Saturday, May 7, 2016

Vẫn còn rất nhiều ‘Trọng Thủy’ ở Việt Nam

Nguyễn Cao-08-05-2016

(VNTB) - Mở thông đường thủy nối với Trung Quốc, ngày nọ, người láng giềng tráo trở, há có phải là mở sẵn đường hay không?
  
 

Kể từ đó đến nay, vẫn còn rất nhiều Trọng Thủy đã “cắm dùi ở rể” tại Việt Nam. Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – vận hành), do Công ty TNHH Xuân Thiện - thành viên Tập đoàn Thái Group (trước là Tập đoàn Xuân Thành) có trụ sở tại TP Ninh Bình (ông Nguyễn Văn Thiện làm Giám đốc) làm chủ đầu tư, là một minh họa cho Trọng Thủy thế kỷ 21.

Lưu ý: các nội dung của Dự án này mà báo chí có được, là dạng “cơm bưng, nước rót” – một hình thức quen thuộc mỗi khi hậu trường chính trị chuẩn bị cho những khai màn sân khấu mới.

Bầu Thụy của làng bóng đá Việt Nam

Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiGourp tiền thân là Hợp tác xã xây dựng Bình Minh, thành lập năm 1976 tại xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Hà Nam Ninh. Trải qua một thời kỳ dài phát triển, đến  năm 2007 thành lập Xuân Thành Group với một hệ thống các công ty thành viên. ThaiGourp đang hoạt động mạnh trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà máy sản xuất xi măng, cảng nước sâu, bảo hiểm, tài chính…

Sẽ dễ hình dung hơn khi nói rằng ThaiGourp là của anh em nhà bầu Thụy. Ông bầu Nguyễn Đức Thụy sinh năm 1976, tại Gia Viễn – Ninh Bình, Chủ tịch tập đoàn Xuân Thành, và là người nổi tiếng được biết đến với vai trò ông bầu của 2 đội bóng từng thi đấu ở giải hạng quốc gia Việt Nam, là Sài Gòn Xuân Thành và Bảo hiểm Thái Sơn Quảng Nam.

Tập đoàn Xuân Thành được hình thành từ công ty cổ phần đầu tư & phát triển Xuân Thành. Tiền thân là Hợp tác xã xây dựng Bình Minh thành lập năm 1976, tại tỉnh Hà Nam Ninh (cũ). Vốn điều lệ ban đầu của tập đoàn này là 2.500 tỷ đồng, trong đó Nguyễn Đức Thuỵ chiếm 2.087,5 tỷ đồng. Đến năm 2007, Xuân Thành Group do Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch bao gồm 11 công ty thành viên, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, như cảng nước sâu, bóng đá, chứng khoán, xây dựng, taxi, bất động sản, bảo hiểm, xi măng, khoáng sản, thủy điện, vận tải... Riêng với chứng khoán, bầu Thụy từng đổ đống tiền ra để sở hữu hẳn một công ty chứng khoán, để rồi vào ngay tốp 50 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, sau đó ông bầu trẻ đã bán công ty này.

Ngày 21/8/2013, anh em nhà bầu Thụy tuyên bố giải tán đội bóng. Từ khi anh em bầu Thụy, bầu Thủy rút lui khỏi bóng đá, gần như mọi thông tin về họ cũng bặt tăm. Phải đến phiên đấu giá trọn lô cổ phần của khách sạn Kim Liên vào ngày 22/12/2015, bất ngờ bầu Thụy xuất hiện qua Thaigroup và là đại gia mạnh tay chi hơn 1.000 tỷ đồng để giành phần thắng chung cuộc.

Vậy là tên tuổi của đại gia trẻ tuổi đất Ninh Bình được "khởi động" trở lại sau thương vụ "thắng lớn" tại khách sạn Kim Liên trong những ngày cuối năm 2015.

Thông thương cảng biển Việt Nam bằng đường thủy với Trung Quốc

Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO của Công ty Xuân Thiện, nói rằng sông Hồng bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) chảy qua nhiều tỉnh thành từ Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội... ra đến cửa Ba Lạt (Nam Định). Con sông có tổng chiều dài 556km, là tuyến sông lớn duy nhất của miền Bắc có thể tổ chức liên vận hàng hóa. Như vậy khi kết nối thẳng thủy lộ với Trung Quốc để từ đây có thể tổ chức vận tải hàng hóa từ Trung Quốc ra các cảng biển VN cũng như từ các cảng biển VN tới Trung Quốc qua đường thủy. Các mặt hàng vận chuyển sang Trung Quốc còn có quặng từ các mỏ khoáng sản ở khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Công ty Xuân Thiện đề xuất làm sáu đập và âu tàu để nâng mực nước, cho phép những con tàu trọng tải lớn có thể vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng với cước phí thấp, ít gây ô nhiễm. Theo đó, dự án này sẽ tạo ra tuyến vận tải đường thủy thông suốt quanh năm từ Lào Cai - Hải Phòng cho tàu có trọng tải từ 400 tấn đến 600 tấn, kết hợp sản xuất điện với tổng công suất khoảng 228 MW tương đương 912 triệu kWh/năm. Về chi tiết, dự án cũng sẽ xây dựng 7 cảng dọc tuyến thuộc hệ thống cảng theo quy hoạch của ngành đường thủy nội địa bao gồm: Cảng Phố Mới, cảng Apatit, cảng Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, cảng Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội).

Với việc nạo vét 288km luồng sông Hồng từ Việt Trì lên Lào Cai, anh em nhà bầu Thụy sẽ kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp 2), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp, được thiết kế có công suất 228MW. Dự án các nhà máy điện dự tính sẽ cung cấp điện khoảng 0,91 tỷ kWh/năm. Nguồn thu chính là bán điện với giá khởi đầu 1.900 đồng/kWh và sau đó có lộ trình tăng dần lên 3.560 đồng/kWh.

Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỉ USD (khoảng 24.500 tỉ đồng). Dự án của Công ty Xuân Thiện cũng thông qua trình tự gửi xin ý kiến của Bộ Quốc phòng. Về cơ bản Bộ Quốc phòng không phản đối chủ trương đầu tư: “thống nhất chủ trương đầu tư dự án, quá trình thực hiện cần phối hợp chặt chẽ với Bộ tư lệnh Quân khu 2, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai để giải quyết các nội dung có liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng”... Hai tỉnh thành có ảnh hưởng nhiều là Yên Bái và Lào Cai đều đã đồng ý về chủ trương tiến hành dự án.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong văn bản trình Thủ tướng ngay trước đợt nghỉ lễ 30-4 đã đánh giá việc nghiên cứu, khai thác hiệu quả tiềm năng sông Hồng… là cần thiết, và kiến nghị Thủ tướng xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án trên, giao Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành.

Không chỉ sông Hồng sẽ chết…

TS. Nguyễn Khắc Kinh - nguyên Vụ trưởng Vụ thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam - cho rằng: “Xây dựng một đập làm thủy điện đã ảnh hưởng môi trường rất lớn rồi, dự án này đề xuất xây nhiều đập và đến 6 thủy điện thì mức độ ảnh hưởng càng lớn”.

Theo TS. Nguyễn Khắc Kinh, nếu siêu dự án của Xuân Thiện được thực hiện sẽ có những tác động khôn lường đến môi trường. Thứ nhất, xây dựng đập dâng nước chắn sông Hồng để làm thủy điện sẽ làm thay đổi toàn bộ mực nước vùng hạ lưu nói chung và hạ du nói riêng. Khi đó, mực nước trên dòng sông đều bị ảnh hưởng. Thay đổi mực nước sông sẽ ảnh hưởng đến mực nước ngầm hai bên bờ sông, ảnh hưởng nguồn nước phục vụ thủy lợi, nuôi trồng thủy sản. Thứ hai, tuy không trực tiếp gây ra ô nhiễm trên dòng sông nhưng nếu xây hồ thủy điện, nếu xảy ra ô nhiễm lòng hồ sẽ ảnh hưởng đến dòng sông. Mặt khác, khi ngăn đập làm thủy điện sẽ khiến mực nước giảm khu vực hạ lưu khiến khả năng tự làm sạch dòng sông sẽ giảm điều này dẫn đến ô nhiễm.

Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) – nói rằng hiện Việt Nam đang đi đầu đấu tranh không xây dựng nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông nhưng nay nếu cho phép xây nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Hồng tức đi ngược lại cái mình đang đấu tranh.

Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông vận tải) nói gọn rằng với 6 đập nước, dòng sông Hồng đương nhiên bị chia cắt thành 7 khúc khiến giao thông đường thủy sẽ không thể thông suốt. Các phương tiện thủy sẽ chỉ có thể vận chuyển từng chặng ngắn và buộc phải sử dụng hệ thống 7 cảng sông dọc tuyến như phương án của nhà đầu tư. Nói các khác các cảng giống như trạm thu phí trên sông. Khi đó, toàn bộ tàu thuyền sẽ phải sử dụng hệ thống cảng của nhà đầu tư. Và thêm nữa, tất cả hoạt động giao thương đường thủy của người dân sẽ phải chịu thêm một khoản phí trong khi trước đến nay giao thông đường thủy là tự do.

Bao trùm lên tất cả, ở đây nguy cơ an ninh quốc gia rất lớn. Mở thông đường thủy nối với Trung Quốc, ngày nọ, người láng giềng tráo trở, há có phải là mở sẵn đường hay không?

Ngày xưa Triệu Đà đánh Việt Nam nếu đi đường bộ thì chỉ có thể đi qua ải Chi Lăng hay một số cửa ngõ rất hẹp ở phía bắc như Lào Cai, còn đường thủy thì chỉ có thể xâm nhập vào từ một số con sông lớn như Bạch Đằng... Trong lịch sử, sông Hồng chưa bao giờ bị xâm nhập vì cửa sông quá hẹp. Nay thì anh em nhà bầu Thụy quyết nạo vét sông Hồng, liệu sẽ dẫn đến nguy cơ mở đường cho giặc phương Bắc?


Và có quá lời khi nói rằng sau khi đã giết xong sông Cửu Long và vô hiệu hóa Đồng bằng Cửu Long, “những người anh em” đang lên kế hoạch xóa sổ nốt sông Hồng và Đồng bằng Bắc Bộ?

No comments:

Post a Comment