Monday, April 6, 2015

Miền Nam 20 năm bị kềm kẹp & 40 năm Thiên Đường XHCN

Cánh Dù Lộng Gió (Danlambao) - Trước năm 1975 miền Bắc được 'Bác' và Đảng tuyên truyền là miền Nam đang bị Mỹ Ngụy kềm kẹp rất ư là khổ sở, chúng ta phải nhanh chóng giải phóng cho Đồng Bào miền Nam thoát khỏi cảnh lầm than này. Sự thật như thế nào thì tất cả người miền Nam đều hay biết, chỉ có những cái đầu u mê đứng núi này trông núi nọ mới tin vào những lời này như những kẻ Ăn Cơm Quốc Gia Thờ Ma Cộng Sản mà thôi.

Sau năm 1975 Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cưỡng chiếm miền Nam đã nhanh chóng khai tử thằng con nuôi là MTGPMN, và quăng lá cờ 2 màu xanh đỏ vào thọt rác. Coi như đám ACQGTMCS công cốc. 

Trước tiên xin kể qua một chút về việc miền Nam bị kềm kẹp cái đã. 

Sống dưới thời 2 nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa mọi người Dân đều được bình đẳng, Công Dân có quyền chọn lựa lá phiếu của mình bầu ra những người có đức có tài. 

Người Dân muốn làm việc gì tùy sỡ thích, nếu có phải xin giấy phép mở mang gì thì thủ tục cũng gọn gàng nhanh chóng. 

Họ được tự do kinh doanh và phát triển ngành nghề. Nghề buôn thịnh hành nhất tại vùng Chợ Lớn, nơi mà người Việt gốc Hoa sinh sống và làm ăn tại miền Nam lâu đời. Họ không bị sức ép hay thuế má chất nặng trên người nên công việc khá thuận tiện. 

Nói đến nghề Nông Nghiệp, miền Tây trước đây là vựa Lúa miền Nam, quanh năm cánh đồng lúa xanh rì thẳng cánh cò bay, tới vụ gặt chuyển qua một màu vàng cả vùng rộng lớn bao la bát ngát, trên đường Quốc lộ nhìn 2 bên mới thấy đúng nghĩa vựa thóc miền Tây Nam Bộ. 

Những vùng ven Biển và Duyên Hải thì phát triển đánh bắt Thủy Hải Sản, tôm cá tươi sống nhiều vô số kể, giá cả rất rẻ tất cả đều được lưu chuyển phục vụ trong Nước không cần xuất cảng ra Nước ngoài. 

Về Văn Hóa, các trường Công và Tư Thục được mở song song như nhau, tất cả chỉ dạy một giáo trình thống nhất cả Nước không thay đổi với phương châm "Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn", trường Công Lập nhà Nước mọi cái đều miễn phí từ A-Z. 

Về Tôn Giáo thì VNCH rất tôn trọng tự do tín ngưỡng, không can thiệp hay thò tay vào các Tôn Giáo, họ muốn tổ chức lễ gì tùy ý. CSGQ chỉ đứng giữ An Ninh mà thôi.

Các bệnh viện thời VNCH mở ra để phục vụ mọi tầng lớp Nhân Dân, có tiền thì vào nhà thương to, không tiền thì vào nhà thương thí chữa bệnh khỏi tốn một xu, không có tình trạng Y Bác Sĩ nhận hối lộ, hay lót tay phong bì. 

Ở đây tôi chỉ nói tới 3 nghề chính là Thương, Nông, Thủy, còn các nghề khác thì tùy khả năng mỗi người tự phát triển lấy. 

Guồng máy VNCH được tổ chức rất gọn gàng Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp và Quân Đội, không bên nào lấn sân bên nào, không bên nào kéo co bên nào, việc ai nấy làm. 

Cảnh Sát Quốc Gia VNCH chỉ có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự chung cho toàn Dân, làm các thủ tục cần thiết cho mọi Công Dân, giúp người Dân giải quyết những khúc mắc hay tranh chấp cá nhân khi chưa vi phạm pháp luật. 

Quân Đội VNCH được thành lập lấy ngày 19/6 là ngày Quân Lực, có nhiệm vụ Bảo Vệ Tổ Quốc, Bảo Vệ người Dân trước hiểm họa xâm lăng. 

Các Quốc Gia láng giềng đã phải thèm thuồng khi qua thăm hòn ngọc Viễn Đông Sài Gòn hồi bấy giờ. 

Tôi chỉ xin mạn phép sơ lược một chút về tình trạng Mỹ Ngụy kềm kẹp miền Nam trước năm 1975. 

Bây giờ xin được nói về 40 năm sống trong Thiên Đường XHCN. 

Thiên Đường XHCNVN được tổ chức từ trên xuống dưới, Đảng trước, Chính Quyền sau. Tất cả đều được chỉ đạo và sắp xếp của Đảng, trong đó có 16 người trong BCT là nhân tố lãnh đạo, dưới là các Ủy Viên Trung Ương Đảng, sau đó mới xuống dưới Tỉnh Ủy, Huyện Ủy, Đảng Ủy, Chi Ủy, nói chung những thành phần trên chỉ đạo từ TW, tỉnh, huyện, xã, ấp. 

Một bộ máy cồng kềnh dài lê thê ngồi chơi xơi nước không có nghiệp vụ chuyên môn, cuối tháng lãnh lương, người Dân là những ông Chủ cứ hân hoan đi nộp thuế nuôi những đám đầy tớ này béo trắng ăn trên ngồi trốc.

Về nhà cửa, sau khi cưỡng chiếm miền Nam, CSVN đã làm chủ hầu hết những nhà cao tầng, những Công Ty lớn nhỏ, những cơ sở sản xuất kinh doanh, tất cả đều được Quốc Hữu Hóa, nhà Nước quản lý, nếu còn chút nào bên ngoài thì đánh thuế thật nặng để phải giao nộp cơ sở đó cho nhà Nước quản lý. 

Sau mấy lần đổi tiền thì "nhà giàu cũng khóc, nhà nghèo cũng khóc", tất cả tiền bạc đều chảy vào kho bạc nhà Nước, chỉ đổi lại cho mỗi người đúng tiêu chuẩn ấn định. Có nhiều người phấn khởi quá đã treo cổ uống thuốc, hay nhảy sông tự tử. Ngay nhà tôi chỉ đổi vỏn vẹn được 10$ Hồ, số còn lại nhà Nước giữ dùm, cả nhà nhìn nhau cười ra nước mắt. 

Sung sướng nhất là mọi cái đều được sắp hàng từ sáng tới trưa để mua nhu yếu phẩm cần dùng hằng ngày bằng tem phiếu, đến sớm thì ngồi đợi chai đế, đến muộn thì cửa hàng hết nhẵn, coi như méo mặt. Muốn mua được một chút cái gì đó cho ngon lành một chút, thì nịnh mấy và trong cửa hàng như nịnh đầm, chờ các chị phỏng mũi, nở to như quả Cà Chua mới có chút thịt hay cá tươi đem về trình diện bà xã. 

Thời gian sau này tất cả đều phải vào HTX, từ mua bán cho tới Nông Nghiệp mọi thứ đều HTX, cái gì cũng phân phối theo tiêu chuẩn, qua tem phiếu, thí dụ như mỗi người một năm được mua 2m vải thô về may quần đùi, nhịn mặc áo. Hồi đó tôi đen như khẩu súng vì phải ở trần làm ngoài nắng đủ nghề. 

Nói về Nông Nghiệp, trước tiên vào tập đoàn, vẫn đổi công cho nhau, sau đó tất cả phải vào HTX, làm việc chấm điểm ăn theo công điểm, phân thì góp phân nhà trộn với cây cỏ hôi để làm phân xanh, nói chung trong nhà ngoài ngõ hễ thấy phân người hay súc vật thì mắt sáng rỡ như bắt được vàng vì biết chắc sẽ được cộng thêm điểm lãnh thóc. Thu hoạch xong trừ hết các khoản và thuế ra còn lại thì chia theo điểm, ai nhiều điểm thì thóc nhiều hơn chút, ai ít điểm thì thóc ít đi, vài người làm biếng vì xưa khá giả lúc lãnh thóc ra mặt nhăn như Mẹ Vợ phải cú đấm. 

Thủy Sản thì khỏi bàn, hễ cứ được con nào là HTX đứng đó thu mua ngay, từ đó xuất khẩu ra Nước ngoài đủ kiểu, người Dân trong Nước chỉ được hưởng những phần bỏ đi, như đầu tôm, râu mực, cá ươn, may lắm ngày nào mua được bịch cá xuất khẩu không đủ tiêu chuẩn Nước ngoài trả về, thì hôm đó vợ chồng con cái cả nhà được một bữa nhớ đời.

Về Văn Hóa, thì thiên đường XHCN nhồi nhét đủ thứ căm hờn, tiền đầu khai giảng đóng còng xương sống phụ huynh học sinh, đi học mà đeo một ba lô sách vở như đi Hành Quân, sáng học, chiều học, tối về học thêm, học cho em nào cũng đeo kiếng 2-3 độ để sáng mắt mà nhìn thấy thiên đường XHCN. Thày Cô giáo ngang vai với nhau, đôi khi học sinh đánh luôn Thày Cô giáo trong lớp, còn đánh học sinh Nữ đánh nhau xé quần áo ra là thường. Hiệu trưởng thì kiêm làm tú ông dắt mối học sinh cho các quan chức. 

Bệnh viện nhà Nước từ trên xuống dưới nhất nhất đều được quán triệt "Lương Y Như Từ Mẫu", không có tiền thì "Lương Y Như Dì Ghẻ". Trước khi nhập viện phải đóng một khoản tiền mấy triệu, không tiền thì cứ nằm chờ, chờ cho tới khi lòi tiền ra thì sẽ có Bác Sĩ tới thăm khám, muốn mổ nhanh thì nhét phong bì cộm cho Bác Sĩ trưởng khoa sẽ không phải chờ chực, Y Tá, Hộ Lý cũng thế, muôn chăm sóc bệnh nhân kỹ lưỡng chu đáo thì cứ nhét phong bì, Y Tá sẽ ghé thăm thường xuyên, chích cũng nhẹ nhàng, còn không tiền thì bà chích cho mày la làng, lòi phong bì ra mới êm, có tiền Hộ Lý thay ra trắng toát, quần áo tươm tất, giường chiếu sạch sẽ, không tiền thì ra giường chiếu đen thui, bẩn thỉu, hôi hám, nói chung những Từ Mẫu này phục vụ vì "Phong Bì" chứ không vì "Lương Tâm". 

Tôn Giáo thì khỏi bàn, nếu muốn xây mới các nơi Nhà Thờ Chùa Chiền thì phải qua nhiều cửa, lót tay nhiều nơi, làm khó dễ, hoạch họe chán chê cả 10 năm mới có giấy phép, khi tổ chức lễ gì to thì phải xin phép xin tắc, có cho mới được phép tổ chức, nhưng ít ra cũng phải có mấy An Ninh mặc đồ Dân Sự trà trộn theo dõi. 

Thiên Đường XHCN hễ nhú ra cái gì là xuất khẩu ra Nước ngoài hết, kể cả xuất khẩu Phụ Nữ và Lao Động ra các Nước. Vì thế trong Nước người Dân không phải "no" cứ để nhà Nước "no" là ổn hết. Người Dân thì mập mạp khoe 36 cái xương sườn, cán bộ thì ai nấy ốm như con Heo ỉ nhà họ "KIM". Hở ra làm gì cũng phải xin giấy tờ nhiêu khê, chờ chực, đút lót mới có chữ ký và con Dấu

Một chút phác họa 2 thể chế Tự Do và CS để nhớ lại thời kỳ Mỹ Ngụy kềm kẹp sung sướng và thời kỳ tiến lên thiên đường "Xuống Hố Cả Nút" độc lập sắp thành Nô Lệ. /. 

Ngày 06/4/2015



No comments:

Post a Comment