Thursday, July 23, 2015

Nạo vét sông Thị Vải, dân khốn khổ ngày đêm

ÐỒNG NAI (NV) - Trong lúc việc nạo vét các khu vực sông tại Ðồng Nai và Sài Gòn chứa nhiều điều mờ ám chưa được giải mã thì nay, việc khơi luồng lạch ở sông Thị Vải lại làm cho người dân khốn khổ, lo lắng.

Trong khi trên dòng chính sông Ðồng Nai, tất cả việc nạo vét, khai thác cát, khoáng sản đều đã dừng lại do có đơn vị nạo vét vi phạm bị buộc tạm dừng, thì những “công trường bơm hút” trên sông Thị Vải - một nhánh sông Ðồng Nai có hệ thống vàm, rạch chằng chịt chảy qua hai huyện Nhơn Trạch, Long Thành của tỉnh Ðồng Nai và các nhánh sông lại rầm rộ do 2 công ty Tấn Thắng và công ty Ðan Thành thực hiện, được Bộ Giao Thông Vận Tải (GTVT) cấp phép từ hơn 5 tháng qua.



“Ðại công trường” nạo vét sông Thị Vải khiến người dân lo bờ sông bị sạt lở. (Hình: Người Lao Ðộng)

Ngày 23 tháng 7, 2015, theo mô tả của phóng viên Người Lao Ðộng, đoạn sông thuộc xã Phước Thái, huyện Long Thành, nhộn nhịp như một “đại công trường.” Tiếng tàu hút cát ì oạp; sà lan, sà cạp dàn đội hình ầm ào cả một khúc sông.

Khi ghe, sà lan đầy cát thì len lỏi theo các con rạch để đổ cát lên các bến bãi trên bờ. Ðây là khu vực nạo vét do công ty Ðan Thành thực hiện. Ở phía huyện Nhơn Trạch là một “đại công trường” khác của công ty Tấn Thắng, việc bơm hút cũng diễn ra cấp tập.

Công ty Tấn Thắng được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương nạo vét luồng và vũng quay, khu neo đậu, chuyển tải, tránh trú bão phía thượng nguồn sông Thị Vải, kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí không sử dụng ngân sách; tổng khối lượng khai thác là gần 950,000 m3 gồm cát san lấp và bùn đất. Còn công ty Ðan Thành nạo vét thông luồng từ xã Phước Thái huyện Long Thành đến xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, với khối lượng tương tự.

Việc nạo vét ở 2 huyện Nhơn Trạch, Long Thành không chỉ diễn ra trên dòng chính sông Thị Vải mà còn rầm rộ ở nhiều điểm trên các nhánh sông Ðồng Kho, Ðồng Tranh... với hàng loạt đơn vị được cấp phép. Nếu như các dự án rầm rộ trên sông Thị Vải khiến người dân lo ngại thì việc nạo vét trên các nhánh sông trên đã cho thấy nhiều vi phạm.

Tại ấp Cầu Bông, xã Phước An, người dân đưa cho phóng viên Người Lao Ðộng một lá đơn tập thể tố cáo đơn vị thi công “cấu kết với giang hồ” để làm ăn... “Cuộc sống chúng tôi đang bị đe dọa. Họ khai thác cả ban đêm hút cát sát bờ, chúng tôi lo sạt lở và ảnh hưởng đến môi trường nuôi trồng bị ô nhiễm, nhưng khi có ý kiến liền bị các băng nhóm xã hội đen đe dọa nên không ai dám lên tiếng,” ông N người đại diện cho dân nói.

“Gần đây, chúng tôi tiếp tục gởi đơn lên xã đề nghị giải quyết thì xã bảo thôi đừng gởi đơn nữa...,” một người dân bất bình. Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thường, phó giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Ðồng Na thừa nhận, việc nạo vét của các đơn vị trên các sông rất khó kiểm soát hoàn toàn về không gian và thời gian cũng như số liệu, dữ liệu. Ðồng thời, ông Thường đá trách nhiệm cho nơi khác: “Các dự án do Bộ GTVT cấp phép thì Cục Hàng Hải và các đơn vị giám sát, địa phương chỉ giám sát một phần,” ông này nói.

Theo ông Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, tình trạng nạo vét sông mập mờ đã diễn ra từ nhiều năm qua. Hệ thống sông ở Sài Gòn, Bình Dương, Ðồng Nai đều tan nát vì việc tận thu tài nguyên mang danh nạo vét, kéo theo nhiều hệ lụy, biến đổi cả dòng chảy, trôi nhà cửa, đất đai của dân. Có thể thấy, việc nạo vét hiện nay chỉ nặng về tận thu tài nguyên và rất khó kiểm soát. Không thể nói về biện pháp chế tài nữa mà cần phải có chuyên án, thanh tra để làm rõ, xử lý. (Tr.N)


07-23- 2015 2:54:40 PM

No comments:

Post a Comment