Sunday, July 17, 2016

Báo động sông Hồng đang chết

LĐ - 163 KHÁNH HÒA  5:15 PM, 16/07/2016


Đây là nhận định của GS-TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi - khi đóng góp ý kiến cùng các chuyên gia khác cho “Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình” - một trong những vấn đề cấp bách của Bộ TNMT hiện nay.
    Chưa đánh giá được nguồn nước sông Hồng
    Trao đổi với Báo Lao Động trong khuôn khổ Hội thảo “Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình” tổ chức ngày 14.7, GS-TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, tồn tại nhất hiện nay là Nhà nước ta chưa thể đánh giá nguồn nước sông Hồng được sử dụng bao nhiêu. Trước đây, Bộ Thuỷ lợi đã tính toán là Việt Nam có 800 tỉ mét khối nước, trong đó từ nước ngoài chảy vào 500 tỉ mét khối, trong nước là 300 tỉ mét khối nhưng con số này được đưa ra từ 20 năm rồi và nay ông Hồng cho rằng, nguồn nước đó không còn đúng như thế nữa bởi vì phía thượng nguồn đã làm các đập, rồi biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng lên, nước bốc hơi.
    “Đừng đổ lỗi dân phát triển sản xuất nhiều quá, DN lập nhà máy nhiều quá mà chính chúng ta không đưa ra được cái mức sử dụng cho phép. Theo tôi, sông Hồng đang chết chứ không phải là sẽ chết, để đẩy mặn, để hoà được ô nhiễm thì phải mất 800m3/giây, nhưng hiện nay sông Hồng theo tài liệu của Nhà nước đo được thì chỉ còn 700m3/giây nên nước rất ô nhiễm và nước không chảy”, GS-TS này nhận xét.
    Cùng quan điểm với GS-TS Vũ Trọng Hồng, nhiều chuyên gia tham gia hội thảo cho rằng, quy hoạch tài nguyên nước là một trong những nền tảng cơ bản để xây dựng các quy hoạch về các ngành khai thác, sử dụng khác, các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội khác và quy hoạch cần cân đối khả năng nguồn nước đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước đồng thời cần giải bài toán quy hoạch môi trường, gắn với quy hoạch tài nguyên nước…
    Cần thay đổi tư duy về tài nguyên nước
    Sau khi lắng nghe ý kiến của 15 chuyên gia, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định, cần thay đổi tư duy khi quy hoạch phát triển dựa trên quy luật tự nhiên chứ không đòi hỏi tự nhiên phải đáp ứng như trước kia. Ông Hà cũng cho rằng, quá trình làm quy hoạch cần cấp bách, khẩn trương nhưng cũng đòi hỏi sự khoa học, thận trọng, kỹ lưỡng thì mới có một sản phẩm quy hoạch tốt nhất đáp ứng yêu cầu mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao cho.
    Bộ TNMT khẳng định sẽ tiếp thu và điều chỉnh trong quá trình lập quy hoạch này. Theo đó, quy hoạch tài nguyên nước không chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến xây dựng và vận hành hạ tầng cơ sở để tìm cách đáp ứng nhu cầu sử dụng nước mà hướng vào việc tối ưu hóa các lợi ích từ nguồn cấp nước hiện có, quản lý nhu cầu và đáp ứng đòi hỏi của môi trường.
    Lưu vực sông Hồng - Thái Bình là lưu vực sông lớn thứ hai ở nước ta, là lưu vực sông liên quốc gia với tổng diện tích lưu vực 169 nghìn km2, tổng lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 135 tỉ m3. Trong đó, diện tích lưu vực ở Trung Quốc chiếm 48%, với tổng lượng nước khoảng 38% (52,2 tỉ m3); phần trong nước có diện tích gần 87 nghìn km2, với tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 62% (83 tỉ m3).

    No comments:

    Post a Comment