3/1988 tại bãi Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa.
Ông Chương cho biết thêm:
“Cầu siêu này không phải của cấp nhà nước. Cầu siêu đây của những người lính, hội cựu chiến binh, những đồng đội, cùng với nhau về đấy, làm đấy, tổ chức, không có cấp nhà nước nào cả”.
Báo Thanh Niên mô tả rằng theo nghi thức cầu siêu, một bàn thờ lớn được lập với 64 bài vị đặt trang trọng trên 2 kệ dài. Ban tổ chức cúng đồ chay và chuẩn bị một số lễ vật để thả theo hoa đăng vào chiều cùng ngày.
Các tài liệu của Việt Nam nói cách đây 30 năm, hải quân Việt Nam đã điều 3 tàu vận tải với lính công binh cùng vật liệu ra cắm cờ và xây dựng tại các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao “để khẳng định chủ quyền của Việt Nam”. Đó là một phần trong chiến dịch có tên “Chủ quyền 88” của Việt Nam.
Ngày 14/3/1988, 3 tàu chiến Trung Quốc đã tìm cách ngăn cản công việc của các binh sĩ Việt Nam, sau đó đã nổ súng vào họ cũng như các tàu Việt Nam. Hành động này làm 64 binh sĩ Việt Nam thiệt mạng, nhiều người bị thương. Sau biến cố đẫm máu này, Trung Quốc làm chủ Gạc Ma, Việt Nam giữ Cô Lin và Len Đao.
Trang Zing News của Việt Nam đăng một bài dài nói về sự kiện này với hàng tít “Gạc Ma 30 năm – không hy sinh nào vô nghĩa”, trong đó trích lời chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói rằng: “Trận Gạc Ma theo tôi không phải là một trận hải chiến. Hải quân Việt Nam có bắn lại hải quân Trung Quốc phát súng nào đâu … Tôi gọi trận Gạc Ma là một trận thảm sát của hải quân Trung Quốc với hải quân Việt Nam … Vụ Gạc Ma phải nói thẳng cho thế giới biết rằng đó là một cuộc thảm sát”.
Một video hơn 4 phút của Zing tóm tắt về vụ bắn giết ở Gạc Ma có dòng chú thích “Gạc Ma 14/3/1988, cuộc thảm sát hèn hạ”.
Tại buổi cầu siêu sáng 13/3, bà Phan Thị Lê, người có em trai là Phan Văn Sự hy sinh tại Gạc Ma, nói với báo Thanh Niên: “Mất mát nào cũng đau khổ nhưng sự hy sinh của Sự cho Tổ quốc cũng là niềm tự hào của gia đình”.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương bày tỏ cảm xúc với VOA:
“Hôm nay tôi dự lễ cầu siêu đó, lễ tưởng nhớ đến 64 chiến sĩ ở đảo Gạc Ma. Đồng đội đã ngã xuống thì đối với bản thân phải nói là … [im lặng] … cái này cảm động quá mình không nói được đâu”.
Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sa (thời kỳ 1984 -1988) tại TP.Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Tấn, cho Thanh Niên biết sau lễ cầu siêu, ngày 14/3, ban liên lạc có kế hoạc tổ chức buổi gặp mặt nhằm “ôn lại truyền thống của đơn vị, thăm hỏi động viên cán bộ chiến sĩ từng tham gia chiến dịch Chủ quyền 88 tại quần đảo Trường Sa”.
Các nhà hoạt động hôm 13/3 tưởng nhớ các liệt sĩ trân Gạc Ma tại nghĩa trang Tây Tựu, Hà Nội
Các nhà hoạt động hôm 13/3 tưởng nhớ các liệt sĩ trân Gạc Ma tại nghĩa trang Tây Tựu, Hà Nội
Cũng trong ngày 13/3, một nhóm 10 nhà hoạt động đã đặt vòng hoa và căng biểu ngữ tưởng niệm các liệt sĩ và sự kiện Gạc Ma tại nghĩa trang liệt sĩ Tây Tựu ở ngoại ô Hà Nội. Bà Nguyễn Thúy Hạnh, người tham gia cuộc tưởng niệm nói với VOA:
“Hôm nay, người phụ trách, trông nom ở nghĩa trang họ đề nghị chúng tôi không được căng biểu ngữ. Thế nhưng chúng tôi có giải thích với họ về việc cần thiết phải tưởng niệm, thì họ cũng đồng ý cho chúng tôi đứng gần nơi thắp hương. Và họ cũng không có sự ngăn cản quyết liệt mà họ chỉ đề nghị làm nhanh xong thôi”.
Bà Hạnh cho biết thêm các nhà hoạt động vẫn có kế hoạch dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm tại tượng đài Vua Lý Thái Tổ ở trung tâm Hà Nội đúng ngày 14/3. Cuộc tưởng niệm trước một ngày ở Tây Tựu, theo bà Hạnh, là để bảo đảm rằng các nhà hoạt động vẫn bày tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ đến các liệt sĩ trận Gạc Ma, đề phòng trường hợp “chính quyền ngăn cản” cuộc tưởng niệm vào đúng ngày.
... không tưởng nhớ đến sự kiện Gạc Ma, không tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, thì đấy không những là thiếu sót, mà là một tội ác đối với dân tộc và đối với những người đã khuất ...
nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh
Trong nhiều năm gần đây, Việt Nam chưa tổ chức lễ tưởng niệm chính thức cấp nhà nước về sự kiện tháng 3/1988 ở Trường Sa, cũng như về cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc nổ ra năm 1979. Việc này đã dẫn đến nhiều chỉ trích trong công chúng.
Hiện chưa có thông báo chính thức nào cho biết liệu nhà nước có tổ chức tưởng niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma vào ngày 14/3 hay không.
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh nêu quan điểm nếu nhà nước không tưởng niệm:
“Hiện nay, Trung Quốc đang ngày càng áp đảo, lấn chiếm đất đai, biển đảo của ta, mà lại không tưởng nhớ đến sự kiện Gạc Ma, không tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, thì đấy không những là thiếu sót, mà là một tội ác đối với dân tộc và đối với những người đã khuất, và cả đối với những người đang còn sống đây. Nhà cầm quyền nếu làm như thế thì nhân dân không thể chấp nhận được”.
Khi được VOA hỏi nhà nước hay quân đội có nên tổ chức lễ tưởng niệm chính thức 30 năm trận Gạc Ma hay không, cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương nói:
“Cái đó thì bây giờ tôi cũng không biết đâu”.
Sau biến cố cách đây 30 năm, hiện nay, Gạc Ma được Trung Quốc xây dựng thành một đảo lớn “trông như một thành phố nổi”, theo lời mô tả của một số phóng viên Việt Nam đã đến đảo Cô Lin, cách đó khoảng 3,5 hải lý.

No comments:

Post a Comment