Tuesday, August 9, 2016

Mua bán, sửa điện thoại cũ bị công an ‘làm luật,’ xét nhà

Gần 2 tháng qua, anh Tiến phải sống trong lo sợ bị khởi tố tội “kinh doanh trái phép điện thoại cũ.” (Hình: Tuổi Trẻ)
Gần 2 tháng qua, anh Tiến phải sống trong lo sợ bị khởi tố tội “kinh doanh trái phép điện thoại cũ.” (Hình: Tuổi Trẻ)
SÀI GÒN (NV) – Nghèo khó, chỉ nhận mua bán, sửa chữa điện thoại di động cũ tại nhà mình, một ông đã bị công an “làm luật” khám nhà khẩn cấp ghép nhiều tội danh.
Truyền thông Việt Nam loan tin, chiều 8 tháng 8, công an quận 10, Sài Gòn, cho biết đã không khởi tố vụ án hình sự “kinh doanh trái phép” ký ngày 2 tháng 8 đối với ông Dương Trọng Tiến (31 tuổi), tạm trú quận 10, người “bán điện thoại cùi bắp” gây phản ứng dư luận mấy ngày qua.
Quyết định do ông Lý Văn Ngộ, phó trưởng công an quận 10 ký ngày 2 tháng 8, cách thời điểm hiện tại 6 ngày, ghi rõ việc làm của ông Tiến “không cấu thành tội phạm nên không khởi tố vụ án hình sự.”
Trước đó, báo Tuổi Trẻ loan tin, trưa 15 tháng 6, công an quận 10 ập vào nhà ông Tiến trên đường Lê Hồng Phong, khám xét khẩn cấp, thu giữ 40 điện thoại cũ hiệu Nokia 8800, 8600, 6700 sản xuất hơn 10 năm trước, trong đó có 8 máy khách gửi sửa, 38 sạc điện thoại và sổ sách, biên nhận sửa chữa cho khách.
Đến ngày 30 tháng 6, công an quận 10 mời ông Tiến lên trụ sở làm việc. Tại đây, ông Tiến được ông Võ Quốc Khánh, điều tra viên, đưa quyết định khởi tố bị can về tội “kinh doanh trái phép” và bắt ông Tiến đi chụp hình.
Tại đây, ông Khánh hỏi ông Tiến muốn phạt hành chính hay phạt hình sự, đồng thời gợi ý nên chọn phạt hình sự “vì tới ngày 1 tháng 7, tội kinh doanh trái phép trong Bộ Luật Hình Sự hết hiệu lực, đến lúc đó người ta không truy tố em nữa, coi như em không bị gì hết,” ông Tiến kể.
Sau đó, ông Khánh đưa ông Tiến ký vào biên bản ghi giá 40 chiếc điện thoại Nokia đang tạm giữ là 120 triệu đồng và cho xem quyết định khởi tố bị can với phần tội danh bị khởi tố là “có hành vi mua bán ngoại tệ không có giấy phép kinh doanh.”
Ông Tiến dùng điện thoại chụp lại quyết định khởi tố trên, đồng thời yêu cầu ông Khánh sửa lại. Sau đó ông Tiến ra về mà không được cơ quan công an giao quyết định khởi tố. “Từ đó đến nay tôi sống trong lo lắng, không biết vụ việc của mình rồi sẽ ra sao. Hơn tháng nay tôi nghỉ bán, chẳng dám đi đâu. Hàng xóm đi ngang cứ ngó vào nhà vì người ta nghĩ chắc tôi phạm tội gì nặng lắm,” ông Tiến tâm sự.
Nói với phóng viên Tuổi Trẻ, ngày 27 tháng 7 về lý do vì sao đưa ra hai tình huống pháp lý chọn phạt hành chính hoặc xử lý hình sự cho người vi phạm, ông Khánh chối tội: “Hoàn toàn không có việc đó.” Còn về việc định giá 40 chiếc điện thoại Nokia “cùi bắp” 120 triệu đồng, ông Khánh nói do hội đồng định giá của quận 10 đưa ra chứ ông không tự quyết định.
Tuy nhiên, khi phóng viên Tuổi Trẻ hỏi về quyết định khởi tố ông Tiến vào ngày 30 tháng 6, ông Phạm Công Hầu, đội trưởng Đội Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm về Quản Lý Trật Tự Kinh Tế và Chức Vụ, Công An quận 10, khẳng định, công an quận chưa ra quyết định khởi tố vụ án hay bị can nào liên quan vụ việc của ông Tiến mà chỉ nói: “Vụ việc liên quan đến ông Tiến đang được xác minh, giải quyết theo quy định tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm. Còn quyết định khởi tố bị can này (của ông Tiến chụp lại) là không có, không đúng.”
Trong trường hợp điều tra viên “nhá” quyết định khởi tố bị can nhưng không giao cho bị can, sau đó lãnh đạo cơ quan điều tra công an quận 10 xác nhận là “không đúng, không có,” dù là động cơ gì, vẫn bị xem là sai và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Một cựu nguyên là chánh tòa hình sự tòa án tối cao nhận định.
Còn bà Tôn Thất Hồ Nghị, luật sư cho rằng, trường hợp ông Tiến sửa chữa, buôn bán điện thoại cũ, giá trị không cao, tính chất nhỏ lẻ để mưu sinh, không có cửa hàng, không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh…

Nói với Tuổi Trẻ ngày 8 tháng 8, về sự việc báo chí nêu và diễn biến trên, ông Nguyễn Sỹ Quang, trưởng Phòng Tham Mưu, Công An Sài Gòn cho biết, công an thành phố sẽ cho báo cáo, nắm lại diễn biến vụ việc. (Tr.N)

No comments:

Post a Comment