Tuesday, July 28, 2015

Cảnh báo mối nguy sông hồ cho các em học sinh vào hè

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Theo RFA-2015-07-27

Các em nhỏ rất thích tắm sông nghịch nước
Các em nhỏ rất thích tắm sông nghịch nước- RFA

Ba tháng hè, học sinh được nghỉ ngơi, đi bán vé số, đi phụ hồ, đi làm đồng phụ giúp cha mẹ. Có thể nói rằng ba tháng hè là ba tháng vui nhất đối với học trò nghèo Việt Nam bởi các em không phải hồi hộp xin tiền nộp phí học tập của cha mẹ mà còn có thể được rảnh rỗi để làm kiếm tiền. Nhưng đó cũng là mối nguy, ba tháng hè bươn bả dưới nắng trời, khi nóng nực, gặp sống hồ gì thì cởi áo quần giấu vào bụi trẻ, hốc đá để nhảy ùm xuống tắm. Có thể nói rằng mối nguy sông hồ luôn rình rập học trò trong suốt ba tháng hè.
Học sinh không được học môn bơi lặn
Một phụ huynh học sinh tên Trúc ở Bắc Hà, Lào Cai, lo lắng chia sẻ: “Trong chiến tranh thì bằng mọi giá họ đánh nhau nên họ coi thường mọi thứ bao gồm quyền trẻ em. Họ luôn dạy tiến lên đoàn viên chứ không nói đến quyền lao động. Vậy nên trẻ em phải lao động, vui chơi thôi. Hè thì trẻ em có quyền được đi chơi nhưng không có điều kiện vui chơi nên tắm sông hồ, cá nhân, gia đình không có điều kiện vui chơi nên phải trả cái giá đó!”
Theo ông Trúc, vấn đề giáo dục có ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai và sinh mạng của học sinh. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia có nhiều ao chuôm, sông hồ nhất khu vực đông Nam Á, những con sông cắt ngang đất nước xuất hiện khắp mọi tỉnh thành trên cả nước. Đó là chưa muốn nhắc đến có quá nhiều đập thủy điện, hồ chứa và ao chuôm trên khắp mọi miền. Nhưng vấn đề giáo dục học sinh lại quá lơ là về chuyện này.
Đưa ra dẫn chứng, ông Trúc nói rằng tại các vùng quê, vùng sâu vùng xa, chỉ riêng bộ môn thể dục thể thao ở các cấp, học sinh chưa bao giờ được dạy môn bơi lặn. Trong khi đó, môn bơi lặn là môn giúp phát triển toàn diện và là môn có thể cứu sống các em học sinh khi gặp sự cố về sông nước. Nhưng có rất nhiều thời gian bỏ ra chỉ để dạy những động tác tay chân, hoàn toàn mang tính tượng trưng, không phải là động tác võ thuật và cũng không phải là động tác yoga.
Trong khi đó, bộ môn thể thao của các trường học khu vực và thế giới đã tiến rất xa, những môn thể thao giúp trẻ em chống stress như yoga hoặc bơi lội, võ thuật được đào tạo có bài bản và cấp bậc ở các trường học. Việt Nam thì không, các tiết học thể dục chỉ dạy những động tác huơ tay múa chân để giãn gân cốt. Trong khi đó, số đông học sinh Việt Nam hằng ngày phải lao động phụ giúp cha mẹ, chỉ việc cuốc đất, khuân vác cũng đủ tốn quá nhiều năng lượng cơ thể. Môn thể dục tại Việt Nam đâm ra xa xỉ và phung phí năng lượng một cách thái quá.
Vấn đề giáo dục Việt Nam, chỉ riêng bộ môn thể dục thể thao không thôi đã thấy thiếu tính thiết thực, không áp dụng hay vận dụng vào đời sống được. Trường hợp có sự cố cần đến sức khỏe thì mọi phản ứng của học sinh đều xoay quanh bản năng chứ không thể ứng dụng bất kì điều gì đã học được ở nhà trường để bảo toàn mạng sống.
Ao hồ luôn là mối nguy mùa hè đối với trẻ nhỏ
Ao hồ luôn là mối nguy mùa hè đối với trẻ nhỏ
Và cũng chính vì lẽ này, hằng năm, cứ đến mùa hè là số lượng học sinh bị chết đuối tăng lên mức báo động và mùa lụt thì số học sinh bị trôi, bị đuối nước cũng bội phát. Nhưng có một chuyện vô lý nữa mà theo ông Trúc là đáng lên án và hết sức bức xúc. Đó là bộ môn thể dục thể thao cũng phải chịu mức phí giống các bộ môn khác trong quá trình học tập. Trong lúc các hồ bơi xây dựng ra rồi bỏ không hoặc cho tư nhân đấu thầu mà học sinh không có chỗ để thực hành môn bơi lặn là hết sức vô lý!
Theo ông, lẽ ra phải có sự phối hợp giữa nhà trường và các cơ quan thể thao, văn hóa địa phương đề xây dựng bể bơi phục vụ học tập và bộ môn bơi lặn phải được xếp vào diện quan trọng, bắt buộc đối với học sinh. Bởi sống trong một đất nước có nhiều sông ngòi, ao chuôm và bờ biển cũng như thiên tai, lũ lụt… Không có cách gì bảo vệ sự sống của học sinh tốt hơn là trang bị cho các em những kĩ năng đủ để bảo toàn mạng sống khi có sự cố về sông nước. Nhưng rất tiếc, đây vẫn là chuyện không tưởng tại Việt Nam.
Mùa hè vất vả và buồn
Một giáo viên tên Huyền, sống ở Bát Xát, Lào Cai, buồn bã chia sẻ thêm:“Tại sao ở một bờ biển mênh mông, sông ngòi dày đặc mà chuyện đó nó vẫn xảy ra? Là vì đứa trẻ ngay từ đầu nó không được trao đổi về không gian như thế, ở đây có câu chuyện về giáo dục.”
Theo cô Huyền, kĩ năng bơi lội của học sinh nói chung là không có, chỉ cò vài em con gia đình khá giả được cha mẹ đưa đến hồ bơi để học bơi thì có khả năng này.
Nhưng con số những em biết bơi rất hạn chế. Và các em này cũng ít tương tác, lăn lộn ngoài đời như những em con nhà nghèo. Phần đông, nói đúng hơn là 99% học sinh bị chết nước là con nhà nghèo, nhà không khá giả, cha mẹ bận lo chuyện cơm áo gạo tiền nên không có thời gia để chú ý tới con.
Hoặc những em bé lang thang đây đó bán vé số, lượm ve chai, hái măng rừng, hái củi, làm thuê ngày hè để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, tích lũy vào năm học để nộp, trên đường bươn bả kiếm sống, có khi do trượt chân lúc qua suối, có khi ngụp lặn tắm sông để chống nắng… Và các em không tài nào trở lại cuộc đời một khi bị trượt chân, con nước cuốn đi.
Cô Huyền nhấn mạnh rằng phần đông, chiếm tỉ lệ rat61 cao các em học sinh chết nước vào mùa hè là con nhà nghèo. Và càng đáng buồn hơn khi phần đông, chiếm tỉ lệ rất cao các học sinh bị chết nước vào mùa lưa lũ cũng là con nhà nghèo. Vì nghèo, các em thiếu thốn mọi thứ, trong đó thiếu cả sự quan tâm của cha mẹ cũng như những kĩ năng đảm bảo giữ được mạng sống. Đó là một chuyện khiến cho một giáo viên nặng lòng với nghề, với học trò như cô Huyền cảm thấy buồn và đôi khi bế tắc.
Cô Huyền nói rằng nếu được đưa ra một kiến nghị, cô mong các quan chức ngành giáo dục hãy nghĩ đến tính mạng của học sinh nhiều hơn và đừng phung phí các khoản tiền vô lý bằng những tiết dạy hết sức đơn điệu và thiếu tính ứng dụng trong môn thể dục thể thao như hiện nay. Và việc đào tạo các môn bơi lặn trong học đường có dễ hay khó?
Tự đặt câu hỏi và tự đưa ra câu trả lời là quá dễ nếu như có sự kết hợp đồng bộ giữa các ban ngành trên tinh thần vì tính mạng và tương lai con em và làm theo tiếng gọi của lương tri giáo dục chứ đừng làm theo tiếng gọi của lương thực, lương tháng và lươn lẹo.
Lời kêu gọi của cô Huyền không biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực. Trong khi đó, mùa hè chưa qua nhưng khắp các tỉnh thành trên cả nước, ngày nào cũng có trẻ em bị chết nước, nếu không tỉnh này thì tỉnh kia. Thật là đáng buồn và tội nghiệp cho các em con nhà nghèo!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment