Wednesday, July 15, 2015

Chuyện nộp lệ phí đường bộ gây bức xúc từ nhiều năm

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Theo RFA-2015-07-15
Một trạm thu phí trên xa lộ
Một trạm thu phí trên đường cao tốc-Courtesy dailo.vn
Câu chuyện nộp lệ phí đường bộ là một câu chuyện có vấn đề, khuất tất và dai dẳng tại Việt Nam suốt nhiều năm. Hiện tại, vấn đề nộp lệ phí giao thông nông thôn cũng như các trạm thu phí đường bộ tồn tại quá lâu trong khi đường đã hư hỏng đang là đề tài thảo luận tại Quốc hội Việt Nam và mọi chuyện vẫn chưa được ngả ngũ.
Tuy nhiên, ở một số vùng nông thôn hẻo lánh, giới chức địa phương vẫn đang tận thu lệ phí giao thông nông thôn và ở một số tỉnh, vấn đề thu phí đường bộ vẫn diễn ra hằng ngày. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế cá nhân và khoản tiền lệ phí đi về đâu vẫn còn là câu hỏi không có trả lời.
Chiếc xe gánh quá nhiều thuế
Một người tên Diệp, sống ở Lệ Thủy, Quảng Bình, chia sẻ:“Tự mình khai là mình có bao nhiêu chiếc xe máy rồi nó đi thu giấy khai lại cộng với lệ phí. Thì vậy đó, mình đóng thuế rồi, ít nhất là thuế xăng. Nó giải thích là để sữa đường, sữa cầu nhưng dân không chịu, nó sung vào công quỹ. Sau khi dân phản đối thì nó bảo sung vào công quỹ rồi, không trả lại. Nó bảo vậy, cố tình tăng thêm một ít thu nhập cho quốc gia ấy mà không được thì thôi, cái gì cũng phải có tính hợp pháp chứ, còn nó bảo vào túi quần túi áo của ai thì làm sao mình biết.”
Theo ông Diệp, chuyện thu lệ phí giao thông nông thôn là một chuyện hết sức vô lý bởi tính chồng chéo và bất minh của nó. Thứ nhất, về tính chồng chéo, ông Diệp nói rằng ngay trong một lít xăng đổ vào xe để chạy hay mua bất cứ thứ phụ tùng gì để gắn vào xe đều đã qua thuế VAT tức thuế giá trị gia tăng. Trong đó có tính cả thuế bảo trì đường bộ, thuế tái thiết và bảo vệ tài nguyên, môi trường, thuế xây dựng xã hội… Trong một lít xăng đã gánh cả khối thuế, chính vì vậy, xăng Việt Nam có thể tăng giá gấp rưỡi, thậm chí có lúc gấp đôi so với thế giới bởi nó là loại hàng hóa có thuế giá trị gia tăng.
Đó là chưa nói đến người nông dân, khi đóng thuế cho hợp tác xã, từ thuế vườn tược cho đến thuế thủy lợi cũng có đóng cả thuế bảo trì giao thông nông thôn, thuế duy trì và phát triển đội ngũ cán bộ địa phương và thuế đền ơn đáp nghĩa nhằm xây dựng, thờ cúng các liệt sĩ Cộng sản. Thế nhưng đến hẹn lại lên, mỗi năm, người dân đều phải đóng thuế cho chiếc xe máy của mình với mức 100 ngàn đồng cho xe có dung tích xi-lanh từ 100cc trở lên và 50 ngàn đồng cho xe có dung tích xi-lanh từ 50cc đến 90cc.
Và đây là khoản thuế bắt buộc, nếu người dân nào không đóng, sẽ bị cán bộ phường, xã lập biên bản phạt khi ra đầu ngõ. Những cán bộ công an xã, công an thôn tự biến mình thành cảnh sát giao thông, ra đứng ở đầu làng để chặn xe kiểm tra biên lai thuế giao thông nông thôn. Nếu không có biên lai sẽ bị phạt số tiền cao hơn và có thể là tạm giữ phương tiện.
Theo ông Diệp, đây là chuyện hết sức vô lý, bởi khi mua xe, nếu không phải đóng những khoản thuế từ giao thông cho đến bảo trì đường bộ thì chiếc xe chỉ còn chưa được nửa giá tiền mua trên thị trường. Trong khi đó, chiếc xe gắn máy hay xe hơi tại Việt Nam gánh quá nhiều thứ thuế, trong đó gồm cả thuế bảo trì đường bộ cho quá trình sử dụng xe nên chiếc xe mới lên gấp đôi hoặc hơn gấp đôi giá do hãng qui định.
Một trạm thu phí trên quốc lộ 1A
Một trạm thu phí trên quốc lộ 1A. RFA
Người Việt Nam mua xe mắc gấp đôi, gấp ba lần người Lào, người Campuchia hay người Nhật, hàn Quốc mua xe là vì trong chiếc xe của người Việt Nam gánh rất nhiều khoản thuế và gánh cả khoản thuế bảo trì hệ thống giao thông trong suốt cuộc đời hoạt động của chiếc xe. Vậy còn thu riêng thuế giao thông đường bộ hay thuế giao thông nông thôn là chuyện hết sức phi lý.
Còn một khoản nữa, khi tham gia giao thông, người sở hữu xe có thể bị công an giao thông gọi bất kì giờ nào và các nhân viên công an này sẽ tìm cách mè nheo, vòi vĩnh, thậm chí hù dọa để lấy cho được những khoản tiền đút lót của người đi đường.
Ông Diệp nói rằng người Việt Nam sắm một chiếc xe gắn máy hay chiếc xe hơi, nếu tính đến khi chiếc xe hết hạn sử dụng sẽ đắt gấp mười lần một chiếc xe cùng chủng loại của người Nhật, người Mỹ hay người Hàn Quốc sắm.
Vì lẽ, lúc mua thì nhân đôi, nhân ba giá so với giá ở các nước này, lúc đổ xăng, hoạt động thì các khoản phí gấp chín, mười lần so với khoản phí ở các nước vừa nêu, trong đó chưa cộng với khoản tiền chung chi cho công an giao thông đứng đường. Có lẽ chính vì vậy mà người Việt Nam có thói quen xem chiếc xe là tài sản lớn, khác với quan niệm coi chiếc xe chỉ là phương tiện đi lại ở các nước lân cận.
Các trạm thu phí tồn tại dai dẳng
Ông Cứ, tài xế lái xe đường dài ở Quảng Trạch, Quảng Bình, chia sẻ: “Thu phí đường bộ ô tô thì mỗi tỉnh ít nhất có một trạm thu, mấy trạm này chủ yếu nằm ở phía bắc hoặc phía nam của tỉnh đó, nó bảo là thu để sung vào công quỹ để chi phí bảo trì. Có tỉnh có cả hai trạm. Mức phí thì nó thu theo trọng tải, bao nhiêu người - số hành khách, tùy…”
Theo ông Cứ, hiện tại, có một số trạm thu phí đường bộ tồn tại đã trên mười năm nay ở một số tỉnh trên cả nước nhưng mãi cho đến nay, nó vẫn tồn tại trong khi đường bộ mà nó thu phí đã xuống cấp trầm trọng. Và có một điều hết sức kì cục là chưa có bất kì một trạm thu phí nào dám công khia khoản thu và chi hằng năm trước công luận trong khi đó là việc nên làm và bắt buộc phải làm ở một nước có dân chủ, có công bằng.
Ông Cứ đưa ra một phép toán, ví dụ như trung bình mỗi ngày có tối thiểu 3000 chuyến xe đi qua trạm thu phí ở một tỉnh, trong đó, chia trung bình mức thu giữa xe tải, xe khách và xe cá nhân thì mỗi chiếc ước chừng 25000 đồng, lấy 25000 đồng nhân với 3000 thì ra được khoản tiền 75 triệu đồng trên mỗi ngày. Lấy 365 ngày nhân với 75 triệu đồng sẽ cho ra số tiền gần ba chục tỉ đồng. Và mỗi trạm tồn tại ít nhất mười lăm năm, sẽ cho ra số tiền ngót nghét ba trăm tỉ đồng.
Trên đất nước có sáu mươi bốn tỉnh thành và đương nhiên có ít nhất là sáu mươi bốn trạm thu phí. Có trạm sau mười lăm năm đã đóng cửa, có trạm vẫn đang tồn tại. Thử lấy số tiền thu phí đường bộ của mười lăm năm là ba trăm tỉ đồng ở mỗi trạm, nhân với sáu mươi tư tỉnh thành, sẽ cho ra số tiền gần hai mươi ngàn tỉ đồng. Với số tiền hai mươi ngàn tỉ đồng, người ta có thể xây dựng một hệ thống đường bộ mới với tiêu chuẩn cao theo chiều dọc đất nước nếu như không có nạn tham nhũng và móc ngoặc như hiện tại.
Nhưng đó chỉ là con số ước tính, con số thực thu sẽ cao hơn rất nhiều nhưng cho đến bây giờ, số tiền thu phí đường bộ vẫn còn là một bí mật, mọi khoản xây dựng giao thông mới lại là tiền vay vốn ODA, chủ nợ mới của Việt Nam là Trung Quốc. Như vậy, khoản tiền nhân dân đã đóng bằng mồ hôi, nước mắt và sự vất vả vào ngân sách nhà nước đã đi đâu? Và nhân dân còn đóng thuế một cách vô tội vạ như vậy cho đến bao giờ? Trong khi đó, nợ công vẫn mỗi lúc một tăng cao.
Ông Cứ nói rằng không cần phải nhìn vào điều gì cao siêu, chỉ cần bước ra đường, nhìn cách chạy xe của người dân và nhìn xuống mặt đường là thấy ngay đất nước đó có tiến bộ hay đang lạc hậu. Rất tiếc, tại Việt Nam, kết luận chung là quá lạc hậu!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment