Tuesday, October 18, 2016

Tới lượt ngành du lịch muốn Formosa bồi thường thiệt hại

Bãi biển Thiên Cầm, cách thành phố Hà Tĩnh 20 cây số trong mùa du lịch. (Hình: Lao Ðộng)
HÀ TĨNH (NV) – Nhà cầm quyền Việt Nam đã sa lầy và sẽ lún sâu hơn do đơn phương thỏa thuận với Formosa về bồi thường thiệt hại.
Chưa rõ tại sao và dựa trên cơ sở nào mà chính quyền Việt Nam xác định, toàn bộ thiệt hại do Formosa gây ra đối với môi trường, sinh hoạt, sinh kế của cư dân bốn tỉnh phía Bắc miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) chỉ là $500 triệu. Càng ngày, khoản này càng có vẻ nhỏ, đặc biệt là chẳng đáng gì khi so với nhân tâm.
Ngoài việc phải thay Formosa đối phó với ngư dân, nông dân do mức bồi thường thiệt hại quá thấp, nay chính quyền Việt Nam sắp phải đối đầu với các doanh nghiệp du lịch ở bốn tỉnh phía Bắc miền Trung.
Báo chí Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, những cá nhân kiếm sống nhờ hoạt động du lịch đang muốn được bồi thường thiệt hại, hỗ trợ vượt qua khó khăn vì thảm họa cá chết như ngư dân và nông dân.
Giống như ngư nghiệp, nông nghiệp, mức độ thiệt hại mà du lịch ở bốn tỉnh phía Bắc miền Trung phải gánh chịu do thảm họa cá chết cũng được ước đoán là nhiều ngàn tỉ đồng. Chính quyền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế cùng xác nhận rằng từ khi xảy ra thảm họa cá chết, gần như không còn đưa khách đến khu vực phía Bắc miền Trung.
Cuối tuần vừa qua, trong một cuộc họp giữa đại diện Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch với đại diện Sở Du Lịch của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, những cơ quan quản quản lý du lịch của bốn tỉnh phía Bắc miền Trung đã công bố nhiều số liệu cho thấy, thiệt hại mà thảm họa cá chết gây ra không nhỏ chút nào.
Ví dụ, sau thảm họa cá chết, doanh thu trực tiếp từ du lịch của Hà Tĩnh giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của những doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ phục vụ du lịch (khách sạn, nhà hàng, vận chuyển…) giảm 50%.
Ðại diện Sở Du Lịch của tỉnh Quảng Bình cho biết, thiệt hại riêng với ngành du lịch của tỉnh này là 1,900 tỉ đồng. Tương tự, đại diện Sở Du Lịch của tỉnh Quảng Trị loan báo, thiệt hại riêng với ngành du lịch ở Quảng Trị là 250 tỉ đồng. Ðại diện Sở Du Lịch của tỉnh Thừa Thiên-Huế thì xác nhận du lịch biển bị thiệt hại nhưng vì còn nhiều hình thái du lịch khác thay thế nên không thất thu.
Khi trò chuyện với tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Kỳ, phó giám đốc Sở Du Lịch tỉnh Quảng Bình, cho biết, so với năm ngoái, năm nay, lượng du khách đến Quảng Bình giảm 70%. Ðáng ngại là 30% còn lại chỉ tạt ngang, ở lại rồi đi trong ngày nên thiệt hại kinh tế rất lớn. Ðáng ngại là sau thảm họa cá chết, không chỉ những doanh nghiệp du lịch và những doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ du lịch điêu đứng mà nhiều doanh nghiệp đang đầu tư vào các lĩnh vực này tại Quảng Bình cũng tạm ngưng thực hiện dự án của họ ở Quảng Bình vì viễn cảnh quá ảm đạm. Từ cuối tháng 4 đến nay, tại Quảng Bình có 17 dự án xây dựng khách sạn bị bỏ dở. Theo ông Kỳ, trung bình, chủ mỗi dự án đầu tư vào du lịch chi từ 15 tỉ tới 17 tỉ, do vậy thiệt hại vì thảm họa cá chết rất nặng nề nhưng họ lại không được bồi thường, hỗ trợ.
Một điểm đáng chú ý khác là thiệt hại trong lĩnh vực du lịch không phải chỉ là thiệt hại tức thời (trong và ngay sau thảm họa) mà sẽ kéo rất dài trong nhiều năm.
Ông Nguyễn Ðức Quỳnh, phó tổng giám đốc Furama Resort Ðà Nẵng, bảo với tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn rằng, ông ta chưa nghĩ ra cách nào có thể giúp du lịch hồi phục vì du khách không chỉ lo ngại về chuyện nước biển bị nhiễm độc, nhiều loại hải sản không thể ăn mà còn ngần ngại không đến khu vực phía Bắc miền Trung bởi những khía cạnh khác có liên quan tới thảm họa như: nguồn nước ô nhiễm, thực phẩm như rau củ, gia cầm có an toàn hay không… (G.Ð)

No comments:

Post a Comment