Monday, March 21, 2016

Trì hoãn đệ trình luật biểu tình có vi phạm điều lệ quốc hội?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-03-21  
000_8Q3VN
Các nhà hoạt động hô khẩu hiệu chống Trung Quốc trong một cuộc biểu tình tại Hà Nội vào ngày 14/3/2016, tưởng niệm ngày Trung Quốc tấn công đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.  AFP photo
Theo dự kiến, tại kỳ họp 11 kéo dài từ ngày 21/3 đến ngày 12/4, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, trong đó có dự án Luật Biểu tình, tuy nhiên vào ngày 18 tháng 3 vừa qua Tổng Thư ký Quốc hội là ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, do công tác chuẩn bị chưa chu đáo, chất lượng chưa đảm bảo nên không trình Quốc hội tại kỳ họp này, mà tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Câu hỏi đặt ra liệu sau nhiều lần trì hoãn luật biểu tình như vậy có vi phạm luật tổ chức quốc hội hay không. Mặc Lâm đặt câu hỏi với luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội để biết thêm về việc trì hoãn này.
Mặc Lâm: Thưa luật sư, cChính phủ một lần nữa xin hoãn lại luật biểu tình sau nhiều lần bị quốc hội hối thúc. Việc trì hoãn này đã có tiền lệ nào đối với các dự luật khác hay chưa?
Luật sư Trần Quốc Thuận: Việc một luật nào đó trình trước quốc hội nhưng việc soạn thảo chưa chu đáo cứ hoãn đi hoãn lại thì cũng đã có tiền lệ rồi chứ không phải có gì mới mẻ. Nhưng khi người ta gọi là nhạy cảm, chữ “nhạy cảm” trong nháy nháy như luật lập hội, luật về quyền cung cấp thông tin rồi bây giờ tới luật biểu tình một số các luật ấy quan hệ điều chỉnh nó rất rộng, rất phức tạp và nhạy cảm cho nên cũng hoãn đi hoãn lại nhiều lần. Mà cái chuyện hoãn ấy theo quy định hoạt động của quốc hội cũng là cái gì không bình thường. Nó không bình thường ở cái chỗ là khi người ta yêu cầu đệ trình trong kỳ này mà đã OK rồi nhưng bây giờ anh lại xin hoãn thì cái đó cũng có thể vì kỹ thuật chưa chu đáo nhưng cũng có thể hiểu nó không bình thường.
Mặc Lâm: Đa số dân chúng không hiểu rõ vai trò của Ủy ban thường vụ quốc hội lắm và đôi khi ngộ nhận quyền hạn và trách nhiệm của nó. Là người từng giữ chức phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội xin luật sư giải thích cụ thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội là gì, thưa ông.
Việc một luật nào đó trình trước quốc hội nhưng việc soạn thảo chưa chu đáo cứ hoãn đi hoãn lại thì cũng đã có tiền lệ rồi chứ không phải có gì mới mẻ.
- Luật sư Trần Quốc Thuận

Luật sư Trần Quốc Thuận: Vai trò nhiệm vụ quyền hạn của Ban thường vụ Quốc hội nếu nói ra thì nó rất rộng. Nó là cơ quan hoạt động thường trực của quốc hội ở giữa hai kỳ họp của quốc hội. Nó có thể thực hiện quyền giám sát, quyền đình chỉ một số nhiệm vụ, một điều luật, hay một nghị định của chính phủ mà chính phủ phải đưa ra quốc hội để trình. Về lĩnh vực công tác xây dựng luật theo quy định mới thì sau khi một dự án luật của chính phủ, của Mặt trận, của Tòa án hay Viện kiểm sát trình ra lần thứ nhất xong, trình ra quốc hội rồi thì khâu tiếp theo trình quốc hội xem xét thông qua được giao cho Thường vụ Quốc hội tổ chức chỉnh lý và tiếp thu để trình, để thông qua.
Cho nên người ta gọi trình luật thông qua hai bước, nó khác với trước kia cơ quan trình đó họ trình từ A tới Z từ khi họ trình dự thảo đầu tiên tới khi trình dự thảo để  thông qua. Khi điều chỉnh lại để trình thông qua thì cấp được trình là Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi chỉ nói trong lĩnh vực xây dựng pháp luật. Cho nên trách nhiệm mà họ có đồng ý để trình thông qua hay không thì đó là việc của Thường vụ quốc hội họ xem xét và họ có ý kiến. Còn việc của chính phủ xin lùi lại vì họ cho là chuẩn bị chưa chu đáo thì đó cũng chỉ là việc bình thường.
Mặc Lâm: Quay trở lại với việc trì hoãn của chính phủ về luật biểu tình, xin được hỏi ông chính phủ được quyền trì hoãn bao nhiêu lần thì được xem là hợp lệ?
Luật sư Trần Quốc Thuận: Không có điều nào quy định là được hoãn bao nhiêu lần cả, có thể nhiều lần còn bao nhiêu lần phải kết thúc thì trong luật không quy định. Nếu quy định ấy nếu có thì Thường vụ Quốc hội có ý kiến và trình lên quốc hội để quốc hội quyết phải trình lên trong kỳ này hay trình kỳ kia và nếu có nghị quyết của quốc hội thì không được trì hoãn nữa.
Mặc Lâm: Chính phủ giao cho Bộ Công an chủ trì soạn thảo luật biểu tình khiến nhiều người lo ngại khi luật này được thông qua sẽ giao cho công an nhiều quyền hạn quá có thể xâm phạm vào quyền biểu tình của người dân. Theo luật sư thì sự lo ngại này có cơ sở hay không?
Luật sư Trần Quốc Thuận: Việc giao cho bộ, ngành nào thực hiện quyền trình chuẩn bị dự án chủ trì thì thường sau khi dự luật được thông qua lĩnh vực ấy thuộc bộ ngành nào quản lý trong lĩnh vực đó thì giao cho bộ ngành đó họ trình. Cho nên nếu bộ luật liên quan đến sức khỏe thì giao cho Bộ Y tế. Về trật tự an toàn giao thông thì giao cho Bộ Giao thông vận tải. Lĩnh vực biểu tình thuộc về trật tự an toàn xã hội thì thuộc lĩnh vực Bộ công an, thuộc lãnh vực mà họ phụ trách, quản lý thì giao cho họ chủ trì thì cũng không có gì quan trọng.
Nhưng quan trọng ở chỗ cái ban soạn thảo đó nó phải đại diện rất nhiều người trong đó. Nó phải có đại diện của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, của tòa án và một số bộ ngành liên quan. Ăn thua cái ban soạn thảo đó. Câu chuyện tiếp theo thì thuộc Ủy ban thẩm tra, biểu tình thì liên quan đến Ủy ban pháp luật, nó là một liên kết giữa Ủy ban pháp luật, Ủy ban tư pháp và nó sẽ làm phản biện dự án đó. Công việc đó mới cực kỳ quan trọng chứ soạn thảo thường chỉ giao cho những cơ quan trách nhiệm quản lý về lãnh vực này để soạn thảo thì những cấp thấp họ có chuyên môn họ đưa ra, nhưng đưa ra và được chấp nhận của Hội đồng thẩm định, Hội đồng dân tộc các tiểu ban, Ủy ban Pháp luật và Chủ tịch Quốc hội.
Mặc Lâm: Xin cám ơn luật sư.

No comments:

Post a Comment