Sunday, December 25, 2016

Có bao nhiêu án oan tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Thanh Chấn, một người bị oan nổi tiếng, trong ngày được trả tự do. (Hình: Pháp Luật Thành Phố)
HÀ NỘI (NV) – Có bao nhiêu người bị kết án oan ức dù người ta không phạm tội tại Việt Nam trong hàng trăm ngàn vụ án?
Đây là câu hỏi được luật sư Lê Công Định nêu ra trong một bài viết ngắn trên mạng xã hội hôm Thứ Sáu, 23 Tháng Mười Hai, 2016, khi ông hỏi rằng “Còn bao nhiêu bản án và nghi án oan khuất nữa đang dày vò thân phận của bao người mà chúng ta biết và không biết đến?” nhân có tin tử tù Hàn Đức Long mới được trả tự do sau 4 lần bị kết án tử hình khi bị vu cho tội hiếp dâm và giết một bé gái 5 tuổi hàng xóm.

Buổi tối 20 Tháng Mười Hai, 2016, ông Hàn Đức Long (57 tuổi, cư dân thôn Yên Lý xã Phúc Sơn huyện Tân Yên, Bắc Giang) trở về nhà trong sự ngỡ ngàng của gia đình theo “quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can” đối với ông vì “không đủ căn cứ kết tội” của Viện Kiểm Sát tỉnh Bắc Giang.
Luật sư Ngô Ngọc Trai, một trong những luật sư theo đuổi vụ này, từng có nhiều bài viết liên quan đến vụ án. Vợ ông đã cầm cố cả nhà đất, hàng ngày đi làm thuê, lấy tiền chạy ngược chạy xuôi kêu oan cho ông hơn 11 năm trời. Cả ông cựu tổng bí thư đảng, Lê Khả Phiêu, cũng đã viết thư cho ông Trương Tấn Sang, khi đang là chủ tịch nước, yêu cầu xét lại bản án.
Trước nhiều áp lực, ông Hàn Đức Long mới được trả tự do. Ra tù, ông nói rằng nếu không “nhận tội” thì ông đã bỏ xác trong tù bởi những trận tra tấn khủng khiếp bên trên sức chịu đựng. Không có chứng cứ nào từ nhân chứng đến vật chứng chứng tỏ ông là thủ phạm, công an CSVN chỉ căn cứ vào lời “tố cáo” của mẹ con một người hàng xóm dù không nhìn thấy cảnh bé gái bị hãm hiếp và giết hại.
Khi bị lôi ra các phiên tòa, ông Hàn Đức Long đều phủ nhận hành vi hiếp dâm, giết người mà nói đã bị bức cung, nhục hình, ép phải nhìn nhận cái tội không hề phạm. Ngày 22 Tháng Mười Hai, 2016, một số báo ở Việt Nam trong đó có cả tờ “Pháp Luật Việt Nam” của Bộ Tư Pháp đưa tin các điều tra viên trong hai vụ án oan Hàn Đức Long và Nguyễn Thanh Chấn “là một.”
Ngày 12 Tháng Giêng, 2015, tờ Pháp Luật Thành Phố cho hay “Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã thống kê 47 vụ án có dấu hiệu oan sai mà luật sư của đoàn từng trợ giúp pháp lý từ 1 Tháng Mười, 2011 đến 30 Tháng Chín, 2014.” Nguyên nhân của các vụ oan sai “chủ yếu xuất phát từ giai đoạn điều tra,” tức là điều tra viên đã tra tấn nhục hình nghi can “đánh cho ra tội.”
Tờ Pháp Luật Thành phố dẫn lời Luật Sư Lê Đức Bính (phó chủ nhiệm Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội) cho biết: “47 vụ án có dấu hiệu oan sai mà Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội thống kê chỉ mang tính ước lệ, chưa đầy đủ. Nếu thật đầy đủ thì chắc chắn các vụ án có dấu hiệu hoặc về bản chất là oan sai sẽ nhiều hơn! Việc nắm các vụ án có dấu hiệu oan sai chủ yếu là qua các báo cáo cụ thể của các tổ chức hành nghề luật sự và các luật sư thành viên. Phản ánh án oan sai từ các thành viên của đoàn, từ khách hàng, công luận cho thấy tình hình oan sai ngày càng gia tăng và phức tạp hơn.”
Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam, ngày 8 Tháng Chín, 2016, có bài viết trên trang mạng của họ rằng “tình trạng ép cung, bức cung trong giai đoạn khởi tố, điều tra của điều tra viên với người bị tạm giam, bị can vẫn còn diễn ra.”
Tổ chức này cho rằng “Pháp luật tố tụng còn thiếu quy định cụ thể về căn cứ, cách thức trưng cầu để bảo đảm sự độc lập, khách quan và hiệu quả của hoạt động tố tụng và hoạt động giám định; cơ chế xem xét, đánh giá và sử dụng kết luận giám định trong hoạt động tố tụng với tư cách là một loại chứng cứ đặc biệt trong hoạt động tố tụng, những trường hợp bắt buộc người giám định tư pháp phải có mặt tham dự phiên tòa để trình bày và bảo vệ kết quả giám định chưa được quy định cụ thể thành điều luật.”
Nhân chuyện Hàn Đức Long được thả, Luật Sư Trần Vũ Hải viết trên Facebook hôm 23 Tháng Mười Hai, 2016, rằng “Tôi tin rằng còn có rất nhiều vụ án oan sai đặc biệt nghiêm trọng khác, nhưng khó có chuyện các cơ quan Bộ Công An, Viện kiểm Sát NDTC và Tòa Án NDTC chịu thừa nhận họ đã gây ra oan sai, bằng cách này hay cách khác.”
Chỉ kể riêng trong 3 năm (2011-2014), hệ thống công an, tư pháp CSVN đã “khởi tố, điều tra 219,506 vụ với 338,379 bị can,” thì có bao nhiêu vụ oan sai vì nghi can bị tra tấn, ép cung, không ai biết đích xác trừ phi có các cuộc điều tra độc lập và thẳng thắn, một điều không thể có trong chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam.
Luật Sư Trần vũ Hải kể rằng, sau vụ Nguyễn Thanh Chấn (ra tù Tháng Mười Một, 2013) “mỗi năm các cơ quan này lại “són” ra một vụ được thừa nhận oan sai nghiêm trọng. Năm 2015 là Huỳnh Văn Nén sau 17 năm tù và án chung thân cùng hai vụ đại oan. Năm 2016 là vụ Trần Văn Thêm, thực ra vụ này đã được xác định oan sai từ hơn 40 năm trước, nhưng với lý do thất lạc hồ sơ, đến năm nay mới chính thức xác nhận. Một vụ khác là vụ Trần Văn Vót, cơ quan pháp luật nói hồ sơ đã bị tiểu hủy do trên 20 năm, mặc dù ông Vót và gia đình kêu oan liên tục từ đó đến nay. Dù không có hồ sơ, nhưng hai cơ quan tố tụng tối cao vẫn khẳng định “xét xử đúng!” Những vụ án khác đang đợi chờ trong hy vọng mong manh là các vụ án Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng và nhiều vụ khác, chỉ tính những án bị tuyên tử hình hoặc chung thân.”
Mỗi năm, có vài chục người bị công an CSVN tra tấn chết chỉ vài giờ hay vài ngày khi bị bắt để điều tra. Tất cả dấu vết bầm tím, dập xương, nứt sọ, tổn thương các bộ phận trong cơ thể đầy trên thi thể các nạn nhân nhưng hầu hết các thủ phạm tra tấn đều được bao che dung dưỡng. Các nạn nhân bị đổ cho là “tự tử,” “sốc thuốc,” “có tiền sử bệnh tim” dù thân nhân của họ cả quyết các nạn nhân đều khỏe mạnh, bình thường. (TN)

No comments:

Post a Comment