Saturday, February 20, 2016

Hỏa tiễn Trung Quốc ở Hoàng Sa là ‘rạch mặt ăn vạ’

VIỆT NAM (NV)  - Song song với những chỉ trích mãnh liệt về chuyện Trung Quốc bày bố hỏa tiễn địa-không ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa là nhận định, Trung Quốc làm như thế chỉ nhằm “ăn vạ.”

Phân tích không ảnh chụp bãi đặt hỏa tiễn của Stratfor. (Hình: Stratfor)

Việt Nam vừa gửi công hàm cho cả Trung Quốc lẫn Liên Hiệp Quốc, khẳng định, chuyện Trung Quốc bày bố hỏa tiễn địa-không ở đảo Phú Lâm là “hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, đe dọa hòa bình, ổn định khu vực cũng như an ninh an toàn và tự do hàng hải-hàng không.”

Ông Malcolm Turnbull, thủ tướng Úc, nhắc lại điều ông Tập Cận Bình từng đề cập là Trung Quốc không muốn sự trỗi dậy của mình gây lo ngại cho các quốc gia khác, để khuyến cáo rằng, nếu Trung Quốc thật sự không muốn như thế thì phải tôn trọng luật pháp quốc tế và tham gia giải quyết các tranh chấp về chủ quyền ở biển Đông bàng những cơ chế hiện có.

Ông Turnbull còn cùng với ông John Key, thủ tướng New Zealand kêu gọi, Trung Quốc phải biết kiềm chế tại biển Đông, không xây dựng và cũng không quân sự hóa các đảo. Những hành động làm xáo trộn biển Đông cũng sẽ gây nguy hại cho an ninh và kinh tế của khu vực.

Giống như từng ứng xử với Hoa Kỳ, Trung Quốc phản bác những khuyến cáo này vì Úc và New Zealand không liên quan đến những vấn đề tại biển Đông. Trung Quốc cũng khuyến cáo Úc và New Zealand nên nhìn lịch sử một cách khách quan.

Đáp lại chỉ trích của ông John Kerry về việc ông Tập Cận Bình “bội tín” (hồi tháng 9 năm ngoái từng cam kết không quân sự hóa biển Đông, nay lại bày bố hỏa tiễn ở đảo Phú Lâm), Trung Quốc cho rằng, nguyên nhân thuộc về Hoa Kỳ và chính Hoa Kỳ là phía... có lỗi do đã điều chiến hạm, phi cơ vào sâu vùng biển, vùng trời của Trung Quốc. Chưa kể còn gây sức ép để các đồng minh và đối tác tham gia tập trận.

Giữa bối cảnh như thế, Stratfor - một công ty tư vấn và tình báo công bố bản phân tích các không ảnh cho thấy Trung Quốc đã bày bố một giàn radar, hai cụm hỏa tiễn địa không loại HQ-9, mỗi cụm tám bệ phóng ở đảo Phú Lâm. Theo đó, chưa chắc Trung Quốc thật sự muốn leo thang về quân sự.

Với sự hỗ trợ của AllSource Analysis - một công ty khác cùng loại, Stratfort đã phân tích nhiều yếu tố và nhận xét, dẫu sự xuất hiện của các hỏa tiễn loại HQ-9 ở đảo Phú Lâm rất đáng quan tâm, song việc hai cụm hỏa tiễn này được đặt sát mép biển, trên nền cát và rất gần nhau dường như chỉ nhằm “biểu diễn sức mạnh,” chứ không thật sự là một bãi bắn đúng nghĩa để có thể “đáp trả khi cần.”

Dựa vào chính các không ảnh đã được công bố, Stratfor nhận định, nền cát nơi đặt hai cụm hỏa tiễn chỉ mới được bồi đắp xong cách nay chưa lâu. Starfor đã kiểm chứng những không ảnh được chụp hồi tháng 12 năm ngoái và phát giác lúc đó, nơi hiện Trung Quốc bày bố hỏa tiễn vẫn còn đang được các tàu bơm hút cát của Trung Quốc bồi đắp.

Theo Stratfor, có thể do ý định đặt hỏa tiễn chỉ nhằm gửi một “thông điệp” nên nền của hai cụm hỏa tiễn không chắc và cát ở một số chỗ đã rã. (G.Đ)
02-19-2016 2:41:22 PM 

No comments:

Post a Comment