Thursday, February 4, 2016

Tham vọng quyền lực tốt hay xấu?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-02-04  
000_Hkg10250101-622.jpg
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 tại Hà Nội hôm 28/1/2016. AFP
Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV  nhiệm kỳ 2016 – 2021 cho biết “Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng”. Ý kiến cử tri về việc này như thế nào?

Sắp đặt trước người trúng cử?

Đại biểu Quốc Hội nhiệm kỳ sắp tới sẽ được bầu ra cùng với Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 hình thành hai cơ cấu quyền lực là Hành pháp và Lập pháp trước khi Quốc hội chọn ra một nhánh quyền lực thứ ba là Tư pháp. Trong khi Ban chấp hành Trung ương do Đảng bầu ra thì Quốc hội được phương tiện truyền thông đại chúng tuyên truyền rằng do dân trực tiếp đi bầu cho người mình chọn.
Hầu hết người dân cho rằng đã có sự sắp đặt từ trước mà mình không thể làm gì khác được cứ đi bầu cho nó xong chuyện. Có nhiều gia đình một đại diện đi bỏ cho cả nhà.
-Nhà báo Võ Văn Tạo
Lá phiếu người dân được thổi phồng lên là lá phiếu dân chủ từ khi Quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa có Quốc hội đầu tiên vào năm 1946 cho đến khi Quốc hội khóa VI, 1976-1981 được bầu vào ngày25 tháng 4 năm 1976 với 492 đại biểu trúng cử mà trong đó không người nào trong các đại biểu ấy được dân chúng Miền Nam biết mặt, biết tên. Người Sài gòn nhớ Quốc hội khóa VI chẳng qua là trong cuộc họp đầu tiên của khóa này cái tên Sài Gòn hàng trăm năm của họ đã bị khai tử thay vào đó là tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người dân không tha thiết đi bầu quốc hội như các nước khác vì họ không có cơ hội thật sự chọn người đại diện cho mình. Đại diện tranh đấu với hành pháp là chính phủ, đòi hỏi sự công bằng, phúc lợi cho người dân như các cơ chế dân chủ khác trên khắp thế giới đang theo đuổi. Qua danh từ “hiệp thương”, Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc trách nhiệm chọn người thông qua danh sách được Đảng Cộng sản phê duyệt. Trong danh sách ấy, mỗi khóa có tới hơn 95% là đảng viên và đa số đang làm việc trong guồng máy chính phủ.
000_Hkg10249290-620
TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng (thứ 2 bên trái) và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bước xuống bỏ phiếu tại đại hội đảng 12 tại Hà Nội vào ngày 26/1/2016
Cơ chế này cho thấy Quốc hội cũng là cánh tay của Đảng, được thành lập để giúp Đảng thông qua những nghị quyết mà Đảng muốn. Cơ chế này được công khai trên mọi phương tiện truyền thông với nhóm từ “Đảng cử dân bầu”. Do Đảng cử nên sự chọn lựa đến từ Đảng chứ không thể từ dân, vì vậy lá phiếu mà họ bỏ vào thùng phiếu tại khắp nơi trên đất nước Việt Nam chỉ có thể được hiểu là một hành động tuân theo mệnh lệnh của Đảng và cử tri không có cơ hội nào làm theo mệnh lệnh từ lý trí của mình.
Nhà báo Võ Văn Tạo sau nhiều năm theo dõi việc bầu cử cho biết nhận xét của ông về việc đi bầu của người dân:
“Hầu hết người dân cho rằng đã có sự sắp đặt từ trước mà mình không thể làm gì khác được cứ đi bầu cho nó xong chuyện. Có nhiều gia đình một đại diện đi bỏ cho cả nhà. Nhìn chung người dân biết cái đấy nó không thực chất, đi là đi vậy thôi vì nếu không đi tổ dân phố nói tới nói lui rồi công an khu vực dòm ngó ghi sổ đen chẳng hạn nên buộc lòng họ phải đi thôi.”

Làm chính trị thì phải có tham vọng

Trong Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử diễn ra tại Hà Nội, sáng 2-2, trình bày Chỉ thị 51 của Bộ chính trị về đề cử người ứng cử Quốc Hội, ông Đinh Thế Huynh, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết sẽ không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực. Nhận xét về câu chữ này ông Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao Động cho biết:
“Những người làm chính trị thì tất nhiên phải có tham vọng mà ngày xưa mình gọi là Tế thế an bang, giúp đời giúp dân. Nếu mà được những người có nguyện vọng làm chính trị để đưa đất nước được tự do dân chủ, tha thiết được làm thì mình rất hoan nghênh chứ sao lại không cho họ làm?
Những người làm chính trị thì tất nhiên phải có tham vọng mà ngày xưa mình gọi là Tế thế an bang, giúp đời giúp dân. Nếu mà được những người có nguyện vọng làm chính trị để đưa đất nước được tự do dân chủ, tha thiết được làm thì mình rất hoan nghênh chứ sao lại không cho họ làm?
-Ông Tống Văn Công
Chỉ có những người muốn có quyền chức để được bổng lộc, tham nhũng, được độc quyền thì đáng bị loại ra. Những người ngày nào cũng ra rả nói về những người vào đảng thì phải vì quyền lợi của nhân dân, nhưng thử hỏi làm sao có cái người đó? Người vào đảng là để được đặc quyền đặc lợi, có thể nói 100% những người muốn vào đảng hiện nay đều là muốn được cái ưu tiên gì đó cho mình.”
Ông Nguyễn Bắc Truyển một nhà tranh đấu cho dân chủ nhân quyền có cùng nhận xét như nhà báo Tống Văn Công:
“Tôi nghĩ rằng những người hoạt động chính trị đều có tham vọng quyền lực hết. Bởi vì nếu không có tham vọng quyền lực thì họ sẽ không làm chính trị. Cái tham vọng ở đây chính là dùng quyền lực đó để thay đổi cho xã hội và phục vụ người dân thì tham vọng quyền lực đó không xấu. Tham vọng quyền lực chì xấu khi dùng quyền lực đó tạo ra một nhóm người ăn trên ngồi trước đè đầu cưỡi cổ người dân thì đấy mới là hành động xấu do đó việc Đảng Cộng sản đưa ra cái tiêu chí không đưa người có tham vọng quyền lực vào trong Quốc hội thì đây chỉ là lời nói có tính chất ngụy biện.”
Tuy rằng “Đảng cử dân bầu” nhưng trong cái công thức ấy đôi khi cũng có những đảng viên có lòng với đất nước nhiều người muốn trở thành đại biều quốc hội để đóng góp tiếng nói của mình nhưng không được đảng chấp nhận. Trường hợp của hai nhân vật rất nổi tiếng của Việt Nam trước đây hơn 5 năm là Bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ là ví dụ cho thấy Đảng có thực sự chọn lựa nhân tài hay chỉ lo cho phe cánh, nhà báo Võ Văn Tạo kể lại chuyện này:
“Tôi nhớ cách đây 5 năm hai quan chức nhà nước tầm Bộ trưởng, Thứ trưởng là anh Trương Đình Tuyển của Bộ thương mại và GS Đặng Hùng Võ thứ trưởng Bộ tài nguyên Môi trường. Anh Võ là GS-TS anh hùng lao động với những phát minh khoa học trong chuyên môn. Hai người đó theo lời báo chí và nhiều lần nghe họ trả lời báo chí là rất tâm huyết và có chuyên môn nhất định, tới chừng đó thì họ về hưu và cả hai đều bày tỏ nguyện vọng là ra ứng cử đại biểu quốc hội nhưng giờ chót thì Ban bí thư có văn bản không được ra vì các anh ấy thuộc diện Ban bí thư quản lý, thế là cả hai đành thôi. Rất tiếc vì họ là những người thực sự có năng lực, tâm huyết mà nói về đảng thì cả hai đều là đảng viên cao cấp cả.”
Người dân hầu như chắc chắn rằng sau cuộc bầu cử gần như lần nào cũng cùng một kết quả: thành công tốt đẹp, người dân đi bầu với con số phần trăm gần như tuyệt đối và báo chí một lần nữa sẽ ca ngợi tính cách dân chủ trong từng lá phiếu cho dù trên mỗi lá phiếu ấy là tên của một đảng viên do Đảng Cộng sản Việt Nam viết ra.

No comments:

Post a Comment