Friday, September 25, 2015

Vì sao và khi nào sẽ có báo chí tư nhân ở VN?

Tuy chưa có gì rõ ràng, nhưng có thể ghi nhận lần đầu tiên dự luật Báo chí VN được đề nghị bổ sung riêng một chương về quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận. Đề xuất này đã được nêu ra trong phiên họp của Ủy ban thường vụ quốc hội vào trung tuần tháng 9/2015. Trước đó, chẳng quan chức có trách nhiệm nào quan tâm đến hai thứ quyền đã được hiến định này.
Trang blog Chân Dung Quyền Lực
Nguyễn Sinh Hùng – chủ tịch quốc hội và là nhân vật vừa hoàn tất chuyến công du tại Hoa Kỳ - dường như được chấm điểm như một ‘ngôi sao đang tỏa sáng’, dù mới chỉ thể hiện khá khiêm tốn trên phương diện phát ngôn ‘không phải muốn bắt ai thì bắt’, chứ chưa phải hành động. Cùng với vài ủy ban trong Quốc hội, ông Hùng cũng góp một phần vào đề xuất để báo chí VN ‘tự do hơn’.
Thậm chí, dự thảo luật báo chí sửa đổi còn đề cập cả việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể ra báo. Con số tập đoàn và tổng công ty lại không hề nhỏ - đến 108 ‘hảo hán Lương Sơn’. Với con số này và cộng thêm hơn 800 đầu báo nhà nước đang tồn tại, có thể hình dung tổng số báo giấy nhà nước trong thời gian tới sẽ lên đến gần một ngàn, chưa kể báo mạng.
Thái độ có vẻ thông thoáng hơn trong dự luật Báo chí sửa đổi lại trở nên mâu thuẫn với cơ chế ‘siết báo chí’ – được nêu ra trong quy hoạch báo chí của Bộ thông tin truyền thông và được trình Chính phủ lẫn Bộ chính trị vào đầu năm 2015, theo đó sẽ hạn chế đến mức tối thiểu báo mới được cấp phép.
Tuy thế, sở hữu và sử dụng truyền thông đã và đang trở thành một đặc thù xương máu của không chỉ các nhóm lợi ích kinh tế, mà cả những nhóm thân hữu, tập đoàn và thế lực chính trị ở VN. Trong thời buổi mà đến cả ông Nguyễn Tấn Dũng cũng phải thừa nhận ‘chúng ta không ngăn, không cấm được ngăn mạng xã hội đâu các đồng chí à’, truyền thông có vai trò cực kỳ xung yếu đối với các chiến dịch vận động tranh cử lẫn triệt hạ đối thủ.
Về thực chất và được hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính bởi một số tập đoàn kinh tế có tên tuổi, đã từ lâu một bộ phận của giới truyền thông nhà nước phục vụ các hoạt động tranh giành ảnh hưởng và đấu đá lẫn nhau của giới chính khách. Đó chính là công cuộc ‘diễn biến hòa bình’ với sự chuyển hóa tư nhân từng phần báo chí nhà nước.
Tuy vẫn chưa chịu đề cập đến vai trò của báo chí tư nhân ở VN, song không quá khó để hình dung rằng với nhu cầu cạnh tranh chính trị đang diễn ra ngày càng sôi nổi và khốc liệt, báo chí tư nhân có thể được hình thành một cách chính thức ở VN trong vài ba năm nữa. Có thể phần lớn trong số đó vẫn thuộc về các thế lực chính trị tách ra từ đảng hiện hữu.  
09/23/2015 - 22:30
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment